Kể chuyện làng: Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!

Lê Tấn Thời Thứ bảy, ngày 17/02/2024 07:30 AM (GMT+7)
Ngày Tết, tôi đi phượt vào một quán cà phê có cái tên Nhà quê và thế là những gì tưởng đã ngủ vùi chợt thức giấc với không gian xưa như là những ngọn nến lung linh, soi đường cho kỷ niệm trong ngăn kéo ký ức dắt díu nhau về. Chạm tay vào chiếc xe đạp nơi góc quán bất chợt nhớ lại thuở học trò.
Bình luận 0

Quên làm sao được những giờ ra chơi đứng ở một góc sân trường, đợi chờ ai đó đi ngang qua, chỉ hỏi thăm dăm ba câu là thấy vui trong bụng. Những tà áo dài, những cành phượng vĩ và những bài thơ "con cóc" sẽ mãi mãi còn trong ký ức. 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng có một thời hoa niên đáng nhớ với những kỷ niệm không thể nào quên. Những Hà Lan, Ngạn, Dũng không chỉ là những nhân vật trong Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mà còn là hiện thân ngoài đời của những chàng trai, cô gái ở lứa tuổi mới lớn. 

Kể chuyện làng: Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!- Ảnh 1.

"Đu trend" cùng chiếc xe đạp cũ để nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa. Ảnh: Tác giả cung cấp

" … hình ảnh thơ mộng của những tà áo dài trắng lững lờ trôi khỏi cổng trường như một dòng sông nghi ngút sương mù. Dòng sông ảo ảnh đó đã một thời cuốn theo nó bao nhiêu mắt nhìn ngây ngất, những mối tình vẩn vơ và thầm lặng, đã sản sinh ra bao nhiêu thi sĩ và những kẻ viết tình ca nổi tiếng và vô danh của cuộc đời" – Những trang viết trong Mắt biếc đã nói hộ lên nỗi lòng của những chàng trai tuổi mới lớn của chúng tôi ngày đó.

Ngày ấy, những buổi tan trường thật lãng mạn với hình ảnh những cô gái ôm cặp đi trước và những chàng trai lẽo đẽo theo sau. Có khi là chỉ đi theo mà không dám lên tiếng! Đẹp nhất là những buổi chiều tà, trên con đường quê, ánh nắng hắt qua những hàng cây, cô gái lặng lẽ bước đi, gieo vào lòng chàng trai những cảm xúc bâng khuâng khó tả để rồi đến buổi liên hoan năm cuối cấp lại nhờ thơ và nhạc nói hộ nỗi lòng: "… Bao nhiêu là ngày, theo nhau đường dài. Trưa trưa chiều chiều Thu Đông chẳng nhiều. Xuân qua rồi thì chia tay phượng nở sang hè..." 

Sự hoà quyện, cộng hưởng tâm tình giữa thơ và nhạc trong Ngày xưa Hoàng Thị đã lan toả sâu và rộng hơn để lại một dấu ấn không quên của một thời học trò.

Ngôi trường ngày xưa tôi học là một ngôi trường huyện nên có những bạn nhà xa phải ngày hai buổi đến trường bằng xe đạp. Chiếc xe đạp gắn bó với tuổi học trò và trở thành nhân chứng bất đắc dĩ cho những rung động đầu đời. 

Kể chuyện làng: Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu!- Ảnh 2.

Xe đạp ơi đã xa rồi còn đâu. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ngày ấy, có một chàng trai luôn song hành với người bạn học mỗi buổi tan học từ trường huyện về nhà. Con đường làng gồ ghề nhưng trở nên thơ mộng với hai hàng cây râm mát, ruộng lúa xanh rì và những chùm hoa dại trên chiếc giỏ xe của người bạn gái cùng với những lời trò chuyện về những định lý Toán, những bài học Văn hay những công thức Hoá học, Vật lý.

Chiếc xe đạp thật công dụng khi kéo dài quãng đường từ trường về nhà, câu chuyện rủ rỉ giữa hai người bạn nhờ đó cũng miên man theo. Nhưng rồi, đến năm cuối cấp, cô bạn phải chuyển trường để lại trong lòng người bạn học một nỗi niềm thật không dễ nguôi ngoai:

" … Em đi, phố huyện tiêu điều lắm!

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi …"

Bao năm trôi qua, mỗi lần đọc lại những dòng thơ Nguyễn Bính kỷ niệm lại ùa về trong lòng người bạn ấy.

Những cuộc chia tay năm cuối cấp bao giờ cũng để lại nhiều dư vị. Trong những cuốn lưu bút ngày xanh bạn bè chuyền tay nhau trước phút chia tay đã thấp thoáng những trang hoen nước mắt. Năm tháng qua đi, dần dần bước vào thế giới người lớn với những lo toan của cuộc sống đời thường.

Thế rồi những gì tưởng đã ngủ vùi trong ký ức chợt thức giấc với hình ảnh chiếc xe đạp cũ nơi góc quán như là những ngọn nến lung linh, soi đường cho kỷ niệm dắt díu nhau về. Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu! Chuyến tàu thời gian đã đi qua thì không bao giờ quay lại chỉ còn dăm mẩu chuyện xưa để mớ ngăn kéo ký ức, mường tượng lại tiếng lao xao của một thời hoa niên đầy ắp những kỷ niệm vui buồn.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem