Kho lạnh giúp gỡ khó trong bảo quản nông sản (bài 1): Biết cần nhưng không đủ lực

Thu Hà Thứ năm, ngày 26/08/2021 11:13 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đặt ra yêu cầu ổn định thị trường tiêu thụ nông sản. Để chủ động và tránh rủi ro, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã đầu tư các kho lạnh bảo quản nông sản. Tuy nhiên, tính toán mức độ đầu tư và lợi ích sao cho có hiệu quả tối ưu nhất lại không hề đơn giản.
Bình luận 0

Hơn ai hết nông dân là những người xót xa nhất khi nhìn nông sản mình sản xuất ra ngày ngày héo rũ ngoài đồng vì không tiêu thụ được. Họ cũng ao ước có một "tủ lạnh" khổng lồ để bảo quản, nhưng "lực bất tòng tâm"...

Giải "nóng" cho thị trường

Anh Trần Thanh Trung ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ: Có thể vốn bỏ ra ban đầu để làm kho lạnh là rất lớn, nhiều hộ nông dân chưa đủ sức để đầu tư, nhưng về lâu dài thì làm kho lạnh sẽ có lợi hơn rất nhiều. Bởi nông sản Lâm Đồng thường xuyên cung vượt cầu vào lúc chính vụ, dẫn tới dư thừa. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, giá những mặt hàng đó tăng trở lại gấp nhiều lần. Việc hình thành kho lạnh, kho bảo quản nông sản là điều hết sức cần thiết.

Kho lạnh giúp gỡ khó việc bảo quản nông sản (bài 1): Biết cần nhưng không đủ lực - Ảnh 1.

Nông dân ở phường 8, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng đóng gói rau củ quả để chuẩn bị đưa vào kho lạnh. Ảnh: H.Y

"Có dịch mới thấy ách tắc lưu thông một chút là bao nhiêu khâu bị thiệt hại, song chúng tôi cũng không mua thêm được. Cho nên phải có kho lạnh, không có kho lạnh thì rất tai hại".

Ông Nguyễn Đức Mệnh

Hiện anh Trung có 1,2ha nhà kính trồng đủ các loại hoa cung cấp cho thị trường Hà Nội và TP.HCM. Anh Trung cho biết: "Có sản phẩm rồi, việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn vì diện tích lớn mà thị trường hoa không phải lúc nào cũng hút hết hàng, có những thời điểm hoa xuống giá rất thấp… Chính vì vậy, tôi quyết định bỏ 150 triệu đồng đầu tư kho lạnh 20m2 để bảo quản hoa".

Đầu tháng 4/2021 vừa qua, dịch Covid-19 ở Hải Dương diễn biến vô cùng phức tạp, đúng vào cao điểm thu hoạch cà rốt, nông dân không thể ra đồng để nhổ nên dẫn tới một lượng cà rốt bị quá kích cỡ, nứt nẻ và già thối. Trong khi những củ cà rốt lớn quá sẽ không thể xuất khẩu được, phải loại ra.

Kho lạnh giúp gỡ khó trong bảo quản nông sản (bài 1): Biết cần nhưng không đủ lực - Ảnh 3.

Bên trong kho lạnh nhà máy sơ chế trái cây của Công ty Long Uyên (Tiền Giang). Ảnh: A.T

Ông Nguyễn Đức Mệnh - Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: Những năm gần đây, ông bán được rất nhiều cà rốt tươi cho khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông. Họ rất thích ăn cà rốt Hải Dương, chỉ tiếc là kho lạnh không có đủ lớn để mua hết cà rốt và các loại nông sản khác của bà con.

"Nhìn cảnh cà rốt, bắp cải già đi mỗi ngày mà tôi nóng hết cả ruột gan, nhưng có tiền cũng không dám mua về vì không có đủ kho lạnh. Trong thu mua nông sản hiện nay, bí nhất chính là chỗ này. Xưởng của tôi cũng có gần 1.000m2 kho lạnh đấy, nhưng vào mùa vụ chẳng thấm tháp gì. Cà rốt chất trong kho cao như núi, song cũng chỉ được vài chục container" – ông Mệnh bày tỏ.

HTX, nông dân thiếu lực

Ở huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội, bà Đặng Thị Cuối - Giám đốc HTX Rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý là 1 trong những nông dân tiên phong đầu tư hệ thống kho lạnh để bảo quan rau, củ, quả sau thu hoạch. Hiện HTX có 5ha trồng rau hữu cơ ở 20 khu nhà màng, nhà lưới. Đặc thù sản phẩm rau củ dễ bị giập nát, hư hỏng, vì vậy bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng.

Theo bà Cuối, nhờ trồng rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản nên hầu hết sản phẩm của HTX được các đơn vị như các trường học, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đặt hàng ngay từ vườn với giá thành ổn định.

Kho lạnh giúp gỡ khó trong bảo quản nông sản (bài 1): Biết cần nhưng không đủ lực - Ảnh 4.

Một kho lạnh bảo quản chuối ở Long An. Ảnh L.A

Khi chưa có dịch Covid-19, rau hữu cơ của HTX, cung cấp thường xuyên cho 16 trường học mầm non trên địa bàn, các cửa hàng ăn uống, cửa hàng rau sạch trong nội thành Hà Nội. Ngoài ra, rau còn xuất đi các tỉnh và các huyện ngoại thành Hà Nội, bình quân mỗi tháng 6 - 7 tấn, giá bình quân 20.000 đồng/kg.

"Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là từ ngày 24/7 đến nay Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, HTX gặp khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tuy HTX có kho lạnh nhưng với diện tích kho hơn 20m2, chỉ đủ chứa một phần nhỏ số lượng rau thu hoạch mỗi ngày" - bà Cuối chia sẻ.

Theo bà Cuối: Vốn bỏ ra ban đầu để làm kho lạnh là rất lớn, bà cũng như nhiều hộ nông dân dù rất mong muốn nhưng chưa đủ sức để đầu tư quy mô lớn.

Hầu hết ý kiến các nông dân và doanh nghiệp đều cho rằng, trước mắt và lâu dài, để nông sản tiêu thụ thuận lợi (nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay) đòi hỏi cần tăng đầu tư mở rộng hệ thống kho trữ lạnh và khâu chế biến sâu. Để khi đầu ra gặp trục trặc thì nông sản vẫn có thể đưa vào chế biến, bảo quản, thậm chí còn nâng cao giá trị gia tăng.

Bà Nguyễn Thùy Quý Tú - Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, trên địa bàn chỉ có khoảng 15% tổng sản lượng nông sản được qua chế biến, 50% nông sản được qua sơ chế bảo quản, vì vậy lượng nông sản hư hỏng do hàng tồn kho khá nhiều. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng, nhân rộng các trung tâm sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư hệ thống kho lạnh. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem