Kinh tế Nhật bất ngờ tăng trưởng tốt trong quý 2

15/08/2023 16:18 GMT+7
Xuất khẩu của Nhật quý 2/2023 tăng trưởng 3,2%. Xuất khẩu hàng hóa ví như ô tô tăng trưởng khi những vấn đề trong chuỗi cung ứng hạ nhiệt, tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn giảm đi.

Vào ngày hôm nay, Văn phòng Nội các Nhật công bố kinh tế Nhật tăng trưởng 6,0% trong quý 2/2023, như vậy kinh tế Nhật đã có ba quý tăng trưởng liên tiếp. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã dự báo về mức tăng trưởng 3,1%. Trong quý 1/2023, kinh tế Nhật tăng trưởng 3,7%.

Kinh tế Nhật tăng trưởng cao nhờ vào xuất khẩu. Xuất khẩu của Nhật quý 2/2023 tăng trưởng 3,2%. Xuất khẩu hàng hóa ví như ô tô tăng trưởng khi những vấn đề trong chuỗi cung ứng hạ nhiệt, tình trạng thiếu các sản phẩm bán dẫn giảm đi. Ngoài ra, việc du lịch nội địa phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Nhập khẩu của Nhật trong quý 2/2023 suy giảm 4,3%.

Kinh tế Nhật bất ngờ tăng trưởng tốt trong quý 2 - Ảnh 1.

Kinh tế Nhật tăng trưởng cao nhờ vào xuất khẩu.

Tiêu dùng cá nhân, yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào GDP nói chung, trong quý 2/2023 giảm 0,5% so với quý liền trước, đây cũng là quý suy giảm đầu tiên trong ba quý gần nhất của tiêu dùng cá nhân. Mặc dù chi tiêu tại các nhà hàng và đi du lịch tăng cao sau khi chính phủ Nhật giảm cảnh báo về đại dịch COVID-19 vào tháng 5/2023, tình trạng lạm phát cao vẫn gây sức ép lên tiêu dùng cá nhân.

Sau diễn biến mới nhất về kinh tế Nhật, đồng yên đã có những thay đổi về tỷ giá. Phiên giao dịch gần nhất trên thị trường Tokyo, đồng yên hạ giá so với đồng USD và tạm thời ở dưới ngưỡng 145,22 yên/USD, thấp nhất tính từ tháng 11/2022.

Việc đồng yên xuống giá là phản ứng trực tiếp của thị trường với những kỳ vọng vào khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ vẫn duy trì quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, khác biệt nhiều so với định hướng của nhiều ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, vì vậy nhiều nhà đầu tư có lý do để bán ra đồng yên.

Trước đó, ngày 28/7/2023, BOJ đã điều chỉnh chính sách đường cong lợi suất (YCC), theo đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật thời hạn 10 năm được điều chỉnh tăng lên trên ngưỡng giới hạn 0,5% đến 1% hiện tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này của BOJ cho thấy BOJ sẽ vẫn duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài hơn, như vậy thị trường buộc phải giảm kỳ vọng về việc thu hẹp chênh lệch lãi suất cơ bản Nhật – Mỹ.

Tính từ khi BOJ ra thông báo về chính sách đường cong lợi suất vào ngày 27/6/2023, đồng yên đã mất khoảng 4% giá trị so với đồng USD. Đồng USD hiện giao dịch ở ngưỡng khoảng 144,9 yên/USD.

Dù rằng đồng yên không ngừng suy yếu, chính phủ Nhật cho đến nay chưa hề phát đi thông điệp sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ hoặc áp dụng bất kỳ biện pháp nào tương tự. Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại công ty chứng khoán Mizuho Securities, ông Masafumi Yamamoto, thể hiện quan điểm lo lắng: "BOJ và chính phủ Nhật cần phải tính đến việc rằng việc điều chỉnh sự đi xuống của đồng yên sẽ dẫn đến dẫn đến khả năng thị trường chứng khoán sụt giảm".

Ông Yamamoto dự báo đồng yên có thể giảm xuống mức khoảng 150 yên/USD trong ngắn hạn tuy nhiên sẽ tăng giá dần khi thời điểm cuối năm đến gần. "Xét đến xu thế lạm phát Mỹ chững lại trong dài hạn, sẽ khó có khả năng Fed sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD. Kết quả, chênh lệch lãi suất cơ bản giữa Mỹ và Nhật sẽ ngày một thu hẹp", ông Yamamoto nói.

Nếu đồng yên tiếp tục suy yếu sâu hơn, nhiều thành viên thị trường dự báo về khả năng chính phủ Nhật can thiệp. Chính phủ Nhật từng can thiệp để mua vào đồng yên và bán ra đồng USD ở ngưỡng 145 yên/USD vào tháng 9/2022.

Ngọc Diệp
Cùng chuyên mục