Khi Mỹ giáng đòn Huawei, Oppo vội vã chuẩn bị kịch bản xấu

28/05/2020 12:39 GMT+7
“Cuộc đàn áp” của Mỹ với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đang thúc đẩy Oppo - đối thủ lớn nhất của Huawei trên thị trường smartphone nội địa - tự xây dựng chuỗi cung ứng chip cho mình.
Khi Mỹ giáng đòn Huawei, Oppo vội vã chuẩn bị kịch bản xấu - Ảnh 1.

Khi Mỹ giáng đòn Huawei, Oppo vội vã chuẩn bị kịch bản xấu

Oppo hiện là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai Trung Quốc và thứ năm toàn cầu, đồng thời là đối thủ lớn nhất của Huawei tại thị trường smartphone nội địa. Khi Mỹ tăng cường “đàn áp” các công ty công nghệ Trung Quốc đặc biệt là Huawei, Oppo cũng đang dần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất bằng cách phát triển khả năng thiết kế chip cho riêng mình.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, Oppo đã tăng cường những nỗ lực thiết kế chip smartphone kể từ năm ngoái, khi Mỹ đưa hàng loạt đại gia công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen. Việc phát triển mảng thiết kế chip có thể giúp Oppo hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào các nhà cung cấp ở Mỹ, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh ở thị trường smartphone quốc tế, nơi Huawei đang gặp khó khăn. Kể từ năm ngoái, khi Huawei rơi vào danh sách đen và bị cấm làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ, smartphone của hãng đã bị ngừng cấp quyền truy cập vào hệ điều hành Android và kho ứng dụng Google, dẫn đến doanh số giảm mạnh trên thị trường quốc tế. Giờ đây, Oppo đang gồng mình nỗ lực thế chỗ Huawei trên thị trường béo bở này.

Oppo hiện đã thuê một số cựu CEO từ các nhà cung cấp chip danh tiếng như MediaTek - nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới và các kỹ sư giàu kinh nghiệm từ UNISOC - nhà phát triển chip di động lớn thứ hai Trung Quốc để thành lập phòng nghiên cứu tại Thượng Hải.

Theo nguồn tin của Nikkei Asian Review, những nhân sự được Oppo tuyển dụng gồm có Jeffery Ju, cựu CEO MediaTek  đồng thời là cựu CEO nhà sản xuất smartphone Xiaomi của Trung Quốc. Oppo hiện cũng đang tiếp xúc với các nhân viên của Qualcomm và HiSilicon.

Nhưng các nhà quan sát nhận định những nỗ lực của Oppo có thể mất nhiều năm và nhiều nguồn lực để có kết quả rõ rệt. “Oppo đã ráo riết tuyển dụng các nhân sự tài năng trong mảng phát triển chip từ năm ngoái khi hãng nhận ra rằng việc sở hữu khả năng thiết kế chip sẽ giúp họ chủ động hơn trong chuỗi cung ứng của mình. Tuy nhiên, việc phát triển chip sẽ đốt rất nhiều tiền và ngay cả khi Oppo có một nhóm chuyên gia kinh nghiệm, những nỗ lực này sẽ phải mất nhiều năm để hoàn thiện”.

Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, Oppo không đề cập đến nỗ lực thuê nhân sự trong ngành chip nhưng nhấn mạnh “mọi khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm mục đích tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao trải nghiệm người dùng”.

Đi trước Oppo, Huawei đã thành lập công ty con chuyên về lĩnh vực thiết kế chip là HiSilicon từ 10 năm trước. Ngược lại, Oppo đến nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các nhà cung cấp nước ngoài trong nguồn cung chip vi xử lý và modem 5G trong thiết bị smartphone. Dòng smartphone cao cấp mới nhất của Oppo sử dụng chip di động Snapdragon 5G của Qualcomm, trong khi dòng smartphone tầm trung ra mắt đầu năm 2020 sử dụng nền tảng chip 5G được cung cấp bởi MediaTek.

Xiaomi, một đối thủ khác của Oppo và là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới cũng thành lập bộ phận phát triển chip từ năm 2014 nhưng hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung chip smartphone từ Qualcomm và Mediatek.

Những nỗ lực mới nhất của Oppo trong việc phát triển nguồn cung chip nội bộ là một phần trong chiến dịch “phi Mỹ hóa” - hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ khi căng thẳng Mỹ - Trung ngày một leo thang. Ngoài ra, khả năng phát triển chip cũng có thể mang về lợi thế cho Oppo trên thị trường nước ngoài trong bối cảnh Huawei chiếm phần lớn thị trường nội địa. 

Theo số liệu công bố mới đây, các lô hàng smartphone Oppo đến Châu Âu trong quý I/2020 đã tăng mạnh hơn 1.000% bất chấp đại dịch Covid-19, dù cho các lô hàng toàn cầu giảm 1,2% xuống còn 22,7 triệu chiếc. Oppo đang tăng cường hợp tác với một số nhà khai thác mạng Châu Âu danh tiếng như Vodafone, Orange và Telefonica để tăng cường sự hiện diện trong khu vực.

“Chiến tranh công nghệ Mỹ Trung và cuộc đàn áp công nghệ nhắm vào Huawei chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu và nguồn cung trên thị trường smartphone nói chung. Huawei sẽ tiếp tục mở rộng thị phần tại Trung Quốc, trong khi các đối thủ của nó là Oppo, Vivo, Xiaomi tận dụng cơ hội này để bành trướng, mở rộng trên thị trường toàn cầu” - nhận định của Joey Yen, một nhà phân tích công nghệ từ IDC.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục