Chính thức khởi công Vành đai 3 - TP.HCM: Nhiều triển vọng phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam

Nha Mẫn - Hữu Quyền Chủ nhật, ngày 18/06/2023 09:06 AM (GMT+7)
Đường Vành đai 3 - TP.HCM khi đi vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo đường lớn kết nối các vùng, khu vực để các địa phương này cùng phát triển.
Bình luận 0

Đường Vành đai 3 - TP.HCM chính thức khởi công

Sáng nay dự án đường Vành đai 3 TP.HCM chính thức khởi công. Việc khởi động dự án đường Vành đai 3 sẽ giúp mở ra đường lớn kết nối TP.HCM với nhiều địa phương lân cận, giúp giao thông giao thương ngày càng thuận lợi hơn. Dự kiến Vành đai 3 TP.HCM sẽ thông xe vào năm 2026.

Vành đai 3 - TP.HCM: Kết nối, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam - Ảnh 1.

Nhiều dự án giao thông đồng loạt khởi động từ ngày 18/6. Ảnh: Nha Mẫn

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022. Dự án có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM (47,35km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).

Dự án phân chia làm 8 dự án thành phần, gồm: 4 dự án thành phần xây dựng, 4 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn 4 tỉnh/thành phố. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh: 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. 

Quy mô giai đoạn phân kỳ: 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư lên đến 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng Ngân sách Trung ương và Ngân sách các địa phương. Về 2 dự án thành phần tại TP.HCM gồm: Dự án thành phần 1 là xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc). Dự án có tổng chiều dài: 47,35km, tổng mức đầu tư: 22.411,380 tỷ đồng. 

Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM. Tổng mức đầu tư dự án là 18.975,438 tỷ đồng. 

Vành đai 3 - TP.HCM: Kết nối, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam - Ảnh 2.

Phối cảnh nút giao Tân Vạn và nút giao cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3 TP.HCM) với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Ban Giao thông TP.HCM

Về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến tháng 5/2023 các địa phương tại TP.HCM đã thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho người dân những con số khá ấn tượng. 

Cụ thể, huyện Bình Chánh có diện tích đất thu hồi là gần 146 ha, với 393 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, 90 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với hơn 91 ha (đạt tỷ lệ hơn 62%). Số tiền đã chi bồi thường là hơn 234 tỷ đồng. 

Huyện Hóc Môn có 332 trường hợp bị ảnh hưởng, với diện tích thu hồi đất là gần 99 ha. Trong đó, 209 trường hợp đã bàn giao mặt bằng với hơn 82 ha (đạt tỷ lệ hơn 81%). Số tiền đã chi bồi thường là gần 900 tỷ đồng.

Đến nay, 126/208 trường hợp tại huyện Củ Chi đã bàn giao mặt bằng với diện tích 34/65 ha (đạt tỉ tỷ 52%). Số tiền chi bồi thường là hơn 428 tỷ đồng. 

TP.Thủ Đức có 68/556 trường hợp đã bàn giao mặt bằng, với diện tích 30/100 ha (đạt tỷ lệ 30%). Số tiền chi bồi thường tại TP Thủ Đức là 653 tỷ đồng. 

Như vậy, đã có 529/1.689 trường hợp bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích hơn 237/410 ha (đạt tỉ lệ 58%), với tổng số tiền gần 2.215 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM qua Đồng Nai dài 11,2 km có điểm đầu nằm ở xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch và điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch, kết nối Thủ Đức (TP.HCM). 

Trên tuyến sẽ xây 5 km cao tốc khớp nối dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (dài 28,4 km) tại nút giao tỉnh lộ 25B, quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký quyết định phê duyệt dự án thành phần 3 đoạn đi qua Đồng Nai. 

Theo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, về hồ sơ ranh giới thu hồi đất, cột mốc dự án,… ban đã nhận bàn giao từ Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện và đang thu xếp triển khai các thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. 

Còn đối với dự án thành phần A1 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch đã được khởi công vào ngày 24/9/2022 với gói thầu CW1 thi công cầu Nhơn Trạch. Đây là một trong hai gói thầu quan trọng nhất, có yếu tố then chốt quyết định tiến độ dự án. 

Vành đai 3 - TP.HCM: Kết nối, mở ra nhiều triển vọng phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam - Ảnh 3.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua 4 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Ảnh: H. Trâm

Tuy nhiên, từ lúc khởi công dự án thành phần A1 đến nay đã hơn 8 tháng, dự án vẫn chưa đạt tiến triển nào do phía Đồng Nai còn chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn dự án. 

Tính đến nay tổng thể đường Vành đai 3 TP.HCM sau gần 12 năm phê duyệt quy hoạch, mới chỉ xây dựng được trên 16km là đoạn Bình Chuẩn – Tân Vạn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua, đường Vành đai 3 - TP.HCM là dự án có một tầm quan trọng, tạo ra xung lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mở ra một giai đoạn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và toàn vùng. 

Dự án này khi đi vào khai thác sẽ mở đường lớn kết nối giao thông giao thương, kích kinh tế phát triển chung đồng bộ. 

Thành công bước đầu của đường Vành đai 3 đầu tiên phải kể đến là về tốc độ triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại TP.HCM. Công tác chuẩn bị để khởi công dự án theo kế hoạch đã được các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng. 

Tại TP.HCM, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ cho người dân được triển khai nhanh, phù hợp. Đặc biệt các địa phương có dự án đi qua đã phặt chẽ, cùng gặp gỡ, lấy ý kiến, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong vùng dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem