Lạ mà hay: Thuần hóa hoẵng rừng thành vật nuôi đẻ như...dê

Quốc Định Thứ ba, ngày 05/12/2017 06:05 AM (GMT+7)
Từ 3 con hoẵng rừng mua lại của bà con dân bản, ông Lường Văn Hặc ở bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã thuần hóa và cho sinh sản, nhân đàn hoẵng lên 12 con. Đàn hoẵng của ông Hặc khi đã thuần hóa thì đẻ mắn không khác gì...dê.
Bình luận 0

Trao đổi với phóng viên Dân việt, ông Hặc cho biết: Năm 2012, ông thấy bà con trong bản bắt được một đôi hoẵng rừng (một con cái, một con đực). Nghe đâu bà con chuẩn bị đem chúng đi làm thịt, thấy vậy ông tức tốc đến hỏi mua lại với giá 6 triệu đồng đem về nuôi. Ông Hặc nhốt cặp hoẵng rừng vào chung 1 chuồng rộng khoảng 20 m2.

img

Ông Lường Văn Hặc cho hay, sau khi  hoẵng rừng được thuần hóa thì người nuôi có thể đến gần cầm, sờ vào người chúng mà chúng không sợ hãi.

Ông Hặc nói rằng, mới đầu cặp hoẵng rừng rất nhát, hễ thấy người đến gần là sợ hãi chạy nhảy lăng quăng. "Khi tôi lấy cỏ, lá cây vào cho cặp hoẵng ăn thì mãi chúng mới ra ăn. Một thời gian sau chúng quen với người, không còn sợ hãi, cho cỏ vào chuồng là chúng ăn liền. “Hoẵng ăn tạp như dê, thức ăn chủ yếu là cây cỏ, rau, củ, quả...Mấy thứ này là thức ăn vốn rất sẵn có nên nhà tôi nuôi đàn hoẵng không tốn kém gì mấy”, lấy mấy củ sắn, khoai, miếng bí cho đàn hoẵng ăn, ông Hặc cho hay.

img

Theo ông Lường Văn Hặc, thức ăn của hoẵng chủ yếu là cây, cỏ, rau, củ quả, ngô khoai, sắn...nên rất dễ nuôi

Được biết, hoẵng cùng loài với hươu và nai nên màu lông vàng sẫm, giống như con bê, thường sống trong những cánh rừng thưa, quanh nương rẫy, đồi nhiều cây bụi hoặc ven rừng và không cố định lâu dài. Chúng hoạt động ban đêm từ chập tối đến gần sáng. Hoẳng có thân thon mảnh, nhìn bề ngoài chúng giống hệt con hươu.

Điều khiến ông Hặc bất ngờ, năm 2013 thấy cặp hoẵng giao phối được với nhau, con hoẵng cái có chửa, 7 tháng tháng sau, hoẵng cái đẻ được 1 con hoẵng con khỏe mạnh. Ông Hặc mừng nghĩ bụng, đây là cơ hội để nhân sinh sản đàn hoẵng. Ông Lường Văn Hặc quết định mở rộng khu chuồng nuôi rộng khoảng 400m2, xây kiên cố, rào lưới thép bao quanh chuồng đề phòng hoẵng chạy ra ngoài, bởi hoẵng chạy rất nhanh, nhảy rất cao. Để nâng cao kinh nghiệm nuôi hoẵng, ông Hặc thường xuyên để ý đặc tính của chúng, nhất là thức ăn, chu kỳ sinh sản của chúng.

img

Đàn hoẵng của gia đình ông Lường Văn Hặc đang ăn trong khu chuồng trại.

Năm 2015, khi người nhà ông Hặc lên nương, bắt được thêm một con hoẵng cái trưởng thành, đưa về ông Hặc thả cùng chuồng với cặp hoẵng trước đó. Một thời gian sau, hoẵng cái có chửa và đẻ được thêm 1 lứa hoẵng con. Cứ thế, mỗi năm số lượng hoẵng tăng thêm, đến nay đàn hoẵng của gia đình ông Hặc đã nhân số lượng lên 12 con.

Ông Hặc phấn khởi chia sẻ, 5 năm kể từ khi bắt đầu nuôi, đến nay đàn hoẵng không có dấu hiệu bệnh tật gì, chúng rất khỏa mạnh và mỗi con hoẵng trưởng thành có trọng lượng trung bình từ 20kg đến 30kg. Hoẵng con đẻ ra sau 1 giờ đồng hồ là chạy nhảy khắp nơi. “Nuôi chúng còn nuôi dễ hơn nuôi con dê”, ông Hặc nói vui.

Thấy đàn hoẵng đang phát triển tốt, ông Hặc tâm sự, hoẵng rừng đang bị săn bắt gần hết nên tôi đang muốn nuôi chúng để bảo tồn. Hiện nay ông Hặc đã hoàn tất tất thủ tục giấy tờ theo quy định của pháp luật để được cấp giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã thông thường.

img

Đàn hoẵng nhà ông Lường Văn Hặc có màu vàng sẫm như hươu, đầu chúng giống đầu dê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem