­­Không ép dân trồng lúa lai

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ hai, ngày 01/12/2014 14:38 PM (GMT+7)
“Hiện chúng ta nhập khoảng 65% giống lúa lai và con số này đang có xu hướng giảm dần”- Trao đổi với PV NTNN, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT khẳng định như vậy.
Bình luận 0

Thưa ông, vừa qua có thông tin cho rằng giống lúa lai nhập về Việt Nam phụ thuộc 70% vào Trung Quốc và ở đồng ruộng Việt Nam thiếu vắng giống nội, ông có đánh giá gì về thông tin này?

- Xét về tổng thể, diện tích lúa cả nước năm 2013 là 7,8 triệu ha, trong đó chỉ có 600.000ha trồng lúa lai. Diện tích trồng lúa lai tập trung chủ yếu ở miền Bắc, miền Nam chỉ có vài chục nghìn ha ở chân đất lúa - tôm. Tính ra, diện tích lúa lai ở Việt Nam khá ít ỏi, chỉ khoảng 8%.

img
Nông dân cần được cung cấp giống lúa có chất lượng và năng suất cao.
Về sản xuất giống lúa lai F1, năm 2014 nước ta có một bước phát triển nổi trội: Diện tích đạt 2.560ha, tăng thêm 200ha so với năm 2013. Đây cũng là năm đầu tiên chúng ta đạt sản lượng 6.500 tấn giống lúa lai, tăng so với cùng kỳ năm trước hơn 1 tấn. Với sản lượng 6.500 tấn này, năm 2015 sẽ đáp ứng được 35% nhu cầu hạt giống lúa lai trong nước. Trong số 600.000 ha lúa lai, chúng ta mới đáp ứng đủ cho 200.000ha, còn 400.000ha. Như vậy, chúng ta vẫn phải nhập 70% giống lúa lai nhưng nhập từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Philippines chứ không chỉ Trung Quốc.

 

Mặc dù chất lượng lúa lai không cao nhưng vì sao lúa lai vẫn có “đất sống” và thậm chí còn được khuyến khích phát triển ở nước ta?

Quan điểm
img
Ông Phạm Đồng Quảng • Phó Cục trưởng phụ trách Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)
 Đối với các công ty nước ngoài, họ rất quan tâm đến giống lúa lai vì đây là cách thức để “độc quyền”, bảo vệ quyền sở hữu của họ. Nông dân không thể tự để giống, nhân giống lúa lai cho vụ sau như lúa thuần. 
- Về chủ trương phát triển lúa lai, Bộ NNPTNT đã khẳng định rất rõ: Lúa lai là một sự lựa chọn, còn nông dân các địa phương căn cứ theo yêu cầu sản xuất sẽ tự quyết định chọn trồng lúa lai hay lúa thuần, chứ không có định hướng phải trồng lúa lai. Còn trong thực tiễn, lúa lai được gieo trồng chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc – nơi có diện tích đất trồng lúa ít.

 

Với lợi thế năng suất cao, lúa lai đang là một giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở vùng này. Lúa lai còn được trồng nhiều, khoảng 60-65% trong vụ đông xuân ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ, điển hình là Thanh Hóa, Nghệ An.

Trên diện tích đất “có vấn đề” như chua, mặn ở vùng ven biển hay vùng sâu, trũng ở một số tỉnh đồng bằng, lúa lai cũng có ưu thế phát triển. Tuy nhiên, từ khi đạt đỉnh vào năm 2010 với diện tích gần 700.000ha, diện tích lúa lai đã giảm dần và dao động ở mức 600.000ha.

Xin lưu ý, lúa lai có một vai trò quan trọng của nó. Ngay cả FAO cũng xây dựng cả một chiến lược phát triển lúa lai vùng châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, việc nghiên cứu giống lúa lai không chỉ hướng đến năng suất nữa mà người ta hướng cả đến chất lượng và khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu như: Ngập úng, mặn… Tất nhiên, điều này không hề đơn giản.

Hiện nay, Bộ NNPTNT đang triển khai tái cơ cấu, ông có thể cho biết giống lúa sẽ có hướng phát triển như nào trong thời gian tới?

- Lúa gạo là ngành quan trọng nhất và lợi thế nhất của trồng trọt nên trong thời gian tới Bộ NNPTNT đặc biệt quan tâm đến giống lúa để tạo được giống lúa có chất lượng cao và năng suất cao. Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã đặt hàng các đơn vị từ nay đến năm 2020 phải có được giống gạo trắng hạt dài với mục tiêu giá xuất khẩu 600USD/tấn, gạo đặc sản lúa thơm với giá bình quân xuất khẩu đạt 800 USD/tấn. Bộ cũng ưu tiên kinh phí cho chọn tạo giống lúa trong đó có giống lúa lai.

Thực tế, nông dân đang sử dụng giống xác nhận của các doanh nghiệp, nông hộ như thế nào?

- Theo thống kê, ở phía Bắc có 70-80% nông dân sử dụng giống đã xác nhận nhưng ở ĐBSCL chỉ có 15% lượng hạt giống chính thống, 20-25% là giống nông hộ, số còn lại là nông dân tự để giống. Do chất lượng giống không tốt nên đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng lúa gạo xuất khẩu. Nguyên nhân tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở ĐBSCL chưa cao là do lượng giống gieo quá lớn: 120-150kg hạt giống/ha, có nơi còn gieo dày tới 180kg/ha, trong khi ở phía Bắc, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng chỉ 30-40kg/ha do phía Bắc đa số là cấy, phía Nam thì gieo thẳng. Hơn nữa, do mặt bằng đồng ruộng ĐBSCL không đều trong khi diện tích gieo cấy lớn, nên phải gieo dày để trừ trường hợp bị chết. Mặt khác, do nông dân tự để giống nên tỷ lệ nảy mầm thấp, nguy cơ ốc bươu vàng và cỏ dại rình rập…

Ông có thể cho biết ngành trồng trọt sẽ triển khai những giải pháp gì để chủ động nguồn giống lúa lai trong nước trong thời gian tới?

- Hiện Bộ NNPTNT vẫn có đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai, như dự án sản xuất giống lúa lai quốc gia; mặt khắc, tiếp tục đầu tư cho các viện và trường có thể tao ra các dòng lúa lai tốt. Đồng thời, tiếp tục có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chọn tạo giống lúa lai.

Hiện nay, ngoài doanh nghiệp trong nước còn có nhiều các doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm như Công ty Bayer đã thành lập trung tâm nghiên cứu về lúa lai tại Nam Định; mặt khác, các công ty nước ngoài cũng thường xuyên nhập nội các giống chọn tạo từ nước ngoài về Việt Nam để khảo nghiệm, khi được Bộ NNPTNT công nhận sẽ cho vào sản xuất.

Cục Trồng trọt cũng đang tham mưu với Bộ NNPTNT ban hành thông tư quy định giống lúa lai nhập khẩu 3 năm đầu, sau đó phải sản xuât tại Việt Nam, không được sử dụng nguồn giống nhập khẩu nữa, khi biết được tin này, các doanh nghiệp nước ngoài đang chuyển hướng đưa giống bố mẹ sang Việt Nam sản xuất thử. Với các giải pháp trên, trong thời gian tới chắc chắn lượng giống lúa lai nhập khẩu sẽ giảm.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem