Kỳ vọng đón làn sóng FDI thứ 4
Dự kiến, Foxconn bắt đầu sản xuất iPad và MacBook trong nửa đầu năm 2021. Đây là hoạt động sản xuất iPad đầu tiên của Foxconn bên ngoài Trung Quốc.
Hàng ngàn dự án mở rộng đầu tư
Không nói rõ những mẫu nào của iPad và MacBook sẽ được sản xuất tại Việt Nam và sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng sản lượng mà Apple sẽ chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhưng bài báo trên Reuters nhấn mạnh Apple đã yêu cầu Foxconn thực hiện việc di dời này. Dây chuyền lắp ráp Foxconn đầu tư sang Việt Nam lần này dự kiến khoảng 270 triệu USD. Cách đây 13 năm, Foxconn đầu tư tại Việt Nam với 3 nhà máy quy mô nhỏ, chủ yếu sản xuất và lắp ráp máy tính và phụ tùng ô tô.
Ở làn sóng đầu tư thứ nhất (1993 - 2000), sau khi Việt Nam có luật Đầu tư nước ngoài và phía Mỹ cho phép các công ty Mỹ có thể mở văn phòng tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, loạt các ông lớn Coca-Cola, Pepsico, Cargill, P&G... lần lượt vào Việt Nam.
Giai đoạn 2 (2001 - 2007) sau Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết vào cuối năm 2000, mở ra cánh cửa xuất khẩu hàng hóa “made in Vietnam” sang Mỹ. Kế đó, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới năm 2006. Trong giai đoạn này, nhiều nhà sản xuất gia công từ Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore ồ ạt vào Việt Nam, đa số là đối tác của các “ông lớn” Mỹ.
Và FDI thực sự bùng nổ từ giai đoạn 3, sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Nổi bật trong giai đoạn này là dự án tỉ đô của Intel, xây dựng nhà máy chip bán dẫn tại Khu công nghệ cao TP.HCM năm 2020. Samsung, Foxconn, Compal, Nokia... cũng vào Việt Nam với loạt dự án tỉ đô từ đó đến nay. Đến nay, Samsung đã đầu tư 17 tỉ USD vào Việt Nam.
Trước đó, có thông tin Tập đoàn Pegatron của Đài Loan làm thủ tục xin phép 2 dự án đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các “ông lớn” trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... Pegatron dự kiến sẽ sản xuất thiết bị điện tử gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bảng mạch để cung cấp cho các tập đoàn điện tử lớn đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu. Luxshare - một trong những đối tác lớn của Apple, có nhà máy lắp ráp AirPods của Apple tại Việt Nam, cũng mở rộng đầu tư nhà máy rộng hơn 30 ha tại Bắc Giang trong năm nay.
Đại diện Bộ KH-ĐT cũng xác nhận việc có nhà đầu tư đối tác lớn của Apple là Foxconn, Winstron và Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng làn sóng đầu tư FDI thứ 4. Ngoài yếu tố “né” thuế xuất khẩu do tác động bởi xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ - Trung, Covid - 19 khiến các quốc gia, tập đoàn quốc tế muốn nhanh chóng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh phụ thuộc chuỗi cung ứng từ một thị trường lớn là Trung Quốc. Một số quốc gia phát triển khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đều đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ các công ty mở rộng đầu tư hoặc chuyển đầu tư sang nước thứ 3 với mục đích đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Số liệu cập nhật mới nhất từ Bộ KH-ĐT, từ tháng 1 - 11.2020, Việt Nam đã thu hút 26,4 tỉ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, có tới 1.051 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỉ USD, tăng 7,8%.
Quý 1/2020, Samsung Việt Nam cũng công bố dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) với quy mô vốn 220 triệu USD, sử dụng nguồn nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.
Lọc vốn FDI, gắn kết với doanh nghiệp nội
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), nhận định: Những dự án lớn đã và đang tiếp tục được cấp phép tại Việt Nam là kết quả bước đầu nỗ lực thu hút FDI của Việt Nam trước làn sóng dịch chuyển đầu tư đã xảy ra từ năm trước. Những dự án nhỏ cũng nằm trong kế hoạch tận dụng các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết và có hiệu lực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để có nhiều các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo được giá trị gia tăng và phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) trong nước.
Muốn vậy, theo ông Thắng, đầu tiên trong quá trình đánh giá dự án FDI, không nên chỉ tập trung vào quy mô, số lượng, mà cần tập trung vào chất lượng theo hướng ưu tiên những dự án lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, thân thiện, an toàn với môi trường, ứng dụng và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sử dụng ít năng lượng, những dự án sản xuất tại các mắt xích có giá trị cao trong chuỗi cung ứng. Thứ hai, tập trung thu hút vào lĩnh vực trong nước chưa có khả năng nhưng có tiềm năng trong tương lai. Khuyến khích liên doanh với DN trong nước. Xây dựng thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ, để giúp DN trong nước cùng phát triển. Đặc biệt ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, gắn toàn bộ nền sản xuất của DN FDI trong sự phát triển, liên kết với công ty trong nước... Thứ ba, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao hoặc các mắt xích Việt Nam còn yếu, ví dụ như điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, y tế, ô tô…
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, đánh giá làn sóng FDI thứ 4 sẽ trở thành hiện thực khi Việt Nam chủ động hơn trong thu hút nhà đầu tư. Ấn Độ và Indonesia đã có chính sách rất rõ ràng trong mời gọi vốn ngoại từ làn sóng chuyển dịch này, trong đó, ưu đãi thuế không phải là ưu tiên hàng đầu mà là thủ tục hành chính, đất đai hạ tầng có sẵn để nhà đầu tư được cấp phép là xây nhà máy ngay lập tức. Rút kinh nghiệm việc các DN Việt Nam còn bị hạn chế trong tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, làn sóng FDI thứ 4 nếu có phải giải được bài toán tăng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nhiều so với mức 33% hiện nay, tránh vấn nạn các dự án gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế.