Là cường quốc xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu từ gạo

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 09/01/2022 17:41 PM (GMT+7)
Đó là thông tin do ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đưa ra tại hội thảo "Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo" diễn ra mới đây trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần V - Vĩnh Long năm 2021.
Bình luận 0

Thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu

Theo ông Tùng, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan với khối lượng xuất khẩu trên dưới 6 triệu tấn mỗi năm.

"Dù là cường quốc về sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới nhưng sản phẩm chế biến sâu (vốn là tiền đề để đạt chứng nhận OCOP - Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") từ ngành lúa gạo cũng chỉ dừng lại ở các loại sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản như: Nàng Thơm Chợ Đào hay ST25, tức là thiếu vắng những sản phẩm chế biến sâu từ gạo" - ông Tùng nói.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới nhưng thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu - Ảnh 1.

Các loại gạo được trưng bày tại Festival lúa gạo Việt Nam lần V - Vĩnh Long năm 2021. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Tùng cho rằng, trong khi Việt Nam thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu từ gạo thì các quốc gia khác đã tạo ra rất nhiều sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.

"Sản phẩm từ gạo như nước uống từ gạo, xà bông, son môi…, đã được Thái Lan sản xuất, bày bán rất nhiều. Đi tới chỗ tham quan cánh đồng lúa gạo của Thái Lan họ chỉ bán một ít gạo thôi nhưng có đến khoảng 30 sản phẩm kèm theo được sản xuất từ gạo" - ông Tùng cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Tùng, cần phải đẩy mạnh và khai thác sản phẩm chế biến sâu từ gạo để nâng cao thu nhập cho người nông dân.

TS Võ Hồng Tú - Trưởng Bộ môn Kinh tế Xã hội Nông thôn, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định, trong thời gian qua, hầu hết các tổ chức kinh tế tham gia OCOP còn thiếu kinh nghiệm kinh doanh, quy mô sản xuất còn nhỏ, vốn ít, chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Ngoài ra, còn thiếu kiến thức về quản lý điều hành hoạt động tổ chức sản xuất; năng lực lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Chưa dừng lại ở đó, theo TS Tú, nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chưa có địa điểm tổ chức sản xuất tập trung, đặc biệt là các cơ sở chế biến, nhiều đơn vị kết hợp giữa nơi sản xuất và nhà ở, điều kiện tiêu chuẩn về nhà xưởng còn hạn chế, chưa đạt các tiêu chuẩn về chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, ISO,...

"Việc áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến chậm được triển khai, dẫn đến một số đơn vị sản xuất không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. một số bao bì và nhãn mác của sản phẩm dự kiến chuẩn hóa OCOP còn hạn chế và chưa đẹp mắt cũng như thiếu tính thuận tiện" - ông Tú nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần V cho biết, chương trình OCOP là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai, nhận thức của cả cán bộ và người dân còn chưa đầy đủ, việc xác định một số sản phẩm OCOP và ngành hàng lúa gạo Việt Nam để chuẩn hóa vẫn chưa xuất phát từ chính nhu cầu của các chủ thể, dẫn đến kết quả của mỗi địa phương còn khác nhau và đặc biệt là chưa đạt được kỳ vọng.

Nâng chất, đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Ông Trần Thế Như Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mekong Cần Thơ cho biết, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. 

Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có 1.759 sản phẩm (chiếm 37,16%); miền núi phía Bắc chiếm 20,56%; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 15%; Đông Nam bộ có 88 sản phẩm (chiếm 1,85%). Trong đó, sản phẩm đạt 3 sao chiếm 62,05%; 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới nhưng thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu - Ảnh 2.

Gạo ST 25 được trưng bày tại Festival lúa gạo Việt Nam lần V - Vĩnh Long năm 2021. Ảnh: Huỳnh Xây

Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, theo ông Hiệp, có 3.789 sản phẩm (chiếm 80%) thuộc nhóm thực phẩm; 8,8% thuộc nhóm lưu niệm, nội thất và trang trí; 6,3% thuộc nhóm đồ uống và còn lại là các sản phẩm khác.

Ông Hiệp cho rằng, chương trình OCOP nếu phát triển đúng sẽ đóng góp rất quan trọng vào phát triển GDP của các địa phương, giải quyết chuỗi liên kết sản phẩm không riêng ngành hàng lúa gạo mà còn ở các ngành nông nghiệp khác, giúp giải quyết việc làm ở địa phương, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm…

Trước bối cảnh hội nhập, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, theo ông Hiệp, một mặt đòi hỏi chất lượng sản phẩm cũng phải được nâng lên thì cần đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. 

"Nếu thực hiện đúng và tốt sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân", ông Hiệp nhấn mạnh.

Ngoài ông Hiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường.

 Đồng thời, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng.

Đối với các sản phẩm OCOP liên quan đến ngành hàng lúa gạo, có ý kiến cho rằng, cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm từ gạo, xây dựng thương hiệu gắn với các câu chuyện về hành trình xây dựng và phát triển sản phẩm để nâng giá trị, ghi dấu ấn trong lòng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, mở kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới…

TS Võ Hồng Tú - Trưởng Bộ môn Kinh tế Xã hội Nông thôn, Khoa Phát triển Nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: OCOP là chương trình còn khá mới mẻ, do vậy các địa phương cần làm tốt công tác truyền thông thông tin, làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp công nghệ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận thị trường, đặc biệt là thương mại điện tử và công nghệ 4.0 cho các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ cho các chủ thể OCOP thực hiện nâng cấp quy trình chế biến và công nghệ theo hướng sạch, an toàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem