Không bộ trưởng nào lại dại dột "nhắc nhở" ĐBQH là cấp dưới của mình

Lương Kết (ghi) Thứ tư, ngày 22/10/2014 15:29 PM (GMT+7)
 Làm thế nào để nâng cao vai trò của ĐB Quốc hội trong việc phản ánh những vấn đề bất cập trong xã hội, cũng như ý kiến của cử tri một cách dân chủ, thẳng thắn? Với câu hỏi này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã chia sẻ những suy nghĩ của mình vào ngày mà Quốc hội thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội.
Bình luận 0

Thưa ông gần đây dư luận xôn xao về trường hợp các ĐB Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan và Nguyễn Sỹ Cương sau khi phát biểu về vấn đề tiêu cực của một số ngành lĩnh vực thì lại bị lãnh đạo ngành lĩnh vực đó đề nghị giải trình. Theo ông đó có phải là hành vi vi phạm quyền của ĐB và quyền chất vấn mà cử tri yêu cầu hay không?

imgĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) 

-  Thực tế hiện nay nhiều ĐB làm cùng lúc nhiều nhiệm vụ như là thành viên trong hệ thống hành chính nhà nước, hoặc tổ chức đoàn thể bên cạnh công việc là ĐB Quốc hội. Thực tế này khiến cho nhiều ĐB Quốc hội phải xử lý mối quan hệ giữa các nhiệm vụ và các yêu cầu đôi lúc là mâu thuẫn hoặc xung đột lẫn nhau. ĐB nào cùng lúc gắn nhiều nhiệm vụ như vậy thì phải hết sức bản lĩnh và có dũng khí. Như thế thì có lúc sẽ dẫn đến chuyện xung đột lợi ích. Đây là khái niệm rất bình thường trong kinh tế, luật pháp, xã hội và quan hệ Nhà nước mỗi quốc gia. Ví dụ như tôi là công chức trong một bộ vừa là ĐB Quốc hội. Tôi thấy trong bộ, ngành nơi mình đang công tác có nhiều cái yếu kém, ảnh hưởng đến quyền lợi của xã hội, của nhân dân, tôi thấy việc này kéo dài và muốn thực thi nhiệm vụ ĐB Quốc hội, tôi phải phản ánh người vọng của dân.

Khi ĐB Quốc hội phản ánh như vậy sẽ dẫn đến sự xung đột thưa ông?

- Có hai cách xử lý, nếu có thông tin cần thiết, người đó có thể phản ánh trong nội bộ, ngành trước. Sau đó thấy không chuyển biến thì phản ánh rộng rãi, nhưng có nhiều việc không nhất thiết phải phản ánh theo hành chính mà ĐB Quốc hội khi muốn chất vấn, góp ý thì đi theo hệ thống hành chính thì không  còn là vai trò của ĐB nữa. Vấn đề nữa là có người khoảng cách giữa họ với lãnh đạo bộ, ngành thì rất xa. Do đó, trong những trường hợp ấy, người ĐB khi nói về vấn đề "gai góc" của ngành đang công tác mà không sai luật, đúng chức trách của người ĐB thì lãnh đạo bộ, ngành nào đó phải chấp nhận và coi đó là chuyện bình thường. Ở trường hợp này tốt nhất theo tôi là lãnh đạo bộ hãy đối thoại trực tiếp với người ĐB đó để có một giải trình công khai minh bạch cho cử tri.

Với tư cách là ĐB Quốc hội, ông đã bao giờ nói thẳng với một trưởng ngành nào đó về vấn đề cử tri và dư luận đang bức xúc?

- Cá nhân tôi đã có những việc phản ánh trực tiếp với Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, tôi phản ánh trực tiếp Bộ trưởng ở ngoài hành lang Quốc hội. Sau đó Bộ trưởng về chỉ đạo giải quyết và tôi không đưa ra hội trường, đỡ mất thời gian và Bộ trưởng cũng được cử tri hoan nghênh.

Về công văn của Văn phòng Bộ Y tế liên quan đến chuyện giải trình đấu thầu thuốc ở TP.HCM, ông có suy nghĩ gì?

- Tôi chưa nghe ý kiến Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng nếu công văn đó là công văn phản ứng về việc ĐB Phong Lan có ý kiến chất vấn thì công văn đó là không nên, nhưng tôi tin rằng Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có quyết định hợp lý. Tôi nghĩ trong điều kiện xã hội cũng như nghị trường dân chủ như hiện nay không có vị bộ trưởng nào lại dại dột "nhắc nhở" các ĐBQH là cấp dưới của mình nếu họ thực thi quyền ĐB của họ.

 

Xin cảm ơn ông.

 

Ngày 2.10.2014, Bộ Y tế đã có Công văn số 6889/BYT-VPB1 về việc làm rõ thông tin báo đăng tải về đấu thầu thuốc. Trong công văn, Bộ Y tế đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh báo cáo và giải trình về các nội dung báo đăng phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh về công tác quản lý đấu thầu, nhập khẩu thuốc tại phiên họp toàn thể lần thứ 9 (25-27.9.2014) của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Chánh Văn phòng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Trường khẳng định, công văn không đề nghị ĐB Quốc hội (bà Phạm Khánh Phong Lan) mà đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế TP. HCM, trong đó có bà Lan là Phó Giám đốc phụ trách quản lý dược, cùng các đồng chí lãnh đạo khác của Sở Y tế làm rõ và báo cáo quy trình đấu thầu thuốc. Trả lời trên báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: Tôi phát biểu với tư cách là ĐB Quốc hội chứ không phải với tư cách Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM. Trong khi đó, công văn gửi UBND TP HCM, Bộ Y tế không có từ nào đề cập đến ĐB Quốc hội mà chỉ nhắc đến bà với tư cách Phó giám đốc Sở Y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem