Khu phố kiểu mẫu “biến hình” vì loạt công trình cấp phép lạ

Thành Thái Thứ tư, ngày 06/11/2019 14:16 PM (GMT+7)
Được quy hoạch theo khu phố mẫu đồng bộ, nhưng gần đây Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại xuất hiện những dãy nhà liền kề “lạ” đang phá vỡ đi cảnh quan, không gian nơi đây chật chội, ngột ngạt…
Bình luận 0

Phố kiểu mẫu mọc “nhọt”

Một người dân sống tại khu nhà liền kề phố Nguyễn Thị Thập thuộc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính phản ánh, trước đây, các khu nhà liền kề ở phố này được quy hoạch đồng bộ theo khu phố kiểu mẫu khi nhà nào cũng xây diện tích, chiều cao giống nhau từ 3-4 tầng, với mặt đứng đều nhau. Thế nhưng, gần đây khi khu phố này trở thành khu buôn bán sầm uất, rất nhiều nhà đã đập bỏ để xin phép được xây hết mật độ, hết khuôn đất nhô hẳn ra và không còn khoảng không gây mất mỹ quan cho tuyến phố.

Theo tìm hiểu của PV, quy hoạch khu nhà liền kề phố Nguyễn Thị Thập ban đầu được phê duyệt là những căn nhà liền kề tại đây có tầng cao trung bình là 3 tầng + tum. Tuy nhiên theo quan sát, hiện nay những công trình thuộc khu nhà liền kề ở phố Nguyễn Thị Thập xây dựng có chiều cao với quy mô “khủng”.

Điển hình như công trình số 11-N8A và 13-N7A từ 6 tầng+tầng lửng+tầng tum+tầng hầm. Đặc biệt, ngoài chiều cao vượt mặt, các công trình này đều có mật độ xây dựng gần như hết khuôn đất, mặt đứng nhô ra hết khoảng không trong khi các công trình cùng dãy thì thụt vào. 

img

Công trình 13-N7A nằm trên đường Nguyễn Thị Thập được cấp phép xây khác các công trình cùng dãy được quy hoạch đồng bộ. 

Cụ thể, tại Giấy phép xây dựng số 790-2018/GPXD ngày 20/12/2018 do UBND quận Thanh Xuân cấp cho chủ công trình là ông Nguyễn Viết Hiệu và bà Trần Thùy Anh tại địa chỉ số 13-N7A Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính được xây nhà ở riêng lẻ. Theo đó, công trình gồm 5 tầng + 1 tầng bán hầm + tum thang với mật độ xây dựng 85,2%. Trong đó, diện tích xây dựng tầng 1 là 73,2m.

Cấp phép "kịch trần" theo Quy hoạch phân khu

Liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng (GPXD) cho các công trình cao tầng tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), UBND quân Thanh Xuân cho biết, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính là khu đô thị tái định cư để thực hiện các dự án GPMB của UBND TP (thường được gọi là khu tái định cư N) được đầu tư xây dựng từ năm 2003; khu đô thị có diện tích khoảng 14ha, bao gồm 19 tòa nhà chung cư cao tầng (cao từ 6-17 tầng) và 2 khu nhà ở thấp tầng hay còn gọi là nhà liền kề.

Theo quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 24/2000/QĐ-UB ngày 9/3/2000, công trình xây dựng thuộc ô ký hiệu N7, N8 có tầng cao trung bình 3 tầng. Tuy nhiên, hiện nay, theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP phê duyệt tại quyết định số 6631/QĐ-UBND ngày 2/12/2015, vị trí công trình xây dựng thuộc ô K8-1, tầng cao tối đa 6 tầng.

img

Công trình nhà ở cao tầng tại khu N8A (đang xây thô) có chiều cao vượt trội so với các nhà liền kề xung quanh. 

Cũng theo UBND quận Thanh Xuân, theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam số QCVN 03:2012/BXD, văn bản số 3149/BXD-KHCN ngày 3/12/2015 của Bộ Xây dựng quy định: Các tầng hầm không tính vào số tầng nhà; Tầng lửng không tính vào số tầng nhà công trình nếu diện tích sàn xây dựng tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng ngay dưới tầng lửng; tầng tum không tính vào số nhà công trình nếu dùng để bao che khu vực lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, diện tích mái tum không vượt quá 30% diện tích sàn mái…

Về việc một số lô nhà ở thấp tầng, nhà liền kề hướng ra mặt đường Nguyễn Thị Thập mà người dân phản ánh thời gian với quy mô 8-9 tầng, kiến trúc hoàn toàn khác biệt, UBND quận Thanh Xuân cho biết, tại khu vực này được cấp phép tối đa 6 tầng sàn, có tầng tum, tầng lửng, tầng hầm.

img

Các công trình được cấp phép Quy hoạch phân khu đang làm cho khu phố kiểu mẫu lộn xộn. 

Trao đổi về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, chia sẻ theo quy định Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hoá nội dung quy hoạch chung...

"Đã là khu đô thị mới có dự án được phê duyệt thì phải tuân thủ cơ sở pháp lý cao nhất là quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Quy hoạch phân khu không thể thay thế cho Quy hoạch chi tiết để làm cơ sở chính trong việc cấp phép", ông Nghiêm phân tích.

Theo TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, khi Hà Nội mở rộng từ năm 2008 có quy hoạch phân khu vàmột số quy hoạch phân khu hiện hành có hiệu lực. Cho nên, UBND quận Thanh Xuân căn cứ vào Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, ông Nghiêm cho rằng, muốn triển khai thực hiện thì bản thân dự án phải có điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt phải đưa ra các chỉ tiêu như chỉ tiêu dân số là rất cần thiết.

"UBND quận Thanh Xuân căn cứ vào quy hoạch phân khu này (Quy hoạch phân khu đô thị H2-2 tỷ lệ 1/2000 – PV) để cấp phép xây dựng cho công trình thuộc ô ký hiệu N7, N8 là có cơ sở pháp lý nhưng quy trình thực hiện thì phải có điều chỉnh quy hoạch dự án, phải có sự điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã duyệt trước đó và có đề xuất với Thành phố để xin được điều chỉnh dân số. Bởi vì quy hoạch khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã khống chế dân số rồi. Vì vậy, nhà đầu tư phải xin được điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đấy. Trong pháp luật hiện nay, chỉ có UBND TP mới có quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch thôi, chứ quận không có quyền điều chỉnh”, ông Nghiêm nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem