Không để dân bù tiền điện cho doanh nghiệp
Liên quan việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang bị đánh giá là có nhiều bất cập, Bộ Công Thương vừa đề xuất giảm từ 6 xuống còn 5 bậc thang. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sau khi lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp và chuyên gia, Bộ đưa ra bốn phương án khác nhau. Theo đó, việc cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt lần này giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân, chỉ điều chỉnh cơ cấu phù hợp thực tế sử dụng điện sinh hoạt của khách hàng.
Theo ông Tuấn, số liệu thu thập giá điện sinh hoạt các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Lào cho thấy, tỷ lệ giá điện sinh hoạt ở bậc cao nhất so với bậc thấp nhất khoảng từ 1,65-3 lần. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị vẫn tiếp tục áp dụng giá bán lẻ điện theo các bậc với giá điện tăng dần với cải tiến về khoảng cách giữa các bậc và giá điện cho từng bậc phù hợp với thực tiễn sử dụng điện của người dân. Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn phương án 5 bậc, kịch bản 1 để áp dụng. Phương án này có mức tăng giá điện giữa các bậc ở mức hợp lý, đảm bảo toàn bộ số hộ sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. Cùng với đó, mức chênh lệch giữa bậc thang cuối và bậc thang đầu phù hợp với xu thế của các nước trên thế giới.
Phương án Bộ Công Thương đề xuất sẽ tăng khoảng cách mức tiêu thụ điện giữa các bậc và nới rộng khoảng cách mức tiêu thụ của bậc cao hơn nhằm khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn. Đồng thời hạn chế được một phần việc tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. “Với nguyên tắc dùng nhiều điện trả nhiều tiền, với phương án này, tiền điện các hộ sử dụng từ 701 kWh/tháng trở lên (khoảng 0,5 triệu hộ, chiếm 1,7% tổng số hộ nhưng mức sử dụng điện sinh hoạt chiếm khá cao với trên 10% tổng lượng điện sử dụng) phải trả tăng thêm 29.000 đồng/hộ/tháng, tương ứng khoảng 1,1% tổng số tiền điện phải trả”, ông Tuấn cho hay.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, chính sách giá điện bậc thang là cần thiết trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng biểu giá này, đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là khi số hộ tiêu thụ dưới 50 kWh đã ít hơn trước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi người tiêu dùng chỉ sử dụng 100 kWh/tháng thì tiền điện rất rẻ, từ bậc thang số 3 trên 100 kWh, giá đội lên cao. “Nguyên tắc theo thị trường, người tiêu dùng càng mua nhiều, giá càng rẻ, nhưng riêng ngành điện không như vậy. Giá điện phân chia các bậc thang nhằm đảm bảo an sinh xã hội”, ông nói. Theo ông Long, khi biểu giá luỹ tiến được đưa ra năm 2014, nhiều người đã thấy bất hợp lý, nhưng đến nay biểu giá vẫn chưa được sửa đổi.
Nhà nước quy định biểu giá điện bình quân và giao cho cơ quan chức năng xây dựng các biểu giá nhằm đáp ứng các mục tiêu như an sinh xã hội (dùng ít trả ít, dùng nhiều trả nhiều theo lũy tiến). Bên cạnh đó, điện được sản xuất từ những nguồn năng lượng hữu hạn, không có tính chất tái tạo. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến khích việc tiết kiệm điện thông qua công cụ giá. Càng dùng nhiều điện, giá càng cao.
Không nên bán dưới giá thành
Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa, bất cập hiện nay với giá điện chính là vẫn còn tình trạng Chính phủ cho phép bù chéo để khuyến khích sản xuất. Với điện sản xuất, nhiều năm qua, chúng ta bố trí giá điện giờ thấp điểm luôn luôn thấp để khuyến khích chuyển đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, bố trí ca kíp tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm, giờ bình thường, hạn chế sử dụng điện nhiều vào giờ cao điểm. Quan điểm này vẫn cần thiết, nhưng không nên bán dưới giá thành.
Theo ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực, sau một thời gian áp dụng, biểu giá điện bậc thang đã có nhiều điểm không còn phù hợp với diễn biến của đời sống hiện nay. Theo ông Long, trong biểu giá điện luỹ tiến hiện nay, hộ dùng ở 2 bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp. Những hộ dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh, nhóm khách hàng được coi là “người giàu”, phải trả tiền cao nhất. Về mức chênh lệch giá giữa các bậc, bậc 1 và 2 chỉ chênh nhau 56 đồng/kWh trong khi các bậc 3, 4 và 5 có mức chênh khá lớn. Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng. Nhưng đến bậc 6 cao nhất lại chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng/kWh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Điện lực, ngoài các phương án đề xuất, biểu giá điện bậc thang có thể giữ nguyên các bậc thang như hiện hành nhưng điều chỉnh giá lũy tiến hợp lý hơn để bảo đảm công bằng giữa các bậc. Trong đó, khu vực sử dụng điện ở mức trung bình và phổ biến thì giá điện phải gần bằng với giá bình quân, còn dùng cao hơn phải áp giá mạnh. “Việc điều chỉnh phải tính đến việc bảo đảm cho một hộ gia đình ở thành phố với mức sử dụng thông dụng tối thiểu sẽ được hưởng giá điện hợp lý. Mức tiền giá cao chỉ áp dụng với phần tăng sử dụng mạnh”, ông Long nói.
Theo ông Long, giá bán lẻ điện bình quân được xây dựng cho nhiều nhóm khách hàng gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt... và có sự phân biệt khác nhau. Hiện người sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bán lẻ bình quân. Giá bán lẻ điện cho khối công nghiệp thấp hơn so với giá bán lẻ điện sinh hoạt và kinh doanh.
Theo số liệu 2018, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%, điện cho kinh doanh chỉ chiếm 9% và điện cho nông-lâm-thủy sản chiếm khoảng 2%. Nói cách khác, người dùng ít điện hơn lại phải trả giá cao hơn để hỗ trợ người tiêu thụ nhiều điện - trong đó có bộ phận không nhỏ các ngành tiêu thụ điện năng rất lớn như ngành thép, xi măng, hóa chất. Giá bán điện thấp đã không tạo ra sức ép buộc các nhà sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiết kiệm điện, hiệu suất cao.
“Hiện thu nhập và đời sống người dân đã có sự cải thiện, các thiết bị sử dụng điện tối thiểu trong gia đình đã nhiều hơn. Hiện nay, mức tiêu thụ điện phổ biến của người dân trong khoảng 201-300 kWh, mức giá ở các bậc này không nên quá cao so với mức giá bán lẻ bình quân như hiện nay. Còn mức giá tiêu dùng trên 400kWh có thể rất cao, vì những đối tượng tiêu dùng ở bậc này là những người khá giả”, ông Long nói.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%. Số hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%. Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 KWh) là nhóm chịu bước nhảy giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành. Theo Bộ Công Thương, khi tỷ trọng dùng điện thay đổi, lượng hộ dùng ít điện giảm đi và tăng mạnh ở phân khúc 200-300 kWh một tháng thì cần tính toán lại để biểu giá phản ánh sát thực tế hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi người tiêu dùng chỉ sử dụng 100 kWh/tháng thì tiền điện rất rẻ, từ bậc thang số 3 trên 100 kWh, giá đội lên cao. "Nguyên tắc theo thị trường, người tiêu dùng càng mua nhiều, giá càng rẻ, nhưng riêng ngành điện không như vậy. Giá điện phân chia các bậc thang nhằm đảm bảo an sinh xã hội", ông nói. Theo ông Long, khi biểu giá luỹ tiến được đưa ra năm 2014, nhiều người đã thấy bất hợp lý, nhưng đến nay biểu giá vẫn chưa được sửa đổi.