Khó tin: Bệnh viện Nhi đồng 2 ngừng ghép gan suốt nửa năm, phía Nam không còn cơ sở ghép tạng nhi

Bạch Dương Thứ ba, ngày 23/05/2023 15:17 PM (GMT+7)
Suốt từ tháng 10/2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã phải tạm dừng việc ghép gan. Cùng thời điểm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng dừng hoạt động này khiến các bệnh nhi có nhu cầu ghép phải ra Hà Nội thực hiện.
Bình luận 0
Khó tin: Bệnh viện Nhi đồng 2 ngừng ghép gan suốt nửa năm, phía Nam không còn cơ sở ghép tạng nhi - Ảnh 1.

Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Ảnh: P.V

Trẻ bị suy gan giai đoạn cuối do teo đường mật bẩm sinh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong nếu không kịp ghép gan. Tuy nhiên, Trung tâm nhi khoa ghép tạng duy nhất ở phía Nam tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM lại tạm hoãn ghép gan thận trong nhiều tháng qua khiến không ít bệnh nhân chới với. Nhiều người đã phải tìm cách đưa con ra Hà Nội để thực hiện phẫu thuật.

Thừa nhận thực tế này, TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, từ tháng 10/2022, việc ghép gan tại cơ sở này đã phải tạm dừng.

Giải thích về nguyên nhân việc dừng ghép tạng, theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, hai phòng mổ dành cho ghép tạng tại bệnh viện 18 năm qua cũng chính là phòng mổ sọ não và mổ tim. Mỗi lần triển khai một ca ghép tạng, các ca mổ sọ não và mổ tim phải hoãn 1 tuần, trừ trường hợp khẩn cấp.

Trong thời gian chờ mổ sọ não và mổ tim, trẻ cũng có thể gặp biến chứng và tử vong. Do đó, bệnh viện đã triển khai Đề án thẩm định ghép tạng, trong đó xây dựng thêm 2 phòng mổ đạt chuẩn dành riêng cho phẫu thuật này. Tuy nhiên, chỉ khi đề án được thông qua, phòng mổ mới được sử dụng, việc mổ u não và mổ tim không bị ảnh hưởng.

Đề án thẩm định ghép tạng đã được trình lên Sở Y tế TP.HCM và đang ở những bước cuối cùng, sau đó trình Bộ Y tế. "Khi đề án được thông qua, chúng tôi sẽ giải được bài toán khó này. Hiện nay, bệnh viện đã hội chẩn cho 3 cặp ghép gan. Dự kiến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, khi đề án thông qua, các ca mổ sẽ được tiến hành ở phòng mổ mới với các tiêu chuẩn hiện đại nhất", bác sĩ Thạch nói.

Trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 có ký kết hợp tác về ghép gan với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và kết thúc từ tháng 10/2022. Mặc dù ngưng hợp đồng nhưng trong trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ có công văn gửi Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hỗ trợ. Tuy nhiên, vì một lý do khách quan nào đó, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đang gián đoạn hoạt động này.

Tính đến thời điểm này, theo bác sĩ Trí, ở phía Nam tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết thêm, khi đề án này được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tự chủ ghép gan. Hiện tại nhân lực của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đủ điều kiện để thực hiện lấy gan từ người lớn và tiến hành ghép gan cho trẻ em.

Khó tin: Bệnh viện Nhi đồng 2 ngừng ghép gan suốt nửa năm, phía Nam không còn cơ sở ghép tạng nhi - Ảnh 3.

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Ảnh: BVCC

Trước đó, để tiến hành ghép gan cho bệnh nhi, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn phải phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy để cắt gan từ người lớn ghép cho bệnh nhi. Dự kiến, khi đề án được thông qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 có thể ghép gan cho ba bệnh nhi/tháng, trước đó chỉ ghép được một ca/tháng.

Theo TS.BS Trần Thanh Trí, hiện Bệnh viện Nhi đồng 2 có chi phí ghép gan rẻ nhất tại Việt Nam. Chi phí cho một cặp ghép cả cho gan và nhận gan từ 300-400 triệu đồng/ca.

Mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 2 có khoảng 30 trẻ nhỏ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan, con số tích lũy đến nay là hơn 70 bệnh nhi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, trung bình mỗi tháng sẽ có 2 trẻ tử vong.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem