Khổ vì trồng kiệu

Thứ tư, ngày 06/04/2011 17:46 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lâu nay, tại các xã Phú Hiệp, Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cây kiệu cho năng suất khá cao. Tuy nhiên, đời sống người trồng kiệu rất bấp bênh do không có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Bình luận 0

Mùa kiệu năm 2010, nông dân xã Phú Hiệp trúng mùa, trúng giá. Một số hộ lãi 500 triệu đồng/ha nên năm nay nông dân trong vùng đổ xô trồng kiệu, giá kiệu giống lên đến 75.000 đồng/kg, kiệu tươi từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, diện tích trồng kiệu ở 2 xã Phú Hiệp, Phú Thành B đã trên 100ha.

Đổ xô trồng kiệu

img

Mặc dù vừa mới lỗ do kiệu rớt giá, nhưng bà Mai vẫn chuẩn bị giống trồng vụ mới.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay kiệu rớt giá thê thảm, giá kiệu giống giờ chỉ còn 15.000 đồng/kg, kiệu tươi chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Với giá này, nhiều nông dân thu hoạch kiệu lỗ nặng. Trong khi đó, hơn 1 tháng nữa sẽ là thời điểm thu hoạch rộ thì chắc chắn giá sẽ xuống rất thấp.

Nhưng điều lạ là nhiều nông dân vẫn đổ xô vào trồng kiệu. Gia đình bà Đinh Thi Mai ở ấp K11 (xã Phú Hiệp) đang chuẩn bị xuống giống 1ha kiệu, dù mới bị lỗ nặng ở vụ trước. Bà Mai cho biết: “Dù biết là đầu ra không ổn định, nhưng tui ráng trồng vì biết đâu tới thời điểm thu hoạch kiệu tăng giá thì sẽ lời nhiều”.

Cũng trong tâm lý hy vọng kiệu được giá như mùa vụ năm 2010, nên nhiều nông dân đã tăng diện tích kiệu lên hơn gấp đôi. Điều này dự báo lại một mùa kiệu “đắng” như đã từng xảy ra ở đây. Địa phương không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích vì sợ trồng nhiều sẽ rớt giá, tuy nhiên chỉ cần năm trước có giá là ngay năm sau diện tích kiệu đã tăng lên hơn gấp đôi.

Ông Trịnh Văn Nhựt - cán bộ nông nghiệp xã Phú Thành B, cho biết: “Mấy năm trước, ở vùng đất này nông dân trồng kiệu rất ít. Nhưng chỉ sau 3 năm, diện tích kiệu đã đạt 73ha do thấy nông dân địa phương khác trúng mùa kiệu. Tất cả diện tích nông dân trồng đều tự phát, không theo quy hoạch”.

Không rút ra bài học

img Năm qua, địa phương đã phối hợp với công ty ở TP.HCM xuống khảo sát nhằm bao tiêu các sản phẩm cây màu của nông dân như khoai môn, kiệu, đậu... Tuy nhiên, công ty này đã không thể ký hợp đồng được vì sản phẩm làm ra không nhiều, không ổn định. img

Ông Nguyễn Văn Sanh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp

Ông Lê Hữu Hòa ở ấp K8 (Phú Hiệp) là một trong những nông dân đầu tiên ở vùng đất này đưa cây kiệu xuống đồng ruộng. Gần 20 năm trồng kiệu, ông đã trải qua biết bao thăng trầm. Cứ trúng mùa, nhiều người ùn ùn trồng thì kiệu rớt giá thê thảm. Ông Hòa có tới 30 công đất trồng kiệu, nhưng chỉ 3 năm kiệu rớt giá, ông lỗ mấy trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng ở ấp K11, trồng kiệu được 15 năm. Suốt thời gian trồng kiệu, gia đình ông phải trải qua nhiều phen thua lỗ nặng. Mùa kiệu năm 2006, gia đình ông trồng hơn 4ha, lỗ gần cả tỷ đồng.

Tại khu vực trồng kiệu lâu đời ở xã Phú Hiệp, rất nhiều hộ nông dân thua lỗ vì kiệu đã phải bán đất. Ông Võ Văn Nghĩa - cán bộ nông nghiệp xã Phú Hiệp cho biết: “Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, nên rất dễ xảy ra rớt giá khi có nhiều người trồng. Đúng là có nhiều hộ lỗ liên tục buộc phải bán đất để trả nợ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem