Khiếu nại, tố cáo đông người tăng: Chủ yếu do cán bộ năng lực kém

Quốc Ngọc Thứ sáu, ngày 19/09/2014 05:11 AM (GMT+7)
Ngày 18.9, tại TP.HCM, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tổ chức buổi góp ý cho dự thảo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014. 
Bình luận 0

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2014, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo tuy có giảm 1,8% so với năm 2013, nhưng số đoàn đông người tăng 12,1%.

Về khiếu nại, cả nước phát sinh 81.949 đơn khiếu nại, so với cùng kỳ giảm 7,4% số đơn và giảm 9,8% số vụ việc. Nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn là lĩnh vực đất đai, chiếm tới 68,2% số đơn. Về tố cáo, cả nước phát sinh 19.207 đơn tố cáo, tăng 18,2% số đơn, giảm 8,3% số vụ việc. Có đến 60,1% nội dung tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, thực hiện chính sách xã hội...

Phân tích kết quả giải 28.448 vụ khiếu nại từ các cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, 19,3% khiếu nại đúng, 59% khiếu nại sai và 21,7% có đúng, có sai. Tương tự, kết quả giải quyết 6.736 vụ tố cáo, có 12% tố cáo đúng, 63,2% sai và 24,8% có đúng, có sai. Nhờ giải quyết các khiếu nại, tố cáo của người dân, cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi 24,8 tỷ đồng, 10,6ha đất, trả lại cho tập thể, công dân 86,1 tỷ đồng, 20,2ha đất. Bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.131 người, kiến nghị xử lý 594 cá nhân, trong đó đã xử lý 446 người. Chuyển cơ quan điều tra 83 vụ, 39 người.

Đánh giá tình hình, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, sự gia tăng các đoàn khiếu kiện đông người cũng như sự chống đối quyết liệt người thi hành công vụ trong năm vừa qua là đáng báo động. Có những đoàn kéo lên tới vài trăm người, với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung vượt cấp lên T.Ư. Một số đoàn còn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, ở lại nhiều ngày, tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan T.Ư, trước nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để yêu cầu giải quyết. Đây chính là phản ứng của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân trong quản lý nhà nước, cũng như công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự xã hội, làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước. Và dễ bị các thế lực xấu lợi dụng, kích động…

Do đó, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát để đánh giá sát thực hơn tình hình khiếu nại, tố cáo trong những năm qua, cũng như dự báo diễn biến trong thời gian tới. Nhất là những vụ việc phức tạp, khiến người dân bức xúc trong thu hồi đất đai, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn bất cập hoặc do cán bộ, công chức tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban cho rằng, bên cạnh cơ chế, chính sách bất cập và sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, thì nguyên nhân chủ yếu và căn bản nhất vẫn là do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong công tác quản lý nhà nước. Thậm chí, có trường hợp suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, tiêu cực…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem