Kinh tế 2018 sẽ nhiều điểm sáng

Phi Long Chủ nhật, ngày 31/12/2017 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, các chuyên gia kinh tế nhận định, với đà tăng trưởng tốt của nền kinh tế năm 2017 sẽ tiếp tục tạo ra điểm tựa để bứt phá cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018.
Bình luận 0

Xuất hiện tập đoàn lớn

TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm qua đó là nền kinh tế đã vào quỹ đạo tích cực hơn. Thương mại sau 2 năm đã phát triển ổn định và có triển vọng. Việc xử lý 12 dự án yếu kém đã có một số kết quả bước đầu, một số doanh nghiệp lớn thoái vốn cổ phần hóa thành công... Theo TS Thành, hội nhập APEC sâu rộng hơn là thành công tốt đẹp của Việt Nam trong năm qua.  

img

  Diễn ra cuối 2017, Sabeco là thương vụ mua bán lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam với giá trị khoảng 110.000 tỷ đồng.  Ảnh: I.T

Một số chỉ tiêu kinh tế năm 2018:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7%, trong đó: Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,0%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%; khu vực dịch vụ 7,4%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8- 10% (Quốc hội giao tăng 7-8%); trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỷ USD.
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%.
- Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt.

Cùng chung nhận định, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: Năm 2017 có sự bùng nổ thương vụ hợp nhất sáp nhập, diễn ra ở cả khu vực kinh tế nhà nước lẫn khu vực kinh tế tư nhân. Các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư nước ngoài cũng rất lớn đã tham gia vào, mở ra xu hướng sát nhập. Hiện Nhà nước thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn doanh nghiệp chắc chắn sẽ hình thành thêm các tập đoàn rất lớn.

Còn chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực đánh giá, năm 2017 kinh tế đã có đà phục hồi trở lại. “Kinh tế vĩ mô ổn định là vấn đề cực kỳ quan trọng, có thể tăng trưởng 10 -20% mà không ổn định cũng bỏ đi” - ông Lực nhấn mạnh. Ông Lực bày tỏ ấn tượng về việc nông nghiệp phục hồi đà tăng trưởng, tăng trưởng hơn 3% so với năm ngoái rõ ràng là khởi sắc; Doanh nghiệp hoạt động khởi sắc, trong số 678 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán lợi nhuận tăng 23%, tăng trưởng 17%...

Mới đây, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổ tư vấn kinh tế, các thành viên của tổ đều đánh giá năm 2017 là năm có nhiều cải cách và đạt kết quả khá thành công khi 13 chỉ tiêu đều đạt và vượt, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng mà theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là đạt mức không hề nghĩ tới. Còn GS-TS Nguyễn Đức Khương (Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp) cho biết, kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao mà còn ổn định nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt kiều quan tâm đầu tư về Việt Nam.

Tăng trưởng kinh tế 2018 sẽ đạt 6,7%

Các chuyên gia kinh tế cho rằng đang có hai xu hướng nhận định rõ ràng về kinh tế Việt Nam năm 2018. Cụ thể, theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể thấp hơn năm 2017 một chút do chu kỳ tăng trưởng kinh tế thế giới đang chững lại. Điều này sẽ tạo tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có một xu hướng khác lại cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể cao hơn một chút so với năm 2017 do kinh tế Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nền tảng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn dựa trên tăng tổng cầu, bao gồm tăng tiêu dùng, tăng đầu tư và tăng xuất khẩu. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 có thể đạt mức năm 2017 hoặc thấp hơn một chút, song vẫn cao hơn nhiều mức Chính phủ trình Quốc hội. Về lạm phát, tương tự năm 2017, dự báo sẽ không có đột biến giá cả. Cũng có thể các điều chỉnh về giá của một số dịch vụ như y tế, giáo dục, điện sẽ là yếu tố chính tác động tới lạm phát ở Việt Nam. “Tuy nhiên, chúng ta kiểm soát khá tốt yếu tố cung tiền, yếu tố cơ bản tác động tới lạm phát ở Việt Nam dưới 2% nên tôi cho rằng lạm phát năm 2018 chúng ta vẫn có thể kiểm soát tốt” - ông Nghĩa nói.

Nhìn nhận kinh tế Việt Nam 2018, nhiều tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá: Năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt với thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ có nhiều khả năng thiết lập được các mối quan hệ kinh tế thuận lợi hơn trong năm 2018. Thậm chí, có  chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới còn phải thốt lên: “Không hiểu những gì đang xảy ra với Việt Nam, với mức tăng trưởng quá ấn tượng vượt qua cả kỳ vọng”.

Bà Eugenia Victorino - chuyên gia kinh tế Khu vực sông Mekong và ASEAN của Ngân hàng ANZ cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại, ANZ đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,7% chứ không còn là con số 6,5% như dự báo trước đó. Đồng thời, ANZ cũng đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 6,7%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem