Ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021, báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với 2 chuyên gia trong lĩnh vực chính trị là GS-TSKH Phan Xuân Sơn - Viện Chính trị học (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) và ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) để độc giả thấy rõ hơn về sự chu đáo trong công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 1.

Thưa hai chuyên gia, qua theo dõi nhiều kỳ Đại hội Đảng, các ông thấy việc chuẩn bị cho Đại hội XIII có những điểm gì nổi bật và khác so với trước đây?

- TS Nguyễn Đức Hà: Tôi có vinh dự được tham gia phục vụ nhiều Đại hội Đảng toàn quốc (từ lần thứ VIII). Trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, tôi cũng được tham dự một số nội dung liên quan.

Nói một cách khách quan, công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng lần này được tiến hành rất kỹ lưỡng, rất thận trọng, khách quan, dân chủ và công tâm.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 2.

Về điểm mới trong Đại hội XIII, chúng ta phải thấy rằng, quan điểm của Đảng ta vừa kế thừa, vừa đổi mới và phát triển. Vì vậy, Đại hội XIII phải được kế thừa những vấn đề còn đúng, còn phù hợp ở Đại hội XII và tiếp tục bổ sung những vấn đề mới cho phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, Đại hội XIII của Đảng có mấy điểm mới như sau. Thứ nhất, về mặt văn kiện, rõ ràng khối lượng các dự thảo văn kiện trình ra Đại hội XIII đồ sộ hơn các Đại hội trước. Ngoài báo cáo về kinh tế xã hội, báo cáo về tổng kết thi hành điều lệ Đảng lần này có một số điểm mới khác với Đại hội XII. Đó là, có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xác định phương hướng nhiệm vụ mục tiêu cho 10 năm tới 2021 – 2030…

Thứ hai, cùng với việc đánh giá lại công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, lần này tại Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII trình Đại hội XIII. Có thể nói, rất ít Đại hội Đảng toàn quốc có một báo cáo về công tác xây dựng Đảng chuyên sâu trong một nhiệm kỳ. Điều này thể hiện đúng tinh thần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII có nhiều điều đáng nói và có nhiều điều cần phải nói".

Thứ ba, Đại hội nào cũng cần có Báo cáo chính trị nhưng Báo cáo chính trị ở Đại hội XIII lần này không chỉ tổng kết lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 12 mà còn nhìn lại đánh giá một cách khái quát 35 năm đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991). Đây là những cái mới.

Về nhân sự cũng có nhiều nội dung mới so với các kỳ Đại hội trước. Ví dụ lần này thực hiện theo quy trình 5 bước rất kỹ lưỡng, rất chặt chẽ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là "làm từng bước, làm từng việc, làm đến đâu chắc đến đó, phải đảm bảo dân chủ, công khai, công tâm, minh bạch, khách quan để tạo được sự thống nhất cao".

GS. TSKH Phan Xuân Sơn: Với tư cách là nhà nghiên cứu, tôi hoàn toàn chia sẻ với đánh giá, nhận định của ông Nguyễn Đức Hà. Tôi chỉ có thêm ý kiến rằng: Trong chuẩn bị Đại hội nào cũng chỉ xoay quanh 3 vấn đề. Một là về đường lối; hai là tổ chức nhân sự và thứ ba là tổ chức sự kiện.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 3.

Về tổ chức sự kiện chúng ta không biết nhiều, chủ yếu là khâu hậu cần, trong đó có  rất nhiều việc. Dù không được truyền thông đưa tin nhiều nhưng đến thời điểm này công tác chuẩn bị cho Đại hội XIII đã sẵn sàng.

Về đường lối, tôi cho rằng có điểm khác với các Đại hội khác ở chỗ vừa rồi chúng ta thực hiện "3 cấp" (cơ sở - trên cơ sở - dưới Trung ương) rất kỹ theo Chỉ thị 35. Trong 3 cấp này, các việc liên quan như khâu tổ chức nhân sự, đường lối cũng được chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Về nhân sự, tất cả các nhân sự liên quan đến các kỳ Đại hội đều có tiêu chuẩn, nhưng đến nhiệm kỳ Đại hội này chúng ta có tiêu chuẩn cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội…Ví dụ, chức danh Tổng Bí thư phải là người kinh qua Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy. Đây là tiêu chuẩn trước đây không có.

Các tiêu chuẩn này định tính rõ, đặc biệt trong quá trình đó chúng ta tiến hành một cuộc vận động rất lớn, lớn nhất đó là xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng. Chúng ta đã xử lý một đội ngũ cán bộ rất lớn, làm sạch được đội ngũ cán bộ để trước khi vào Đại hội XIII có một đội ngũ cán bộ có tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, năng lực tốt và quan trọng là đội ngũ cán bộ không tham nhũng.

Một điểm mới nữa rất dễ nhận thấy, đó là chúng ta đã hội nhập thành công, bắt nhịp được những xu hướng lớn của thế giới đó là kinh tế số, là Chính phủ số, số hóa dịch vụ công… Dựa trên tất cả nền tảng khoa học phát triển đó chúng ta có khát vọng phồn vinh và phát triển của đất nước, dân tộc. Đáng chú ý, trong văn kiện của Đảng nói lên khát vọng về một dân tộc hùng cường.

Ba Hội nghị Trung ương của khóa XII gần đây (Hội nghị 13, 14, 15) liên quan đến công tác nhân sự cho khóa XIII đều kết thúc sớm hơn thời gian dự kiến và kết quả tốt đẹp, điều đó nói lên vấn đề gì, thưa hai vị chuyên gia?

- GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Thực ra, trước đây chúng ta bàn định nhân sự trong xã hội một cách tự nhiên. Nhưng có thể nói một số kỳ Đại hội Đảng gần đây việc xác định các thành phần chủ chốt của Đảng và Nhà nước mà ta hay gọi nôm na là "Tứ trụ" được diễn ra theo kế hoạch, nhanh chóng, thể hiện được sự đoàn kết, nhất trí cao và thể hiện khâu tổ chức đúng quy trình, chặt chẽ.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 4.

TS Nguyễn Đức Hà: Nhiệm kỳ Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương họp 14 kỳ, kết thúc kỳ họp thứ 14 thì khoảng một tuần sau khai mạc Đại hội XII. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa rồi chúng ta kết thúc Hội nghị Trung ương 15 và một tuần sau cũng tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc. Rõ ràng lần này số Hội nghị Trung ương nhiều hơn trước đây.

Tôi tạm thời cắt khúc để chúng ta dễ hình dung. Trong 15 lần hội nghị của Trung ương, trừ Hội nghị lần thứ nhất được diễn ra ngay trong thời gian của Đại hội để bầu Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và công bố trước Đại hội thì chúng ta còn 14 Hội nghị Trung ương.

Trong 14 Hội nghị Trung ương này, chúng ta tạm thời chia làm 2 giai đoạn. 7 Hội nghị đầu Trung ương tập trung vào cụ thể hóa đường lối và Nghị quyết để đưa nghị quyết vào cuộc sống; 7 Hội nghị còn lại Trung ương tập trung chủ yếu với nội dung chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII. Như vậy, không phải 3 Hội nghị Trung ương gần đây mới bàn về vấn đề nhân sự.

Những Hội nghị Trung ương bàn về công tác nhân sự thường được kết thúc sớm so với dự kiến, bởi vì tạo được sự đồng thuận, sự thống nhất cao ngay trong Trung ương.

Thứ nhất, công tác này được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban nhân sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu theo những quy trình, trình tự rất nghiêm ngặt; hai là bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Riêng về công tác nhân sự, trước đây khóa 11 chuẩn bị nhân sự cho khóa 12 không có ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhưng khóa này Bộ Chính trị đã quyết định thành lập một ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Điều này có nghĩa là tăng thêm sự chặt chẽ trong khâu tổ chức nhân sự.

Bên cạnh đó, lần này chúng ta làm quy trình 5 bước rất công phu, dân chủ, chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn. Nếu trước đây thực hiện theo quy trình 3 bước, 1 nhân sự phải qua 3 lần thẩm định, 3 lần rà soát, 3 lần lấy phiếu thì bây giờ theo quy trình 5 bước thì kỹ hơn và chắc chắn hơn.

Ngoài ra, việc quy hoạch cán bộ nguồn được đổi mới và rút từ kinh nghiệm của khóa trước. Đơn cử như khóa 11 chúng ta quy hoạch 511 đồng chí vào khóa 12, việc cán bộ nguồn quá nhiều khiến khó kiểm soát được hoặc kiểm soát một cách lỏng lẻo, không chặt chẽ. Lần này chúng ta làm đi làm lại qua mấy lần chỉ quy hoạch được 222 đồng chí. Nghĩa là từ thực tiễn chúng ta rút ra những bài học cho chính mình.

Nói điều này để thấy rằng, mấy Hội nghị Trung ương gần đây chủ yếu tập trung bàn về công tác nhân sự, tạo được sự thống nhất cao chính là nhờ quy trình làm việc được tiến hành kỹ lưỡng, chặt chẽ, tập trung, dân chủ, công khai minh bạch nên khi Bộ Chính trị trình ra Ban Chấp hành Trung ương thì không phải thảo luận nhiều.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 5.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã được làm mạnh và có kết quả tích cực. Và đến Đại hội XIII, ngay trong chủ đề của Đại hội vẫn tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng bên cạnh đó còn có bổ sung nội dung "xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh", các ông có đánh giá gì về vấn đề này?

- GS.TSKT Phan Xuân Sơn: Đây là vấn đề rất cơ bản trong vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua hệ thống chính trị, trong đó Đảng là hạt nhân.

Có hai vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức mạnh vai trò, sự lãnh đạo của Đảng. Một là vai trò hạt nhân; hai là vai trò cơ chế tổng thể do hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức hệ thống chính trị trong đó như thế nào để đạt được mục tiêu chính trị mà Đảng đưa ra. Cho nên, có những nhiệm kỳ không nêu ra thành chủ đề nhưng không có nghĩa là chúng ta không có xây dựng Đảng. Lần này nêu ra liên tục 2 nhiệm kỳ như vậy để tập trung vào việc then chốt để ngang tầm với sự lãnh đạo của Đảng.

Then chốt của then chốt là đội ngũ cán bộ, trong đó quan trọng nhất là cán bộ cấp chiến lược, lãnh đạo cấp cao. Việc này chúng ta phải tập trung. Chúng ta phải tạo ra hệ sinh thái cán bộ sạch, hiện đại. Có nghĩa là phải đẩy mạnh việc chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về đạo đức, mà đạo đức lại liên quan đến sự nghiệp phòng chống tham nhũng.

Có hai vấn đề trọng tâm trong vai trò lãnh đạo của Đảng là xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị mà không nhuần nhuyễn, không hoạt động tốt, níu kéo nhau thì vai trò lãnh đạo của Đảng cũng không thể thực hiện hiệu quả được. Bên cạnh đó, hạt nhân không đủ mạnh, không đủ sức lan tỏa các ý tưởng, đường lối, sức mạnh lãnh đạo của mình thì cũng không thực hiện hiệu quả vai trò của Đảng. Đây là vấn đề đặt ra cần giải quyết trong nhiệm kỳ khóa 13 này.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 6.

TS Nguyễn Đức Hà: Về vấn đề này thì tôi phải nhắc lại công tác xây dựng Đảng ở Đại hội XII. Tôi cứ nghĩ mãi, khi chỉ đạo chuẩn bị báo cáo tổng kết trình Đại hội thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nói một câu: "Công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII có nhiều điều đáng nói và cũng có nhiều điều cần phải nói. Có lẽ vì có nhiều điều đáng nói, nhiều điều cần phải nói nên Ban Chấp hành Trung ương mới cần phải có một báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng để trình Đại hội".

Đúng là nghiên cứu kỹ báo cáo trình ra Đại hội chúng ta ghi nhận được những nội dung Đại hội XII đặt ra, nhiệm vụ trọng tâm ở Đại hội XII đặt ra về công tác xây dựng Đảng. Có thể nói, công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ này được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả, trong đó có những dấu ấn rất nổi bật trong lòng cán bộ đảng viên và nhân dân.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 7.

Đặc biệt có những việc, có những nội dung không phải bây giờ chúng ta mới làm, thậm chí nhiệm kỳ nào cũng làm, làm từ lâu rồi nhưng rõ ràng kết quả chưa đạt được như mong muốn, nhưng lần này làm thì kết quả rõ nét hơn, cụ thể hơn.

Đơn cử như, chưa có lúc nào mà Đảng ta không nói rằng không đấu tranh chống tham nhũng, chúng ta thực hiện chống tham nhũng mấy chục năm nay rồi, nhưng rõ ràng trước đây kết quả chưa đạt như mong muốn. Hay như câu Đảng ta nói trong Nghị quyết là "không có vùng cấm" thì cũng đã nói lâu rồi, song trước đây chúng ta nói nhưng vẫn còn chỗ này chỗ kia có "vùng cấm". Đến bây giờ Tổng Bí thư nói không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền… thì dân tin ngay. Đây chính là tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tới đây, trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, công tác xây dựng Đảng rõ ràng vẫn là thành tố được xếp ở vị trí đầu tiên trong chủ đề của Đại hội. Đó là tăng cường vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đây là một sự phát triển mới.

Chúng ta vừa kế thừa 5 thành tố trong chủ đề của Đại hội XII là xác định xây dựng chỉnh đốn Đảng phải đặt ở vị trí số 1, bây giờ không chỉ có tăng cường xây dựng Đảng mà cả xây dựng hệ thống chính trị thì hệ thống chính trị mới hòa nhịp, toàn diện, đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng hợp.

Cùng với đó, trong nội dung xây dựng Đảng lần này vẫn tiếp tục tập trung nhấn mạnh vấn đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời, vừa tập trung kiện toàn xây dựng tổ chức bộ máy, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược các cấp và tiếp tục tập trung đấu tranh phòng chống tham nhũng xem đây là khâu đột phá để thực hiện tốt công tác này.

Ngoài ra, công tác xây dựng Đảng phải gắn liền với đấu tranh chống tham nhũng, gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chính lần này Đại hội đặt ra là vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức. Có lẽ chính vì thế cho nên Trung ương mới ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương. Cán bộ càng cao, chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương. Đây chính là cụ thể hóa việc thực hiện vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 8.

Thưa hai chuyên gia, để đưa đất nước phát triển hùng cường, trong chủ đề Đại hội XIII đã nhấn mạnh "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước", hai ông bình luận gì về vấn đề này?

- GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Cái đấy có thể nói là được hun đúc từ Đại hội XII đến nay, trước đó chúng ta không phải không có việc này, nhưng không diễn đạt như bây giờ.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 9.

Suốt nhiệm kỳ 12 tôi thấy rằng trên phương tiện thông tin đại chúng và trong xã hội đặt ra và hun đúc thành một quyết tâm chính trị là đất nước Việt Nam phải  hùng cường, phải vươn lên.

Chúng ta có nhiều khát vọng như độc lập dân tộc, hòa bình, khát vọng dân tộc hùng cường cũng đã được Bác Hồ nêu trong Thư gửi các cháu Thanh thiếu niên nhi đồng nhân dịp khai giảng năm học mới năm 1945. Nhưng để cụ thể hóa như một số đất nước nằm trong hệ tư tưởng dân tộc của họ thì chúng ta chưa có như vậy.

Nhưng lần này chúng ta hình thành một xu hướng tinh thần, khát vọng đưa dân tộc này trở thành một dân tộc phát triển nhanh, bền vững, đứng ở một vị trí cao. Chúng ta phải phát huy cái đó.

Để đất nước hùng cường thì trong từng người, từng làng xóm, từng tập thể phải có khát vọng và cộng hưởng lại thành một đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chúng ta phải cổ vũ, song con đường này phải thông qua rất nhiều cách thức, đặc biệt là phải xây dựng được một nền văn hóa có khát vọng hùng cường để chúng ta có một nền văn hóa làm nền tảng tinh thần trong xã hội, chúng ta có một quyền lực mềm, một thương hiệu quốc gia ngang tầm với các nước khác trên thế giới. Đây là nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

TS Nguyễn Đức Hà: Cụm từ "khát vọng phát triển" được thể hiện trong văn kiện báo cáo chính trị lần này tôi cho là rất "đắt" và có thể nói là rất hay, đã giải tỏa được rất nhiều vấn đề. Nó như một làn gió mới để khơi dậy tiềm năng, khơi dậy khát vọng để cho mọi người đều phải thấy rằng chúng ta không thể bằng lòng với những điều chúng ta đã có. Phải vươn lên, phải khát vọng, chứ không thể chấp nhận hiện tại.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 10.

Kỳ vọng đưa đất nước thực hiện được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh - Ảnh 11.

Đại hội XIII của Đảng sẽ chính thức khai mạc vào sáng nay (25/1), các ông có kỳ vọng gì vào kỳ Đại hội lần này?

- TS Nguyễn Đức Hà: Căn cứ vào những việc gì Trung ương đã làm để chuẩn bị cho Đại hội và những việc đang làm, sẽ làm sau kỳ Đại hội, tôi tin chắc rằng, Đại hội XIII sẽ thành công tốt đẹp trên cả phương diện văn kiện, nhân sự, tổ chức phục vụ Đại hội.

Đặc biệt, tôi tin Đại hội sẽ bầu ra được một Ban Chấp hành Trung ương thực sự là một tập thể trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, tiêu biểu về phẩm chất trí tuệ và năng lực, đủ sức lãnh đạo Đảng và đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới, nhanh và bền vững.

GS.TSKH Phan Xuân Sơn: Tôi cũng có niềm tin như vậy, bởi: Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng chúng ta vẫn tổ chức được Đại hội Đảng thì đã là một thành công.

Thứ hai, bằng những thành tựu của Đảng từ năm 1930 đến nay trong lãnh đạo đất nước và kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, chúng ta phải kiên quyết với những cái yếu kém, những tồn tại hạn chế để loại bỏ nó đồng thời phát huy những sáng tạo, những thành công trong thời kỳ đổi mới, để Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ này được triển khai nhanh chóng, hiệu quả trong thực tế nhằm đưa đất nước đạt được khát vọng thịnh vượng, phồn vinh, phát triển nhanh và bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Đức Hà và GS.TSKH Phan Xuân Sơn!

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem