Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020:Học bạ chỉ mang tính hậu kiểm, không phải là thước đo

Hà My Thứ hai, ngày 13/07/2020 06:07 AM (GMT+7)
Chỉ còn 1 tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chính thức khởi động. Với mục tiêu khác với nhiều năm trước, để phòng ngừa gian lận thi cử, công tác thanh tra, kiểm tra năm nay sẽ được “siết” bằng việc đối sánh học bạ với điểm thi. Điểm mới này đã gây nhiều tranh cãi.
Bình luận 0

Kiểm soát chéo là cần thiết

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GDĐT sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là khâu thanh tra. Ngoài ra sẽ thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập ở bậc THPT của thí sinh. Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), đây là bước quan trọng phản ánh chất lượng dạy học ở từng địa phương, đồng thời cũng giúp phát hiện ra những nơi có bất thường để kiểm tra, đánh giá.

"Năm nay Bộ GDĐT sẽ đối sánh, phân tích mối tương quan giữa kết quả học tập trong cả quá trình với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả phân tích bức tranh tổng thể như vậy sẽ mang lại một câu trả lời chính xác về thực chất của việc dạy và học, thể hiện qua kỳ thi này" - ông Trinh nhấn mạnh.

Trước thông tin mới này, một lãnh đạo Sở GDĐT địa phương cho rằng nếu so sánh, đối chiếu, xếp thứ tự điểm trung bình các môn thi của địa phương sẽ khiến địa phương rất áp lực. Vị lãnh đạo này kiến nghị không nên xếp thứ tự điểm trung bình môn thi của các địa phương.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Học bạ chỉ mang tính hậu kiểm, không phải là thước đo - Ảnh 1.

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại Hà Nội. V.P

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GDĐT Hưng Yên bày tỏ, địa phương có thể sử dụng kết quả đối sánh này để quán triệt đến giáo viên, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo việc dạy học thực chất, kiểm tra đánh giá nghiêm túc việc "học thật" của học sinh ở địa phương.

Về điểm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là cơ hội để các địa phương khẳng định chất lượng giáo dục. Song Bộ trưởng lưu ý các địa phương cần chỉ đạo các nhà trường thực hiện đánh giá đúng, thực chất kết quả học tập của học sinh.

PGS - TS Trân Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ việc "kiểm soát chéo" giữa điểm thi và điểm học bạ không phải là điều bất khả thi, bởi tất cả các trường đều đã tổng kết về mặt điểm số. Bên cạnh đó, các trường còn đang dần hoàn thiện việc đưa điểm số của học sinh công khai lên mạng internet.

Ông Nhĩ cho rằng nếu điểm thi bỗng nhiên có sự bất thường thì hoàn toàn có thể lấy điểm học bạ để làm cơ sở xem xét lại, đối chiếu. Đây là giải pháp tốt để trước hết có tính cảnh báo đối với việc gian lận, coi như đây là một "kênh" để chống gian lận.

"Đối với ý kiến cho rằng học bạ có thể nâng "cao vọt" lên trong quá trình học, thì chính điểm thi thấp có thể giúp cho nhà quản lý đối chiếu để tìm ra được gian lận trong quá trình học tập chứ không phải chỉ lúc thi. Vì vậy mới gọi là "kiểm soát chéo". Nếu địa phương cho rằng ngành giáo dục bị "đặt áp lực" lên khi đối chiếu học bạ thì không đúng. Hãy coi đây là một kênh để kiểm soát chất lượng giáo dục địa phương, nếu thấy yếu kém thì khắc phục và hoàn thành tốt thì phát huy" - ông Nhĩ cho hay.

Học bạ để tuyển sinh đại học?

Quan điểm của tôi về việc sử dụng học bạ để tuyển sinh ĐH là không ủng hộ hoàn toàn. Trong bối cảnh nhiều nơi học vì thành tích, học chưa thực học thì áp dụng hình thức tuyển sinh này khó có thể đặt được kết quả tốt trong tuyển sinh".

TS Lê Viết Khuyến

Bên cạnh việc sử dụng học bạ để đối sánh với kết quả thi, nhiều trường ĐH năm nay cũng có xu hướng tăng tuyển sinh từ việc xét học bạ.

Hiệu trưởng một trường ĐH tại Hà Nội cho biết xu hướng chung là giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng chỉ tiêu từ xét tuyển thẳng, chứng chỉ ngoại ngữ, nhất là xét học bạ có xu hướng tăng.

"Khoảng từ 20 - 40% của các chỉ tiêu cho xét học bạ, còn lại là xét từ thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu xét học bạ năm nay tăng hơn so với năm ngoái và rải đều tất cả các ngành chứ mọi năm thì chỉ có 5 ngành. Đây là cơ hội cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn" - thầy giáo này bày tỏ.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) cho biết: "Quan điểm của tôi về việc sử dụng học bạ để tuyển sinh ĐH là không ủng hộ hoàn toàn. Trong bối cảnh nhiều nơi học vì thành tích, học chưa thực học thì áp dụng hình thức tuyển sinh này khó có thể đặt được kết quả tốt trong tuyển sinh.

Nếu chỉ xét học bạ để xét tuyển, chất lượng học sinh các trường trong cùng một địa phương sẽ không còn chính xác, chứ chưa nói giữa các địa phương với nhau".

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên lịch sử Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, những học sinh có điểm học bạ đẹp cũng có thể không đúng như năng lực của thí sinh và có thể do sự đánh giá của trường học đề ra, nên việc các trường tuyển sinh theo học bạ cũng nên đi kèm các điều kiện khác như bài luận, các chứng chỉ tiếng Anh hay các năng lực khác... Điều này giúp cho các trường tuyển được các thí sinh có năng lực phù hợp, và điểm học bạ chỉ mang tính chất tham khảo.

PGS - TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT bày tỏ: "Các trường ĐH sử dụng học bạ tuyển sinh, để đảm bảo được chất lượng đầu vào thì chỉ nên coi đây là sơ tuyển mà thôi. Khi đã sử dụng được học bạ để tuyển đủ số lượng rồi, nhà trường có thể tiếp tục dùng các bài kiểm tra năng lực cần thiết để đảm bảo chất lượng sinh viên mới. Sơ tuyển là công tác có lợi cho đôi bên, một bên lấy nguyên liệu để tuyển sinh, một bên thì có thể nộp hồ sơ để thi tuyển. Đây là công tác cần thiết để tăng tính tự chủ cho các trường ĐH trong thời gian tới đây".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem