Kinh hoàng những vụ chó cắn trẻ em nát người, mất mạng

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 20/07/2018 06:59 AM (GMT+7)
Ngày 19.7, một bé gái 8 tháng tuổi (trú tại Ba Đình, Hà Nội) đã bị chó ngao Tây Tạng do nhà nuôi cắn xé dẫn đến tử vong. Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra những vụ trẻ bị chó cắn tan nát mặt mũi, thậm chí mất mạng.
Bình luận 0

Bác sĩ Lê Việt Khánh, Phó Khoa Cấp cứu tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 8 tháng tuổi (trú tại Ba Đình, Hà Nội) bị chó nhà cắn tử vong. Người nhà cho biết, mẹ cháu bé đang làm việc gia đình, bất ngờ nhìn thấy con chó ngao Tây Tạng nhà nuôi, nặng khoảng 40kg tấn công cháu bé.

Người mẹ lập tức lao vào cứu con gái, nhưng không thể ngăn cản nổi con chó to lớn.  Người mẹ cũng bị chó tấn công, cắn nhiều nhát vào tay. Khi giằng được con ra, người mẹ lập tức đưa con vào bệnh viện cấp cứu. 

img

Chó Tây Tạng khá hung dữ nhưng không ít gia đình đã chọn nuôi như vật cảnh mà không khóa mõm, không xích. Ảnh minh họa

Bác sĩ Khánh cho biết cháu bé được đưa đến BV trong tình trạng mạch không, huyết áp không, xuất huyết não, vết thương vùng trẩm (đầu) và hai bên thái dương, chảy máu nhiều. Tuy đã được các bác sĩ cố gắng cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên bé gái đã tử vong. 

Khi được hỏi, người nhà cho biết, con chó đã được gia đình nuôi trong thời gian dài và không đeo rọ mõm. 

Trước đó, ngày 16.5, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng đã điều trị cho bé trai 2 tuổi (ở Ba Vì, Hà Nội) bị chó cắn dập nát mặt. Kết quả kiểm tra cho thấy đây là tổn thương phức tạp vùng hàm mặt, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng vùng mặt như: mắt, mũi, miệng, tổn thương ống sternon (ống tuyến nước bọt)… Mẹ bé Đ. cho biết đây là con chó nhà nuôi vừa mới đẻ, do bé chơi với chó con nên bị chó mẹ lao đến cắn. Dù đã được tiêm phòng bệnh dại, sau khi cắn trẻ, vài ngày sau con chó đã chết. 

img

Hình ảnh em bé ở Ba Vì bị chó cắn tổn thương nặng nề. Ảnh BSCC

Các bác sĩ đã phải phẫu thuật suốt 3 tiếng để tạo hình và tái tạo lại  toàn bộ khuôn mặt cho cháu như tạo hình góc mắt, tạo hình mũi, tạo hình môi và khoang miệng , phục hồi ống sternon…

Còn ngày 27.3, tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tiếp nhận cháu Lý Seo Trường (4 tuổi) bị chó cắn tổn thương nặng ở mặt. Các vết cắn dài khiến bé bị tổn thương mí mắt, sâu vào khoang má. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật nhiều giờ để định hình vết thương.

Tháng 1.2018, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cũng đã phải xử lý một vụ trẻ em bị chó cắt gần như mất mũi. Bệnh nhi T.L ( tuổi, quê ở Đắk Lắk). Người nhà cho biết, mọi người bận việc nên để bé chơi một mình trên nhà. Lúc chơi đùa, bé đã cái cọc tre đánh vào con chó. Bất ngờ con chó nhà (có trọng lượng khoảng 20kg, gấp 3 lần bé L.) lao vào cắn xé bé. Khi mọi người nghe tiếng kêu khóc lao vào thì đã thấy bé bị cắn nát mặt, một miếng thịt lớn rơi trên sàn. Gia đình đã nhặt miếng thịt bảo quản trong xô đá rồi đưa bé đi cấp cứu.

Tuy nhiên, miếng thịt được bảo quản không tốt nên các bác sĩ không thể ghép.

Cũng trong thời gian này, Bệnh viện Nhi đồng 1 còn tiếp nhận bé trai 5 tuổi (trú tại Đồng Nai) bị 2 con chó béc-giê giằng xe khiến bé bị thủng khí quản và tổn thương nhiều vùng tay, chân, mặt khác. Bé được đưa vào viện trong tình trạng khoang bụng bị khí tràn đầy, nguy kịch tính mạng. May mắn các bác sĩ đã tìm được vết thủng và vá lại kịp thời.

img

Bé trai này bị 2 con chó béc-giê tấn công khiến bé bị thủng khí quản. Ảnh IT

Theo các bác sĩ, các trường hợp trẻ em bị chó cắn thương tổn nặng nề không ít. Bệnh viện Nhi T.Ư mỗi năm đều tiếp nhận từ 10-15 ca trẻ em bị chó cắt với những tổn thương vô cùng phức tạp. Có em bị cắn nát mặt, nát tay, chân, có em bị cắn đứt bộ phận sinh dục. Tình huống các em bị chó cắn thường là chơi một mình, chọc giận chó hoặc chơi cạnh chó đẻ, chó đang ăn…

Ngoài ra còn chưa kể đến nhiều trường hợp trẻ em bị chó cắn nhưng giấu gia đình không nói và vài tháng sau phát bệnh dại tử vong. Cụ thể như bé Ly Văn Xuân (11 tuổi, Mường Lát, Thanh Hóa) bị chó nhà nuôi cắn từ tháng 1.2018. Nhưng do vết thương nhẹ chỉ chầy xước da nên cháu Xuân đã không nói với gia đình. Đến đầu tháng 3, cháu phát bệnh dại và tử vong vào ngày 5.3. 

Theo bác sĩ Đặng Hoàng Thơm – Trưởng khoa Tạo hình – Sọ mặt (Bệnh viện Nhi T.Ư) các gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo. Nếu gia đình nuôi chó thì cố gắng cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Khi thả chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vắc xin ngừa bệnh dại định kỳ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem