Kinh nghiệm xương máu mua nhà qua cò để không dính ‘một cú lừa’
Cảnh giác với các môi giới tự do
Hiện nay, số lượng người làm môi giới bất động sản rất đông. Một phần làm việc trong các đơn vị, sàn môi giới bất động sản chuyên nghiệp, một phần làm việc một mình được gọi là các môi giới tự do.
Những môi giới tự do thường không tiếp cận được với chủ nhà mà thông qua nhiều tầng môi giới khác nhau, do đó thông tin mà họ có được về sản phẩm bất động sản cũng chỉ là kiểu "tam sao thất bản" không hoàn toàn chính xác. Trường hợp xấu nhất có thể xảy đến khi những môi giới tự do trên vào vai những kẻ lừa đảo.
Để tránh rủi ro, khách hàng nên tìm đến những đơn vị môi giới chuyên nghiệp, có uy tín, đủ điều kiện hoạt động. Với các dự án, bạn nên làm việc trực tiếp với đơn vị phân phối trực tiếp của chủ đầu tư. Nếu làm việc với môi giới nên biết họ đang chịu sự quản lý của đơn vị, sàn giao dịch nào. Kiểm tra pháp lý sàn, điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản đó.
Hãy nhớ, việc lựa chọn môi giới uy tín có ý nghĩa rất quan trọng đảm bảo hiệu quả giao dịch cũng như phòng ngừa rủi ro từ các giao dịch.
Cách "kiểm tra" môi giới tử tế
Tìm mua nhà thông qua môi giới chuyên nghiệp hoặc qua các công ty bất động sản sẽ tránh được rủi ro hơn. Tuy nhiên, chi phí thường cũng tốn kém hơn hoặc các thủ tục lằng nhằng hơn so với môi giới tự do. Hơn nữa, cũng có nhiều người môi giới tự do mát tay, tư vấn có tâm cho khách hàng.
Do vậy, khi vẫn quyết định lựa chọn người môi giới tự do, bạn cần có những bí kíp để "kiểm tra" độ tử tế của họ.
Cụ thể, người môi giới nhà đất có nói thật với bạn họ là người môi giới ngay từ đầu không, hay họ giả vờ là chính chủ hoặc người mua nhà để dò hỏi?
Người môi giới nhà đất có thỏa thuận mức giá dịch vụ môi giới nhà đất rõ ràng với bạn không? Bạn lưu ý rằng tuy không phải quy định nhưng đa phần người mua không phải trả phí dịch vụ môi giới, chỉ có người bán mới phải trả. Có một số bên môi giới nhà đất thu phí dịch vụ của cả bên mua và bên bán, nếu bạn là bên mua nhà đất thì hãy lưu ý điều này.
Người môi giới có nói với bạn cả những nhược điểm của bất động sản đó không? Thường thì bên môi giới nhà đất khi giới thiệu cho bạn sẽ chỉ đề cập đến các ưu điểm của nhà đất hoặc người mua mà bỏ qua những nhược điểm. Vì vậy, nếu người môi giới nào cung cấp cho bạn đúng và đầy đủ thông tin cả về ưu điểm, nhược điểm của nhà đất, bất động sản thì bạn có thể tin tưởng được.
Người môi giới nhà đất có thông thạo thủ tục pháp lý hay không? Môi giới nhà đất thường không chuyên sâu về thủ tục pháp lý, tuy nhiên họ cũng có những kiến thức cơ bản dựa trên kinh nghiệm thực tế và có những đơn vị tư vấn luật, luật sư, công chứng để tham vấn cho họ.
Cuối cùng, để biết được người môi giới nhà đất có đáng tin cậy hay không thì hãy dựa vảo cảm nhận của bạn qua việc tiếp xúc, nói chuyện, phong cách làm việc... của họ.
Kiểm chứng các thông tin người môi giới cung cấp
Dù nghĩ rằng mình đã gặp được người môi giới tử tế, nhưng bạn cũng không nên tin 100% và để họ tự làm tất cả mọi việc. Bạn cần tự tìm hiểu, kiểm chứng lại các thông tin bất động sản do môi giới cung cấp. Hãy xác minh các thông tin môi giới đưa ra, tính khách quan, trung thực, tránh bị u mê bởi các thông tin thiếu chính xác, không rõ ràng, đánh lừa tâm lý khách hàng chỉ bằng cách tô vẽ về một bất động sản rẻ, đẹp…
Bạn nhất định cần kiểm tra lại: Sổ đỏ thuộc sở hữu của ai, có phải người bán chính chủ hay là đồng sở hữu để yêu cầu hoàn tất giấy tờ pháp lý mua bán, kiểm tra quy hoạch… Làm kỹ việc này bạn sẽ không bị mua hớ, tránh gặp rủi ro pháp lý, tiền mất tật mang.