“Kỳ án” gỗ trắc: Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói gì khi lần thứ 10 bị chất vấn?

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 15/08/2023 11:38 AM (GMT+7)
Sáng 15/8, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, vụ án gỗ trắc ở Quảng Trị tiếp tục được đại biểu Quốc hội chất vấn
Bình luận 0

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 20/3 về xử lý vụ án ra quyết định trái pháp luật tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, do không có cơ quan nào giám định, định giá được lô gỗ vật chứng đã bán đi một cách khuất tất nên không có cơ sở đánh giá hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, mặc dù vụ án đã được khởi tố nhưng đến nay phải đình chỉ.

"Vậy theo Bộ trưởng trách nhiệm giám định này thuộc về cơ quan nào? Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để việc giám định vụ việc này được thực hiện và khi nào sẽ hoàn tất việc giám định này?", ông Thắng nêu.

“Kỳ án” gỗ trắc: Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nói gì khi lần thứ 10 bị chất vấn? - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn vấn đề liên quan đến kỳ án gỗ trắc. Ảnh PV

Đại biểu Thắng cũng gửi câu hỏi đến Viện trưởng VKSND Tối cao: Tại sao cũng một lô gỗ vật chứng, các cơ quan tố tụng đã căn cứ vào kết quả giám định, định giá trước đó làm cơ sở buộc tội các bị cáo, nay bảo rằng chưa có cơ sở giám định, định giá để xem xét hậu quả hành vi vi phạm bán vật chứng trái pháp luật nên không có căn cứ khởi tố bị can.

"Nói như Viện trưởng thì chẳng lẽ cả hệ thống tư pháp đành bó tay để tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật chăng và giải thích như vậy có mâu thuẫn không?", ông Thắng đặt câu hỏi.

Liên quan đến việc bán tang vật vụ án là lô gỗ trắc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp tham gia vào một việc duy nhất đó là có một văn bản trả lời rằng các tổ chức giám định chưa được công bố trong danh sách có đủ thẩm quyền theo quy định pháp luật về giám định tư pháp.

"Chúng tôi chỉ khẳng định về mặt hình thức và quy định của pháp luật về giám định chứ Bộ Tư pháp không có thẩm quyền để đi vào nội dung", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

"Tôi được hỏi và trả lời lần này lần thứ 10 về vụ án này", Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí mở đầu phần trả lời cho câu hỏi của đại biểu Hoàng Đức Thắng.

Ông Lê Minh Trí cho biết, đối với vụ án nêu trên, Cơ quan điều tra VKS Tối cao hiện nay đang thực hiện biện pháp tố tụng là tạm đình chỉ chứ không phải đình chỉ. Nguyên nhân về thời hạn điều tra có thời hạn nhưng thời hạn giám định thì chưa xác định. Khi có kết quả hoặc có căn cứ pháp luật sẽ phục hồi điều tra trở lại.

“Kỳ án” gỗ trắc: Viện trưởng VKSND Tối cao nói gì khi lần thứ 10 bị chất vấn? - Ảnh 2.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: Quốc hội

Người đứng đầu ngành kiểm sát cũng cho biết, thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã gửi 4 cơ quan có chức năng để giám định hậu quả thiệt hại của vụ án này. Tuy nhiên, hội đồng định giá tài sản của Quảng Trị và Đà Nẵng trả lời là gỗ không còn, không có cơ sở định giá. Bộ Tài chính trả lời không thuộc thẩm quyền định giá. Còn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trả lời không đủ căn cứ, cơ sở pháp lý theo quy định chuyên môn về hoạt động của hội đồng định giá tài sản. Có nghĩa đến giờ này 4 cơ quan chức năng đều chưa đưa ra kết quả giám định nên chưa xác định được hậu quả thiệt hại.

"Đối với hành vi vi phạm thì tôi khẳng định là có vi phạm theo điều 76 Bộ Luật TTHS về việc ra quyết định bán vật chứng trái pháp luật. Nhưng về hậu quả thì tại sao ở vụ buôn lậu thì tính được mà ở vụ án này lại không tính được", ông Trí nói.

Ông phân tích, đối tượng và thời điểm xác định hậu quả của hai vụ án khác nhau. Đối tượng xác định có hành vi buôn lậu ở vụ án buôn lậu xác định về số lượng, chủng loại và quy ra tiền ở thời điểm đó. Còn vụ án thứ hai là xác định hậu quả tại thời điểm ra quyết định bán vật chứng trái pháp luật. Thời điểm ấy, lô vật chứng đã bán mất rồi nên không còn để giám định thực tế được, giám định theo nguyên tắc khác thì các cơ quan chức năng hiện nay chưa đáp ứng được. Vì vậy, theo căn cứ pháp luật, nếu chưa có kết quả giám định và chưa có căn cứ nào khác thì không thể tiếp tục chức năng điều tra mà phải tạm đình chỉ để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Trí khẳng định, thời qua Cơ quan điều tra VKS Tối cao đã làm đúng trách nhiệm của mình và đúng luật pháp.

"Nếu không có hậu quả mà chúng tôi làm khác đi thì lại thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật khác. Chúng tôi chia sẻ, trong vụ án này chúng ta chưa chứng minh được tội phạm, chưa kết luận được, đó là một điều chúng ta cảm thấy băn khoăn về trách nhiệm của mình trong thực thi nhiệm vụ. Thế nhưng không phải  chúng ta bất chấp pháp luật để chúng ta kết luận cho bằng được khi mà chứng cứ, quy định pháp luật chưa đủ điều kiện để chúng ta kết luận", ông Trí cho hay.

Trước đó, trả lời chất vấn tại phiên họp lần thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã khẳng định "đây là vụ án rất phức tạp", "chưa có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm".

Liên quan đến "kỳ án" buôn lậu gỗ trắc, vào tháng 9/2019, Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao đã khởi tố ông Phan Văn Vĩnh (ông Phan Văn Vĩnh từng là Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) đang chấp hành án phạt 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu).

Theo Cơ quan điều tra, khi mở rộng vụ án Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cơ quan chức năng phát hiện năm 2013, ông Phan Văn Vĩnh - khi đó đương chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an - đã chỉ đạo ra quyết định trái pháp luật trong xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá lô gỗ trắc tang vật của vụ buôn lậu này.

Vụ án Trương Huy Liệu kéo dài 8 năm với nhiều lần TAND TP.Đà Nẵng phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong khi vụ án chưa kết thúc, số gỗ buôn lậu đã bị bán đấu giá, thu hơn 60 tỷ đồng.

Tháng 8/2018 trong bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND TP.Đà Nẵng kiến nghị Cục Điều tra Viện KSND khởi tố, điều tra việc bán lô gỗ vì cho rằng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước cùng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tòa án xác định, năm 2011, ông Trương Huy Liệu - Phó Giám đốc Công ty Ngọc Hưng đã tổ chức lập chứng từ giả để buôn lậu gần 615m3 gỗ trắc không rõ nguồn gốc, trị giá 63,6 tỷ đồng. Giúp sức ông Liệu có bà Trần Thị Dung (vợ ông Liệu) cùng sự thiếu trách nhiệm của Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Hải quan Đà Nẵng), Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cửa Việt, Quảng Trị) và Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị) khi đề xuất cho thông quan lô gỗ.

Hiện những người này đã bị xét xử và nhận án tù, trong đó ông Liệu nhận mức án cao nhất - 7 năm tù về tội Buôn lậu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem