Khó thu nợ cho vay làm nhà vượt lũ

Thứ tư, ngày 05/03/2014 09:39 AM (GMT+7)
Chương trình cho các hộ dân vùng ngập lũ vay tiền mua trả chậm nền nhà và nhà ở trong các cụm, tuyến dân cư ở các tỉnh ĐBSCL (theo Quyết định 105/2002) đã được triển khai rất tốt. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ đang gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Bình luận 0
Đối tượng cho vay theo Quyết định 105 là những hộ đang sinh sống tại khu vực không đảm bảo an toàn khi có lũ thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Khó trả nợ vì không có việc làm ổn định

Anh Huỳnh Hoàng Phong - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ cho biết: “Chương trình cho vay theo Quyết định 105 được thực hiện 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2003 - 2010, ở Cần Thơ, giải ngân cho 2.322 hộ với 18,382 tỷ đồng. Dư nợ đến cuối năm 2013 là 15,720 tỷ đồng với 1.992 hộ; số hộ nợ quá hạn là 12 hộ, với số tiền 84 triệu đồng. Giai đoạn 2, từ năm 2010-2013, TP.Cần Thơ chỉ cho vay ở quận Bình Thủy. Số tiền giải ngân là 640 triệu đồng cho 32 hộ vay.

Theo anh Phong, Ngân hàng CSXH chi nhánh Cần Thơ đã giải ngân cho 100% những hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay. Tuy nhiên, ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ. Nhiều hộ đã tự ý sang bán lại nhà cho người khác hoặc đi làm ăn xa nên khả năng thu hồi nợ thấp.

Bà Nguyễn Thị Nga - người dân sinh sống trong khu dân cư vượt lũ của ấp Trường Thuận (xã Trường Long, huyện Phong Điền) chia sẻ: “Hồi trước, ở đậu đất người ta, người ta mắng chửi. Ra đây, được Nhà nước cho vay tiền mua nhà, gia đình tui biết ơn lắm. Năm nay đến hạn trả mà tui chưa có tiền. Tui biết như vậy là không được nhưng việc làm của tui bấp bênh quá, mỗi tháng ráng kiếm tiền đóng được lãi tiền mua nhà, còn tiền mua đất thì chưa trả được”.

Địa phương cũng phải có trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Khánh Vân – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phong Điền thông tin: “Theo quy định, thời gian vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm đầu. Trong thời gian ân hạn, hộ gia đình chưa phải trả tiền gốc và lãi phát sinh, từ năm thứ 6 trở đi mới phải trả nợ gốc và lãi vốn vay. Hiện tại, trên địa bàn huyện còn 106 hộ dư nợ 1,15 tỷ đồng”.

"Thu nhập chính của gia đình tui là nhờ tui đi làm thợ hồ. Hôm trước họp nghe thông báo đến hạn trả tiền vay mua đất, mua nhà tui lo lắm”.

Anh Văn Tấn Tuấn

Vẫn theo bà Vân, theo quy định, trong thời gian còn nợ ngân hàng, các hộ được vay vốn mua nhà không được sang bán, cầm cố, thế chấp… đối với căn nhà đó.

Địa phương phải có trách nhiệm phổ biến các quy định cho hộ dân và hướng dẫn để họ hiểu cách trả nợ vay. Ví dụ như các đoàn thể ở địa phương hướng dẫn để những hộ khó khăn trả trước lãi và gửi tiết kiệm trong tổ tiết kiệm ở địa phương.

Ông Đỗ Văn Chung – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trường Long cho biết: “Xã có 2 khu dân cư vượt lũ là Trường Thuận và Trường Hòa, với tổng số hộ là 284, số tiền giải ngân là 296 triệu đồng. Hiện tại có khoảng 30% số hộ đã trả dứt nợ. Đối với một số hộ không có việc làm ổn định tại địa phương mà phải đi nơi khác làm ăn, địa phương đã mở các lớp dạy nghề, tổ chức cho họ làm dịch vụ buôn bán nhỏ nhưng không thể giải quyết hết cho các hộ được…”.
Chúc Ly (Chúc Ly)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem