Khán giả nghèo - thèm và tiếc các chương trình ca nhạc cao cấp

Thứ bảy, ngày 05/01/2013 06:40 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Suốt năm 2012, hàng loạt chương trình ca nhạc cao cấp về giá vé lẫn chất lượng liên tục xuất hiện trở lại. Câu hỏi đặt ra là phải chăng khán giả đã giàu lên hay các chương trình ca nhạc tạp kỹ đã hết đất sống?
Bình luận 0

Nhạc “nghe” trở lại

Để phân biệt các chương trình ca nhạc tôn vinh âm nhạc thực sự, giới làm nhạc có thuật ngữ “nhạc để nghe” và “nhạc để nhìn”. Chương trình nhạc để nghe thường có một sân khấu tối giản, dựa hoàn toàn vào giọng hát, dàn nhạc và ánh sáng, không có đạo diễn để “hô phong hoán vũ” với các chiêu trò mang đủ thứ lên sân khấu từ lợn, gà, vịt... đến siêu xe như một số các liveshow gần đây của các ca sĩ ăn khách. Mặc dù vắng bóng chiêu trò, thậm chí là vắng bóng cả MC, hầu như chẳng mất tiền gì cho phông màn trang trí sân khấu, nhưng giá vé của các chương trình “nhạc để nghe” vẫn rất cao.

img
Chương trình “Gọi tên bốn mùa” trong chuỗi “In the spotlight” tổ chức tại Hà Nội ngày 3.1.

Trong khi các chương trình ca nhạc tạp kỹ bình dân đầy tai tiếng như kiểu “Vũ điệu đường cong” có giá vé tầm 1,5 triệu đồng thì các show ca nhạc theo kiểu “concert” như chuỗi chương trình “In the spotlight” mà Công ty Mỹ Thanh nỗ lực tổ chức suốt một năm qua có giá cao hơn, vé hạng VIP lên tới 3 triệu đồng. Thế nhưng trước giờ diễn, “Vũ điệu đường cong” bị rớt giá thê thảm, có khán giả cho biết họ đã mua vé với mức 50.000 đồng, thậm chí 30.000 đồng.

Trong khi đó, chương trình “Bằng Kiều in Concert 2012” tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 10, giá vé chợ đen lên tới 8 triệu đồng/chiếc. Tất nhiên Bằng Kiều là một trường hợp đặc biệt, thế nhưng có thể thấy, khán giả giờ đã chịu chơi hơn rất rất nhiều, dù kinh tế chung đang trong giai đoạn khó khăn.

Ở một mức thấp hơn, cũng đã có nhiều chương trình ca nhạc có chất lượng nhưng giá vé mềm hơn một chút, đó là chương trình “Câu chuyện âm nhạc”, chuỗi mini show âm nhạc mang phong cách acoustic do các nhạc sĩ Phan Cường, Phan Kiên thực hiện. Hai đêm nhạc “Như chưa từng yêu” giới thiệu ca sĩ trẻ Tạ Quang Thắng và “Vỹ Thanh” với sự xuất hiện của các ca sĩ Anh Thơ, Việt Hoàn cũng được ghi nhận là “chất” không thua kém gì các chương trình lớn.

Thêm một tin vui cho các khán giả yêu ca nhạc là Đoàn Thanh niên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng bắt đầu “xắn tay” để tham gia vào tổ chức chuỗi các chương trình ca nhạc sang trọng, chất lượng dành cho lớp khán giả trẻ. Thạc sĩ Nguyễn Phúc Tiệp - giảng viên thanh nhạc cho biết: “Chúng tôi thực sự muốn định hướng “tai nghe” cho lớp trẻ trong thời buổi có nhiều trào lưu âm nhạc như hiện nay. Bởi vậy, opera, pop với những ca khúc trữ tình, lãng mạn, hiện đại phù hợp với xu hướng âm nhạc thế giới mà không quá hàn lâm sẽ được lựa chọn”.

Với thế mạnh là đơn vị sở hữu những giọng ca được đào tạo bài bản, chương trình đầu tiên mang tên “Phố mùa đông” đã làm hài lòng khán giả với các tên tuổi giảng viên như Trọng Tấn, Anh Thơ, Phương Uyên, Tân Nhàn, Nguyên Vũ, Lê Anh Dũng...

Xa tầm khán giả nghèo

Việc giá vé các chương trình ca nhạc chất lượng cao ở mức cao mà vẫn có khán giả “chịu chi” cho thấy một tín hiệu vui là sân khấu ca nhạc đã hình thành một lớp khán giả “tinh tuyển”. Thế nhưng một đặc điểm dễ nhận thấy là các chương trình ca nhạc “concert” như các chương trình “Bằng Kiều in Concert 2012”, “Những câu chuyện kể của tôi” của nhạc sĩ Dương Thụ là có giá vé trung bình khá đắt, nằm xa mức chi tiêu của những khán giả nghèo, thành thử họ khá thiệt thòi khi muốn đi nghe các chương trình ca nhạc chất lượng như vậy.

Năm 2007, giá vé VIP của liveshow của Khánh Hà – Tuấn Ngọc với mức giá 2 triệu đồng/vé được xem là cú đột phá về giá vé. Ngay sau liveshow này, hàng loạt ca sĩ hạng sao của Việt Nam và hải ngoại đều đưa ra mức giá 2 triệu đồng cho vé VIP. Song không lâu sau, vé VIP lên đến 3,5 triệu đồng trong các show của Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Phú Quang, Tuấn Vũ… Giá vé VIP của “Bằng Kiều in Concert 2012” là 4 triệu đồng. Trước đó, năm 2011, chương trình Chế Linh vé VIP giá 3 triệu đồng.

Nhạc sĩ Dương Thụ lý giải: “Khi biết giá vé chương trình “Những câu chuyện kể của tôi”, nhiều người cũng hỏi tôi là tại sao lại cao như vậy, những mấy triệu một vé. Tôi thực sự cũng rất tiếc vì điều này, nhưng có bắt tay vào tổ chức mới thấy, đây là chương trình được làm theo kiểu “concert”, có dàn nhạc giao hưởng, có dàn nhạc điện tử, hàng mấy chục con người phải luyện tập ròng rã vài tháng. Bởi vậy sẽ rất khó so sánh với các chương trình ca nhạc mà ca sĩ ra sân khấu chỉ cần đưa một cái đĩa đã mix nhạc sẵn cho dàn âm thanh là xong”.

Theo nhiều bầu sô có kinh nghiệm trong việc tổ chức các chương trình ca nhạc, nếu không tìm được các Mạnh Thường Quân để đỡ đầu, các chương trình ca nhạc cao cấp sẽ không thể hạ giá vé do những chi phí cho đầu vào quá đắt đỏ.

Điều đó có nghĩa, chỉ có khán giả ở 2 thành phố lớn là TP.Hà Nội và TP.HCM là có đủ điều kiện được tiếp cận với những đêm nhạc này, còn khán giả ở các tỉnh thành khác rất hiếm có dịp được thưởng thức những chương trình đỉnh cao như vậy. Bởi vậy, họ vẫn buộc phải chấp nhận xem những chương trình ca nhạc tạp kỹ mà đa phần là “treo đầu dê bán thịt chó” do các bầu sô lừa đảo tổ chức.

Ông “Bầu” Hoàng Tuấn :

“Tôi đánh giá khu vực Hà Nội dạo gần đây nhu cầu thưởng thức âm nhạc tăng lên rõ rệt. Trong khi thị trường phía Nam có vẻ đang bị bão hòa các liveshow thì Hà Nội đang là một điểm đến hấp dẫn của các ca sĩ mỗi khi nghĩ tới chuyện tổ chức show”.

img
 

Nhạc sĩ Huy Tuấn:

“Tôi thấy khán giả hiện đã hình thành một thói quen thưởng thức âm nhạc đích thực. Họ không ngại bỏ tiền cho những chương trình ca nhạc chất lượng cao, điều này cũng đồng nghĩa với việc các chương trình dựa vào tạp kỹ mà ca sĩ chủ yếu hát nhép kèm thêm vài tiết mục người mẫu ra biểu diễn vài bộ trang phục sẽ dần bị loại bỏ. Có điều, làm sao để các chương trình ca nhạc chất lượng đừng chỉ tập trung ở các thành phố lớn mà ngày càng trở nên phổ biến thì thực sự khó, vì mặt bằng thu nhập của người dân cả nước còn chênh lệch nhiều”.

img
 

Nhạc sĩ Quốc Bảo:

“Thị trường ca nhạc phổ thông trên cả nước đã bão hòa, khán giả có nhiều những mối quan tâm khác. Các nhà kinh doanh nhạc muốn đi tìm đối tượng hẹp, tìm lượng công chúng tinh tuyển hơn, nơi có thể tìm thấy dễ nhất là Hà Nội. Tôi đã được mời Hà Nội ra để phụ trách nghệ thuật cho một sân khấu ca nhạc phòng trà theo mô hình phòng trà của Sài Gòn khi xưa với âm nhạc chủ đạo là nhạc Pháp xưa, nhạc tiền chiến. Đó cũng là một cách để tìm kiếm khán giả tinh tuyển”.

img
 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem