CFO Huawei Mạnh Vãn Châu có nguy cơ thua kiện dẫn độ, báo Trung chỉ trích Mỹ "bắt nạt"
Trong phán quyết hôm 27/5, tòa án tối cao British Columbia đã đưa ra phán quyết rằng vụ kiện chống lại bà Mạnh Vãn Châu đã đáp ứng tiêu chuẩn tội phạm kép trong luật dẫn độ của Canada. Tiêu chuẩn này mang ý nghĩa là hành động phạm tội tại Mỹ cũng sẽ bị cho là tội phạm bất hợp pháp ở Canada.
Như vậy, Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu đã bước đầu thua trận trong nỗ lực loại bỏ vụ kiện, chống dẫn độ sang Mỹ sau khi Washington cáo buộc bà này đóng vai trò quan trọng trong hành động gian lận, vi phạm chính sách cấm vận của Mỹ với Iran. Như vậy, công chúa Huawei giờ đây có khả năng mắc kẹt tại Canada trong một quá trình dẫn độ kéo dài.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã hối thúc Canada trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu và yêu cầu được bảo lãnh cho bà này về nước. Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó đã cáo buộc Mỹ nhúng tay vào phán quyết này, chỉ trích Washington “bắt nạt” làm tổn thương sự độc lập về tư pháp và ngoại giao của Canada.
Phía Huawei cũng lên tiếng bày tỏ sự thất vọng về phán quyết và lần nữa khẳng định CFO Mạnh Vãn Châu vô tội.
Sau phán quyết này, giai đoạn tố tụng tiếp theo với bà Mạnh Vãn Châu sẽ bắt đầu vào 15/6.
Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới từ lâu đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng 12/2018, không lâu sau khi thương chiến bùng nổ, CFO Mạnh Vãn Châu bị bắt tại sân bay Vancouver sau khi Chính phủ Mỹ cáo buộc bà này lừa dối hàng loạt ngân hàng và tổ chức tài chính về mối quan hệ của Huawei với Skycom, qua đó vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ áp đặt lên Iran.
Để đáp trả, phía Trung Quốc sau đó cũng bắt giữ hai công dân Canada trong cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia, buộc tội gián điệp.
Theo nhiều nguồn tin, ngay từ sau khi CFO Mạnh Vãn Châu bị bắt tại Canada, Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc đến trường hợp dẫn độ bà Mạnh về Mỹ để củng cố thêm vị thế cho nước Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Không chỉ thúc đẩy nỗ lực dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu, Washington cũng cố gắng dồn Huawei vào tử địa với hàng loạt đòn giáng liên tiếp. Tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hạn chế thương mại, qua đó cấm các công ty Mỹ làm ăn với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nếu chưa được Bộ này cấp phép đặc biệt. Mới đây, hôm 15/5, Mỹ tiếp tục thông qua Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn bán hàng cho Huawei. Động thái mang ý nghĩa như một đòn giáng đau đớn chặn đứng chuỗi cung ứng chip toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ này.
Trên thị trường quốc tế, Washington cũng tăng cường nỗ lực gây ảnh hưởng, kêu gọi các quốc gia đồng minh cấm cửa Huawei khỏi dự án xây dựng phủ sóng mạng viễn thông 5G thế hệ mới vì cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh, gây rủi ro an ninh quốc gia.
CEO Huawei Nhậm Chính Phi cùng các nhà lãnh đạo cao cấp của hãng này từng nhiều lần thừa nhận Huawei phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính sống còn dưới những áp lực chèn ép liên tiếp từ chính phủ Mỹ, nhưng khẳng định điều này sẽ kích thích động lực phát triển theo hướng “tự lực, tự cường” cho đế chế công nghệ Trung Quốc. Bằng chứng là Huawei hiện đã quay đầu thống trị thị trường smartphone nội địa sau khi doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế tụt mạnh.