Khắc phục tốt hậu quả, Dương Chí Dũng chưa chắc thoát án tử?

Ngọc Lương Thứ tư, ngày 06/01/2016 19:00 PM (GMT+7)
Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố, dư luận đang quan tâm tới vấn đề: Trường hợp bị án tử hình như Dương Chí Dũng, nếu khắc phục tốt hậu quả, liệu có thoát án tử hình?
Bình luận 0

img

Dương Chí Dũng.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp - Tổ phó Tổ soạn thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 - cho biết: Bộ luật Hình sự năm 2015 vừa được Quốc hội kỳ họp thứ 10 khóa XIII thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016. Theo Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự có quy định: Kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố, đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì không thi hành và Chánh án TAND Tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân. Ngoài ra, điểm c khoản 3 Điều 40 còn có nội dung: Người bị kết án về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản đã tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

"Bộ luật Hình sự năm 2015 được lệnh của Chủ tịch nước công bố ngày 18.12.2015, do đó quy định nêu trên bắt đầu có hiệu lực thi hành" - ông Hoàn giải thích.

Vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và các đồng phạm đã được TAND Tối cao xử phúc thẩm và tuyên án ngày 7.5.2014. Theo đó, Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc Vinalines cũng bị tuyên bị tử hình về tội "Tham ô tài sản" và 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Các cơ quan tố tụng đã xác định Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người tham ô 10 tỷ đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật tính đến nay đã một năm rưỡi.

Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định mới của pháp luật, nếu chưa bị thi hành án, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thể nhờ gia đình, người thân nộp lại tài sản đã tham ô, tối thiểu là 3/4, để có cơ hội được ân giảm án.

"Tuy nhiên, dù có khắc phục tốt thì đó là điều kiện cần chứ chưa đủ, pháp luật còn quy định ngoài khắc phục tốt, người đó còn phải được các cơ quan tố tụng xác nhận là hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn" - luật sư Tiến phân tích.

Về quy định lập công lớn, luật sư Tiến nêu ví dụ như việc người bị kết án tử hình đó có thể biết thông tin sai phạm của cá nhân, tổ chức nào đó để tố giác.

Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật, bị án Dương Chí Dũng sẽ được giảm xuống tù chung thân. Tuy nhiên, theo Điều 63 của Bộ luật Hình sự năm 2015, với loại tù chung thân này, thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt 30 năm. Dương Chí Dũng (SN 1957) bị bắt tháng 9.2012, khi 55 tuổi. Nếu bị án thuộc trường hợp được giảm án như quy định của pháp luật thì phải đến 85 tuổi mới được ra tù (trong trường hợp không phạm tội mới - PV).

Trước đó - tại cuộc họp báo quý IV năm 2015 của Bộ Tư pháp (ngày 31.12.2015), ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: Dương Chí Dũng phải nộp án phí 218 triệu đồng và liên đới bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng tới nay mới chỉ tự nguyện nộp lại 5,2 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem