Không bị "dán nhãn" nhưng Việt Nam vẫn trong danh sách giám sát thao túng tiền tệ

29/05/2019 12:06 GMT+7
Chính phủ Mỹ một lần nữa tuyên bố sẽ không “dán nhãn” Việt Nam, Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, trong một báo cáo được đệ trình lên Quốc hội hôm thứ Ba 28/5 vừa qua, Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ trong danh sách các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai (chênh lệch giá trị xuất khẩu và nhập khẩu) bất thường.

Nhà Trắng cho hay, hiện chưa có quốc gia nào bị phát hiện tìm cách đạt lợi thế thương mại thông qua thao túng tiền tệ, nhưng 9 quốc gia: Trung Quốc, Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam đều có tên trong danh sách giám sát.  Hai quốc gia Ấn Độ và Thụy Sĩ trước đó đã được loại khỏi danh sách nghi vấn công bố hồi tháng 10.

Trong vài tuần gần đây, Việt Nam đã phối hợp cung cấp các số liệu liên quan cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ để chứng minh không có chuyện thao túng tiền tệ, và việc tỷ giá VNĐ bị đẩy xuống thấp so với USD không phải là nỗ lực từ chính phủ Việt Nam.

Việt Nam không bị Mỹ "dán nhãn" thao túng tiền tệ

Theo đạo luật 1988 của Mỹ, Bộ Tài chính nước này sẽ chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội 6 tháng một lần, về việc có hay không hành động thao túng tiền tệ để đạt được lợi thế thương mại với Mỹ. Nếu bị phát hiện hành động thao túng tiền tệ, các quốc gia này có thể phải gánh chịu một lệnh trừng phạt thương mại từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Clinton “dán nhãn” thao túng tiền tệ với Trung Quốc năm 1994 cho đến nay, chưa có một quốc gia nào trên thế giới rơi vào trường hợp tương tự. Năm 2016, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, Donald Trump từng tuyên bố sẽ “gắn nhãn” Trung Quốc ngay khi ông nhậm chức. Từ đó đến nay, đã qua 5 kỳ báo cáo tiền tệ, Nhà Trắng vẫn chỉ đưa nước này vào danh sách nghi vấn chứ chưa áp đặt cáo buộc.

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Tài chính tiếp tục tăng số quốc gia trong danh sách giám sát lên 21 quốc gia, thông qua việc hạ thấp ngưỡng đánh giá thặng dư tài khoản vãng lai với Hoa Kỳ, thặng dư tài khoản vãng lai với thế giới và số lần quốc gia đó can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Các quan chức Mỹ cho rằng việc đưa một quốc gia vào danh sách giám sát cho phép chính quyền gây áp lực trong các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, điều này dường như không có tác dụng với Trung Quốc, quốc gia vốn dĩ đang trong xung đột thương mại căng thẳng với Mỹ.  

Thùy Dung
Cùng chuyên mục