Kỳ thị người nước ngoài giữa Covid-19: Tổn hại hình ảnh Việt Nam

Vĩnh Nguyên Chủ nhật, ngày 22/03/2020 10:10 AM (GMT+7)
Việc xóa đi sự kỳ thị với người nước ngoài trong dịch Covid-19 là điều cần thiết để giữ gìn hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, và giúp sớm khôi phục du lịch, kinh tế Việt Nam thời hậu Covid.
Bình luận 0

Sự nghi kỵ mệt mỏi

Jan cùng vợ ngồi ở một quán cafe trên phố Hàng Quạt (Hà Nội), khẩu trang bịt kín nói chuyện với mọi người xung quanh. Thực ra Jan chốc lại tháo khẩu trang ra, chốc lại đeo vào vì không quen. Đôi vợ chồng người Đức rời nước Đức đi khám phá Đông Nam Á 1 năm nay, bằng xe đạp. Từ Đức họ bay sang Malaysia, từ đó đạp xe sang Thái Lan, Campuchia, miền nam Việt Nam, sang Lào rồi quay lại Việt Nam qua một cửa khẩu miền Trung. Họ đến Hà Nội vài ngày sau khi có trường hợp bệnh nhân Covid-19 số 17, rồi liên tiếp phát hiện các ca nhiễm là người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Vợ chồng Jan định ở Hà Nội một tuần rồi bay sang Nhật, tiếp tục chuyến phiêu lưu khám phá Châu Á ở đất nước này, rồi sang Hàn Quốc Đài Loan, Trung Quốc đại lục , tất cả độ thêm một năm.

Tuy nhiên tình hình ở Hà Nội thay đổi nhanh chóng khiến vợ chồng Jan phải thay đổi kế hoạch và rời Hà Nội sớm hơn mấy ngày – anh nói với phóng viên Dân Việt. Khi họ đạp xe từ Campuchia sang Việt Nam hồi tháng Giêng, đến đâu cũng được yêu mến đón chào, người dân niềm nở rất thân thiện. Nhưng đến khi họ quay lại, với ca số 17 trở đi, họ nhận ra người nước ngoài không được hoan nghênh nữa. Trên đường từ miền Trung ra đây, người dân trở nên e ngại lạnh lùng hơn, không phải chỗ nào họ cũng dễ dàng thuê khách sạn như trước nữa.

Một khách nước ngoài nữa ngồi nghe, cũng góp chuyện rằng ông đến 3 khách sạn ở Hà Nội, đến cái thứ tư mới thuê được chỗ. Rất may, vợ chồng Jan nói, anh hiểu những gì đang diễn ra: “Chúng tôi vẫn yêu Việt Nam và nhất định sẽ quay lại”.

img

Mọi hành vi kỳ thị người nước ngoài sẽ bị xử lý. Ảnh: TTXVN. 

Câu chuyện kỳ thị người nước ngoài như những gì vợ chồng Jan đã gặp rộ lên ở Hà Nội 2 tuần qua. Thật ra nó xuất hiện ngay từ đầu dịch, ban đầu là với người Trung Quốc, người Hàn Quốc rồi đến khách phương Tây, khi Covid-19 lan mạnh ở châu Âu và Mỹ. Chiayo Kuo người Đài Loan, làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận ở TP.HCM, kể, mặc dù chị đến từ  Đài Loan, và chị đã làm việc ở TP.HCM từ lâu, nhưng  chị nhận rõ sự kỳ thị với những người nói tiếng Trung. Khi đó chưa có việc dừng các chuyến bay với Đài Loan như quyết định của Chính phủ Việt Nam mới đây.

Kể với Dân Việt, chị cho biết: "Khi tôi vào một nhà hàng Hy Lạp ăn tối, tôi nhận ra, người phục vụ khi nghe tôi nói tiếng Trung, đã lẳng lặng quay vào bếp, đeo thêm một lớp khẩu trang rồi quay ra nhận gọi món. Rồi khi tôi đi ăn phở cùng các bạn Việt Nam, ngẩng lên, mọi người tản ra chỗ khác. Một người bạn Việt Nam của tôi đi xe taxi, nhận được cuộc điện thoại tiếng Trung nên anh ấy phải trả lời tiếng Trung, và người lái xe lập tức hạ kính cửa sổ xuống. Sự nghi kỵ này giữa mọi người thật sự mệt mỏi và tôi đã rơi vào 'cái bẫy' nghi ngờ đó".

Một hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Pháp tại Hà Nội cũng kể lại những khó khăn mà anh gặp trong công việc. Đoàn khách Pháp của anh đến Việt Nam du lịch dài ngày, khi đường bay giữa Việt Nam với châu Âu vẫn còn mở, Việt Nam vẫn chưa quyết định tạm dừng cấp thị thực cho du khách nước ngoài. Nhưng tâm lý e ngại “khách tây” đã lan rất nhanh sau trường hợp những du khách Anh đầu tiên nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Việt Nam. Anh đưa khách đến Hòa Bình – đội văn nghệ ở điểm du lịch, gồm những người dân bản, vẫn biểu diễn nhưng có vẻ e ngại, và đó là buổi biểu diễn cuối của họ trước khi tạm dừng. Một số điểm du lịch khác cũng vậy, khi anh đưa đoàn vào các tỉnh miền tây thì có quyết định tạm dừng miễn thị thực cho du khách từ Schengen và Anh, một số tỉnh này ra văn bản yêu cầu tạm dừng tiếp nhận khách du lịch nước ngoài, khiến đoàn khách trở nên hụt hẫng và phải thay đổi hoàn toàn chương trình tham quan.

Cần sự vào cuộc của các ngành

“Tất nhiên chúng tôi hiểu và khách cũng hoàn toàn hiểu và thông cảm. Họ tuân thủ việc đeo khẩu trang, họ đứng xa hẳn khi xuống chụp ảnh tại một số địa điểm tham quan, nhưng tôi nghĩ rằng việc ra văn bản yêu cầu dừng tiếp nhận khách du lịch nước ngoài với những người đã vào trước đó, thì thật đáng tiếc” – hướng dẫn viên này nói. “Có những người phải tiết kiệm nhiều năm mới sang thăm Việt Nam được, với họ đây là vùng đất lịch sử vơi nước Pháp, nơi có nhiều cảnh đẹp nên họ rất muốn đến, tuy nhiên vào lúc dịch bệnh thì cũng phải chịu thôi”. 

Hướng dẫn viên này cho biết, đã có video của một du khách nước ngoài tự quay, nói về trường hợp dù mình được xác định âm tính nhưng vẫn bị khách sạn từ chối  không cho thuê phòng. Anh lo ngại những video đó được đăng và chia sẻ trên các trang du lịch có thể ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam, phá hỏng công sức quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước 30 năm đổi mới. 

Anh nêu ý kiến rằng, phản ứng tự nhiên của người dân với du khách nước ngoài cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên cần có sự tham gia của chính quyền để cho người dân hiểu cần ứng xử thế nào là đúng. Với những khách đã vào từ trước và được kiểm tra theo dõi sức khỏe thường xuyên, chúng ta cần có giải pháp với họ. Địa phương có thể có cách tổ chức tốt hơn, đón tiếp họ theo cách nào đó để họ được tham quan mà vẫn đảm bảo vệ sinh. Như ở Hội An, các điểm tham quan đóng cửa nhưng du khách vẫn có thể dạo phố cổ chụp ảnh.

“Nếu đóng hết thì không cần suy nghĩ gì nữa. Phải là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch vào cuộc cùng với các tỉnh, các địa phương, các bộ ngành, chứ không chỉ riêng du lịch” – anh nói. Có như vậy thì mới giữ được ấn tượng tốt với du khách để họ quay lại và giới thiệu cho bạn bè quay lại.

Đã chứng kiến việc người bán hàng ở một quán phở nổi tiếng trên phố cổ xua tay từ chối nhóm khác nước ngoài, ra hiệu không còn bánh phở, trong khi thực tế hàng vẫn còn, Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Bách nêu rõ rằng kỳ thị người nước ngoài là điều rất đáng tiếc: “Virus là vô hình , con người là hữu hình. Không nên có sự kì thị, chỉ có sự nhắc nhở, cẩn trọng thẳng thắn. Phòng vệ thì mỗi cá nhân sẽ tự biết và ý thức được việc nên phòng vệ thế nào, nhưng việc phòng vệ không mang tính tiêu cực”.

Trong tuần qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến các hiện tượng kỳ thị du khách nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại khách du lịch nước ngoài ở các địa phương, yêu cầu các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú không phân biệt đối xử với khách du lịch, chấn chỉnh và xử lý nghiêm mọi hành vi kỳ thị, từ chối phục vụ du khách người nước ngoài, báo cáo ngay những vấn đề phức tạp vượt khả năng xử lý tại chỗ để có phương án phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh việc phải giữ gìn hình ảnh đất nước là điểm đến an toàn, thân thiện, hiếu khách, các ngành các cấp cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài, đảm bảo an toàn, có tổ chức. Một vấn đề lẽ ra không cần phải tiếng nói của cấp cao nhất nếu các ngành liên quan chủ động nhìn nhận vấn đề và xử lý.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuần qua cũng đã lên tiếng khẳng định Việt Nam không có sự phân biệt đối xử với người nước ngoài khi điều chỉnh các quy định về nhập cảnh, hay khi chăm sóc y tế với các bệnh nhân nước ngoài nhiễm Covid-19 được phát hiện tại Việt Nam. Bà Hằng nhấn mạnh mong muốn rằng tinh thần nhân đạo, công bằng, không phân biệt đối xử sẽ được duy trì ở khắp thế giới, “để công dân của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ dù ở đâu cũng đều được đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn và chăm sóc sức khỏe thuận lợi”.

Sự kỳ thị đã làm cuộc sống của nhiều người nước ngoài tại Việt Nam thay đổi, có những người thậm chí thấy sợ hãi và muốn về nước. Mặc dù sự kỳ thị, nghi ngờ lẫn nhau xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới trong lúc dịch Covid-19 đang lan rộng, song quả thật,  nếu nghĩ đến đồng bào ta ở nước ngoài cũng đang trải qua dịch bệnh, có những lúc khó khăn khác và được chính quyền sở tại giúp đỡ, thì cũng nên có sự ứng xử thích hợp với du khách nước ngoài ở Việt Nam trong thời điểm này.

Những nỗ lực phòng chống dịch của Việt Nam đang được các nước, các tổ chức quốc tế và nhiều người nước ngoài ở Việt Nam đánh giá cao. Chị Chiayo Kuo chia sẻ: Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng để ngăn chặn dịch. Chị thường xuyên được cập nhật các thông tin từ Bộ Y tế về dịch bệnh qua Zalo. Bộ Y tế còn phối hợp với WHO để đưa ra những khuyến cáo phòng chống dịch cho các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, trên đường phố cũng nhiều poster chống dịch và có những xe ô tô tuyên truyền bằng loa trên đường phố. "Phần lớn người dân Việt Nam tuân thủ các hướng dẫn của Chính phủ, đeo khẩu trang và tin tưởng vào những kết quả phòng chống dịch của Chính phủ" - Chiayo Kuo nói. Sự thiện cảm và ca ngợi đó cần được gìn giữ và điều đó sẽ rất quan trọng để giúp Việt Nam phục hồi kinh tế, du lịch thời hậu Covid-19.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem