Ký ức Tết trong tôi: Tết làng tôi ăn cá

Nhà văn Lê Bá Thự Thứ ba, ngày 21/01/2020 08:01 AM (GMT+7)
Hồi lên tám lên chín, điều ao ước lớn nhất hàng năm của tôi là Tết. Tết là được mặc quần áo mới. Tết là được nghỉ học. Chẳng biết do đâu, lũ trẻ con chúng tôi coi việc xuất hiện hoa xương rồng ở bờ rào làng là tín hiệu Tết sắp đến. Trẻ con sẽ tham gia bắt cá và mổ lợn ăn Tết - hoạt động vui nhất làng.
Bình luận 0

LTS: Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài dự thi cuộc thi viết "Ký ức Tết trong tôi" của nhà văn, dịch giả Lê Bá Thự.

img

Dịch giả Lê Bá Thự bên ao cá trước nhà. (Ảnh: NVCC)

Hoa xương rồng nở báo hiệu tết sắp đến

Tết là được chơi bời thỏa sức, tha hồ đánh rồi, đánh đáo. Tết chẳng những được ăn no mà còn được ăn ngon. Mấy ngày tết không bị bố mẹ mắng mỏ, đánh đập càng không. Vì theo phong tục tập quán, đó là những thứ phải kiêng trong 3 ngày Tết, bằng không sẽ bị xúi quẩy cả năm. 

Tôi rất thích ăn riềng kho cá. Có lẽ tại vì cái ngon, cái ngọt của cá thấm sạch vào những miếng riềng lót đáy nồi. Cho nên tôi có cảm giác, ăn riềng có khi còn ngon hơn ăn cá. Tôi gọi riềng kho cá là "riềng tốn cơm".

Ao ước như vậy, nhưng do còn nhỏ, sống ở làng quê lạc hậu (những năm 50 của thế kỷ trước), nên khái niệm thời gian của chúng tôi hồi đó rất mơ hồ. Chỉ biết ngày bắt đầu khi mặt trời mọc và kết thúc khi mặt trời lặn.

Sau ngày là đêm tối. Không bao giờ có chuyện xem lịch để biết ngày tháng (thực ra, làm gì có lịch mà xem).

Sáng dậy, bế em đi chơi, phát hiện thấy có hoa xương rồng, tôi hô toáng lên: "Bọn bay ơi, lại đây mà xem này, có hoa xương rồng rồi đây này, Tết sắp đến rồi!".

Cả lũ chạy đến xem, trố mắt nhìn những nụ hoa nho nhỏ, vàng vàng đo đỏ, nhú lên trên cành xương rồng. Mừng vì sắp đến Tết, nhưng cái sự "sắp đến" này là bao lâu thì chúng tôi chẳng có khái niệm.

Tát ao bắt cá ăn Tết

Dịp Tết nhà nào trong làng Nguyệt Lãng (xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) quê tôi cũng phải có nồi cá kho riềng. Cho nên trước Tết chừng một tuần là làng tôi bắt đầu "chiến dịch" tát ao để có cá ăn Tết. Ao nhà tôi khá rộng, gọi là "ao lớn", ngay trước sân, tiếp giáp cánh đồng nên rất nhiều cá, chủ yếu là cá tự nhiên: Cá rô, cá quả, trê, diếc, ngạo… Ao nay vẫn còn, tôi đã tham gia xây kè và trồng cây xung quanh từ hè 2018.

img

Nồi cá kho riềng thơm phức luôn là thức ăn hấp dẫn vào mỗi dịp Tết. (Ảnh: I.T)

Nông cụ dùng để tát ao là gàu dai. Tát nước gàu dai cần phải có hai người đứng đối diện nhau, mỗi người cầm một dây miệng, một dây đáy. Khi tát, hai người cùng khom lưng, thả dây cho gàu rơi xuống nước.

Hồi 15-16 tuổi tôi đã tát gàu dai cùng với bố. Lúc đầu hơi khó, vì các thao tác phải nhịp nhàng, chuẩn xác, nhuần nhuyễn, thì mới vục miệng gàu vào nước một cách ngon lành, múc và tát nước. Sau một thời gian ngắn "tập sự" là tôi thành thạo, ai cũng khen: "Thằng này nhanh ý và khéo tay đáo để".

Mỗi lần tát ao nhà, bố tôi thường huy động thêm 3 người nữa cùng với bố tôi lập thành hai "đôi bạn tát nước gàu sòng" với hai chiếc gàu cùng múc và cùng tát nhịp nhàng. Thường phải tát liên tục hai ngày hai đêm liền thì ao mới cạn và lúc đó mới bắt cá dưới ao.

Cá ao rất khôn, thậm chí tinh quái, nhất là cá quả, trê, rô và diếc. Khi nước ao bị cạn, chúng thường chui sâu xuống bùn lủi trốn, nhất là ở những chỗ có vết hố chân đã lội từ trước. Người bắt cá phải vục tay xuống bùn, sâu đến tận khuỷu tay, thậm chí đến tận bờ vai, để mò cá. Phải có kinh nghiệm thì mới phát hiện được, không bỏ sót cá.

Xung quanh bờ ao nhà tôi nhiều loại cây, sung, vối, ổi, tre, trúc… rễ mọc tua tủa tạo thành những dãy hang ngầm cửa hướng ra mặt ao, làng tôi gọi là "lờm ao" - hang trú ẩn tuyệt vời cho cá quả, cá trê và cá rô khi nước ao bị tát cạn. Người tát ao thường phải dùng sào dài bằng tre, chọc mạnh vào trong "lờm", xua đuổi cá chui rúc trong đó để chúng chạy ra ngoài.

Những con cá quả to nhất ao rất khôn, thường chui rúc trong lờm sâu, nếu chọc sào không đúng chỗ cá nằm, hoặc không đủ mạnh để xua đuổi thì chúng sẽ thoát thân. Đã xảy ra nhiều trường hợp, người tát ao chọc sào không đúng chỗ, để sót cá, và sau đó người đi hôi (đi bùa - tiếng làng tôi) phát hiện ra, xua được cá chạy ra ngoài để bắt. Có khi con cá quả người đi hôi bắt được mới là con cá quả to nhất ao. Trong trường hợp ấy, người tát ao chỉ còn biết tiếc đứt ruột.

img

Cảnh tát ao dịp Tết ở một miền quê thuộc huyện Nông Cống (Thanh Hóa). (Ảnh: laodong.vn)

Một lần, chính tôi đã là người đi hôi cá mắn phúc như vậy. Bữa đó tôi chọc mạnh chiếc sào tre vào lờm ao sâu hoắm, xua ra và bắt được một chú cá chuối (cá quả) cực to, đen sì, đem về kho đầy một nồi đất. Thích ơi là thích. Mẹ tôi khen lấy khen để: "Mi là thằng sát cá!". Tôi bơi giỏi, nên còn có biệt ranh "rái cá làng Nguyệt Lãng!".

Mỗi lần tát ao ăn Tết, thường thu được khoảng một tạ "cá mạt", gồm cá tự nhiên như cá quả, trê, rô, diếc, ngạo… chia đều cho những người tham gia tát ao. Còn toàn bộ "cá giống" gồm mè, chép, trôi, trắm, nghĩa là những loại cá thường phải nuôi mới có, là của chủ nhà.

Để đảm bảo công bằng, vô tư, người ta viết tên người được chia suất vào chiếc thăm làm bằng ngọn cây xương rồng (vì hồi đó hiếm giấy) rồi giao cho một đứa trẻ con hoặc một bà mù chữ bỏ thăm vào từng suất cá bày sẵn trên sân. Thăm có tên ai ở suất nào thì người ta nhận suất cá đó cho mình.

Sau mỗi lần tát ao ăn Tết, mẹ tôi thường nấu hai nồi cá kho riềng một lúc. Hai nồi đất to đùng đầy ắp cá kho, một nồi để ăn trước tết và một nồi để ăn trong ba ngày tết. Nồi để ăn trong ba ngày Tết, mẹ chọn toàn cá to, ngon (trắm đen, chép, mè, quả, rô).

Cá ao kho nồi đất, đáy nồi lót riềng thái lát, có mùi vị đặc trưng, miếng cá thơm thơm và cay cay vị riềng, phải nói là rất ngon.

Để gợi nhớ lại những khoảnh khắc đặc biệt, những hồi ức khó phai về dịp Tết trong mỗi chúng ta, báo điện tử Dân Việt mở cuộc thi viết “Ký ức Tết trong tôi”, mong được bạn đọc chia sẻ những hoài niệm, ký ức của mình về những khoảnh khắc Tết, những bầu trời kỷ niệm không thể nào quên của riêng mình.

Cuộc thi viết sẽ kéo dài từ hôm nay, 21/1/2020 (tức 27 tháng Chạp) cho tới 29/1/2020 (tức mồng 5 Tết Canh Tý) với 1 giải Nhất trị giá 3 triệu đồng, 2 giải Nhì - mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và 3 giải Ba - mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Thể thức dự thi: Các bài viết bằng tiếng Việt, với độ dài từ 500 tới 1.500 chữ, chia sẻ về những ký ức Tết có thật của mỗi người, gửi về báo điện tử Dân Việt qua địa chỉ email thoisu@danviet.vn (có ghi rõ bài dự thi “Ký ức Tết trong tôi”, trong đó ghi rõ tên và địa chỉ, điện thoại của người viết).

Những bài tốt nhất sẽ được chọn đăng trên báo điện tử Dân Việt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý. Sau đó Ban Biên tập báo Dân Việt sẽ chọn ra những bài xuất sắc để trao giải. Giải thưởng sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt ngày 30/1/2020, tức mồng 6 Tết Canh Tý và trao tại báo điện tử Dân Việt.

Xin trân trọng cảm ơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem