Không dùng ngân sách xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

14/01/2020 06:15 GMT+7
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (gọi tắt là dự án). Theo đó, dự án này sẽ không dùng ngân sách nhà nước.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến kết luận rõ dự án đã đủ cơ sở pháp lý để Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời, làm rõ nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đầu tháng 12/2019, Bộ Kế hoạch - đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất để nâng công suất sân bay này lên 50 triệu khách/năm.

Không dùng ngân sách xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Dự án có tiến độ xây dựng 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - đầu tư nhận định dự kiến tiến độ như trên là khó khả thi vì đự án phải thực hiện các công việc: thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…

Vì vậy, Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án nhà ga T3 sau khi thực hiện rà soát là 10.990 tỉ đồng (giảm 440 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu) và được huy động từ vốn góp của ACV.

Tổ chức đấu thầu là đúng luật

Trao đổi với Etime xung quanh vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là cần thiết, tuy nhiên việc chọn nhà thầu cần phải xem xét lại.

"Việc này hoàn toàn có thể kêu gọi tư nhân đầu tư, vậy tại sao phải chờ ACV đề xuất, chờ họ bỏ tiền đầu tư? Việc xây dựng nhà ga hành khách không quá khó, tôi thấy có rất nhiều nhà đầu tư đủ năng lực để thi công. Ví dụ như Sân bay quốc tế Vân Đồn cũng do một tư nhân làm, họ làm rất tốt, vậy tại sao chúng ta không đấu thầu?", ông Long nói.

Ông Long cho biết, theo Luật Đầu tư 2014 thì dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Theo đó, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất có số tiền đầu tư 10.990 tỷ đồng sẽ thuộc nhóm A và phải do Chính phủ quản lý, là phải đấu thầu.

Theo vị chuyên gia này, việc giao cho ACV có thể thể sẽ tiết kiệm được thời gian đấu thầu trong giai đoạn chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn thời gian như khi tư nhân thực hiện. Lý do là bởi, ACV vẫn bị chi phối bởi 95% cổ phần nhà nước, theo đó khi thực hiện có rất nhiều gói thầu phải trình, xét duyệt với hàng loạt thủ tục, trong khi đi nếu tư nhân làm thì không cần.

Như ở trên tôi nhắc đến sân bay quốc tế Vân Đồn, thực tế tư nhân họ làm rất nhanh, chỉ mất 2 năm làm do không phải thực hiện các thủ tục đấu thầu như đầu tư công", ông Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Long, kinh tế thị trường là cạnh tranh, mà để đảm bảo được điều đó là phải đấu thầu. Tránh tập trung quá mức vào một doanh nghiệp sinh ra độc quyền. "Hiện AVC cũng được chỉ định làm sân bay Long Thành, giờ giao thêm nhà ga T3 Tân Sân Nhất lo ngại sẽ khó tập trung được vào một việc. Hơn nữa, việc đầu cư công ở nước ta lâu nay kém hiệu quả là vì không cạnh tranh. Có đầu thầu dự án mới minh bạch, công khai mới có thể loại bỏ được lợi ích nhóm. Vì thế, những công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách mà có nhiều đơn vị quan tâm tham gia thì hình thức đấu thầu, công khai, minh bạch là phù hợp với Luật", ông Long nói.



M.Trang
Cùng chuyên mục