Kết nối tiêu thụ nông sản Việt: Nông sản sạch không chỉ dành cho người thu nhập cao

Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế Thứ hai, ngày 13/05/2019 10:35 AM (GMT+7)
Lẽ ra những nông sản đạt tiêu chuẩn đó nếu được tổ chức tốt, phải bán được giá cao hơn các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ở thị trường, hậu quả là đem lại thua thiệt cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất làm ăn nghiêm túc.
Bình luận 0

img

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế. (Ảnh: danviet.vn)

Ngày 8.5.2019, nhân dịp kỉ niệm 35 năm xuất bản số báo đầu tiên của Báo Nông Thôn ngày nay (7.5.1984 – 7.5.2019), đồng thời cũng là ngày mà Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản cũng chính thức ra mắt. Việc hình thành một tổ chức kết nối và tiêu thụ nông sản trong toàn quốc là một hướng đi đúng, tích cực và rất thiết thực, thể hiện một sứ mệnh cao cả “sát cánh cùng nông dân, hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường và tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng” của Báo Nông thôn ngày nay.

Việc hỗ trợ đúng nghĩa “Từ sản xuất đến tiêu dùng”, nhiều năm nay những sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam kể cả những sản phẩm đạt tiêu chuẩn về các mặt giá cả, an toàn thực phẩm, phù hợp với sức mua của xã hội và có khả năng cung ứng và cạnh tranh với một số sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Song rất tiếc là hiện nay số sản phẩm sạch thâm nhập vào kênh thương mại hiện đại chỉ chiếm một vài phần trăm, còn lại ngoài phần xuất khẩu thì hầu hết đều được tiêu thụ rải rác chủ yếu là ở thi trương ít được tổ chức chặt chẽ như chợ, hàng rong, cửa hàng bán lẻ...

Lẽ ra những nông sản đạt tiêu chuẩn đó nếu được tổ chức tốt, phải bán được giá cao hơn các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn ở thị trường, hậu quả là đem lại thua thiệt cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất làm ăn nghiêm túc. Nhiều người tiêu dùng phàn nàn rằng sản xuất rất nhiều nông sản sạch, hữu cơ rất ngon và bổ, Song họ tìm mua những sản phẩm đó rất khó khăn. Có chăng chỉ mua được ở một số hội chợ nông sản sạch một năm được tổ chức vài lần, hoặc ở một số siêu thị với số lượng rất khiêm tốn và không thường xuyên. Chính vì vậy, việc tổ chức kết nối và tiêu thụ là một việc cấp bách, một mặt đưa nông sản sạch nhanh chóng tiếp cận với thị trường,  mặt khác chủ động cạnh tranh với các nông sản ngoại nhập, giảm bớt những thiệt thòi của người sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối ở nước ta. Nhất là trong khi việc kiến nghị “Luật hóa việc phân phối lợi nhuận” trong chuỗi giá trị sản xuất phân phối nhằm bảo vệ người sản xuất chưa được chấp thuận.

Muốn làm được những điều này, cần phải tiến hành một số giải pháp cơ bản sau đây:

Trên cơ sở thế mạnh vùng miền, tổ chức sản xuất ngày càng lớn, đảm bảo chất lượng nông sản thực phẩm, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn Vietgap và Global Gap, phải có địa chỉ chịu trách nhiệm về hàng hóa với người tiêu dùng, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác và mã số mã vạch đầy đủ. Cần tổ chức tốt khâu dự trữ trong các vụ thu hoạch, vừa tổ chức chế biến sâu các sản phẩm và cung ứng một cách đều đặn, hiệu quả cho các vùng miền trong cả nước, góp phần ổn định chỉ số giá cả tiêu dùng và bảo vệ người tiêu dùng.

Tổ chức hệ thống phân phối và màng lưới bán hàng nông sản rộng khắp, kết nối với các vùng sản xuất tập trung, hạn chế các khâu trung gian, các chi phí lưu thông vô lý xuất hiện trong quá trình vận động của hàng hóa. Giá cả hàng nông sản là một nhóm hàng hóa thiết yếu quan trọng cho đời sống sản xuất và tiêu dùng xã hội, cần có những tổ chức và cá nhân, các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm để tham gia thực hiện một nhiệm vụ còn khó khăn nhưng rất nhân văn này.

Tăng cường tính công khai minh bạch trong giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm trên thị trường, đưa người sản xuất hàng hóa đang bị yếu thế, tiến tới chủ động trong việc đàm phán với các nhà bán buôn bán lẻ trên thị trường. Từ vấn đề này, có nên chăng thành lập một Hiệp hội cung ứng hàng hóa để có thể làm đối trọng trực tiếp bình đẳng với các nhà bán lẻ trên thị trường.

Với cơ quan quản lý nhà nước, cần thường xuyên có những đề xuất những chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ liên doanh liên kết, xúc tiến thương mại. Thường xuyên kiểm tra kiểm soát để bảo vệ những nhà sản xuất kinh doanh chân chính, làm ăn tử tế, có trách nhiệm; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về sản xuất và phân phối trên thị trường. Có như vậy, việc kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản ở nước ta sẽ ngày càng thiết thực và hiệu quả.

Đối với người tiêu dùng xã hội, một khi sản phẩm nông sản Việt Nam  đã đạt những tiêu chuẩn an toàn, giá cả hợp lý và cạnh tranh thì phải nhiệt tình ủng hộ cho sự phát triển lành mạnh đó, các Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội bảo vệ nguoi tiêu dung chân chính cần bảo vệ những cái đúng, phê phán những việc làm sai trái của một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vi phạm kỉ luật thị trường hoặc dùng thế mạnh để ép những điều vô lý đối với  người sản xuất cung ứng hàng hóa chân chính.

Nếu làm được những việc cơ bản nêu ở trên, chắc chắn việc kết nối và tiêu thụ nông sản đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ đem lại những kết quả. Kết nối tiêu thụ nông sản sạch, hữu cơ “nhằm phục vụ cho đại đa số nhân dân lao động, cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam chứ không phải cho một nhóm người có thu nhập cao trong xã hội” - như lời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong một Hội nghị Nông nghiệp chất lượng cao năm 2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem