Khởi sắc thu hút FDI của Việt Nam vào công nghệ cao
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, tính đến 30/9/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý riêng tháng 9/2024, số vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đăng ký đạt hơn 4,26 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn FDI của cả 9 tháng. Trong số các dự án lớn điều chỉnh vốn, lĩnh vực công nghệ cao có đóng góp chính.
Công ty Công nghệ chính xác Luxcase tại Nghệ An, với vốn đầu tư tăng thêm 299 triệu USD, nâng tổng vốn dự án lên 473 triệu USD, và Công ty Lốp Advance Việt Nam tại Tiền Giang, tăng thêm hơn 227 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư lên hơn 615 triệu USD.
Dự án của Luxcase chỉ mới được cấp chứng nhận đầu tư đầu năm nay với vốn ban đầu 24 triệu USD, nhưng đã hai lần tăng vốn, đưa tổng vốn lên gần nửa tỷ USD.
Trước đó, đã có nhiều dự án FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao.
Các dự án nổi bật bao gồm nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh (vốn 383,3 triệu USD), nhà máy Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh (vốn 280 triệu USD), và dự án bảng mạch in công nghệ cao Victory Giant Việt Nam (vốn 260 triệu USD).
Ngoài ra, Meta dự kiến sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất tại Việt Nam vào năm 2025, tạo ra khoảng 1.000 việc làm. Tập đoàn Samsung cũng có kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình LED tại Bắc Ninh.
Các dự án lớn cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động. Amkor đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên, trong khi Foxconn đang xúc tiến sản xuất iPad và Macbook tại nhà máy ở Bắc Giang.
Rõ ràng với nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 9 tháng.