Lại nóng chuyện bất hợp lý thuế cổ tức
Một nhà đầu tư vào cổ phiếu TNA sau khi trả 44 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân đã lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư cần thận trọng với các cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng, bởi khoản được chia này cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Thông tin này làm nóng lại câu chuyện bất cập thuế cổ tức, đã được các thành viên thị trường nhiều lần nêu lên.
Nhà môi giới tại Công ty Chứng khoán (CTCK) Đông Á cho biết, hiện nay, CTCK thực hiện thu hộ 5% thuế từ cổ tức bằng tiền mặt của nhà đầu tư, còn thuế từ cổ tức bằng cổ phiếu thì… chưa thu bao giờ.
Với khoản thuế đánh trên cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư muốn tất toán sẽ phải đến Chi cục thuế nơi có hộ khẩu thường trú để thực hiện.
Tìm hiểu của PV được biết, với các CTCK, việc thu hộ khoản thuế cổ tức đánh trên khoản nhận là cổ phiếu gần như bất khả thi, bởi mỗi CTCK có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn nhà đầu tư và không có công cụ nào phân biệt được danh mục cổ phiếu của nhà đầu tư đang sở hữu đó, cổ phiếu nào là bằng tiền mua, cổ phiếu nào là dòng cổ tức.
Thực tế, khi các doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, dòng cổ phiếu mới này được thông báo theo danh sách từng cổ đông, gửi đến các CTCK.
Tuy nhiên, để lưu giữ, cập nhật thông tin và tách ra theo kiểu “đồng này tiền mắm, đồng này tiền tương” khi nhà đầu tư giao dịch để thu hộ thuế thì không CTCK nào làm.
Nhà nước thu thuế cổ tức tính trên khoản cổ tức tiền mặt vốn đã là chuyện gây nhiều tranh cãi vì tính thiếu thuyết phục của chính sách.
Nay câu chuyện thu thuế cổ tức trên cả khoản nhận bằng cổ phiếu được nêu lên, khiến bất cập như chồng lên bất cập.
Tính thiếu thuyết phục của chính sách ở chỗ, nhận cổ tức bằng tiền mặt, hay bằng cổ phiếu thì ngay tại ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu đã bị điều chỉnh giảm tương ứng.
Trong điều kiện các yếu tố khách quan của thị trường không thay đổi, thì nhà đầu tư không có lợi ích gia tăng để phải chịu thuế. Chưa kể, chính sách này còn khuyến khích nhà đầu tư bán cổ phiếu trước khi nhận cổ tức, để khoản thuế đóng thấp hơn và nhận được nhiều lợi ích hơn.
Phân tích của CTCK Maybank KimEng trong một kiến nghị gửi đến nhà quản lý cho thấy rõ việc này. Chẳng hạn, cổ phiếu A vào ngày 7/7 có giá 20.000 đồng; ngày 8/1 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt là 10% (mỗi cổ phiếu A được nhận 1.000 đồng).
So sánh 2 phương án (xem bảng), chính sách thuế cổ tức tạo ra sự không công bằng trong lợi ích của nhà đầu tư và không khuyến khích họ giữ lại cổ phiếu để đi bền với doanh nghiệp, khi phương án bán trước ngày giao dịch không hưởng quyền giúp nhà đầu tư có lợi hơn.
Trong chuyện nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư còn bị bất lợi hơn khi giá trị khoản nhận này cũng bị trừ luôn vào thị giá cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền, nhưng giá bán số cổ phiếu nhận thêm đó có thể sẽ thấp hơn mệnh giá trong bối cảnh TTCK thường biến động. Trong trường hợp thị giá rơi, nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ chịu thiệt kép. Hiện nay, TTCK Việt Nam có trên 40% số mã có thị giá dưới mệnh giá.
Mùa đại hội đồng cổ đông năm nào cũng có nhiều doanh nghiệp đề xuất cổ đông thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Cách này giúp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ một cách hợp pháp, đồng thời (có vẻ) thỏa mãn được lợi ích cổ đông mà lại không phải xuất chi dòng tiền thực từ doanh nghiệp.
Nhà đầu tư, sau những năm đầu hào hứng đón nhận, nhưng rồi nhận ra bản chất thực của phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, nên đã không còn coi trọng cách làm này. Nhà đầu tư cho rằng, một doanh nghiệp tốt phải trả được dòng cổ tức tiền thật cho cổ đông.
Quy định về thu thuế với nhà đầu tư chứng khoán được định danh trong Luật Thuế thu nhập cá nhân ban hành từ năm 2007, gồm 2 khoản, thuế chuyển nhượng (0,1% tính trên giá trị chuyển nhượng) và thuế đầu tư vốn (thuế tính trên cổ tức 5% nếu bằng tiền mặt; 5% mệnh giá nếu giá giao dịch trên 10.000 đồng và 5% giá giao dịch nếu giá giao dịch nhỏ hơn 10.000 đồng.
Về phía Bộ Tài chính, lãnh đạo Vụ Chính sách thuế từng trả lời rằng, các tỷ lệ thu tại Việt Nam chủ yếu nhằm tạo thói quen cho nhà đầu tư là chính, vì thực tế ở nhiều nước, thuế cổ tức họ thu cao hơn (có nước thu đến 20%). Tuy nhiên, trong tâm lý nhà đầu tư, những câu hỏi như tại sao tôi lỗ vẫn phải chịu thuế?
Nhận cổ tức, thị giá đã bị điều chỉnh giảm luôn trên sàn, sao vẫn bị chịu thuế? Đặc biệt, khoản lãi tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi thu được từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được miễn thuế mà cổ tức từ đầu tư chứng khoán - một ngành được định danh là thiết yếu và cần phát triển - mà cứ phải chịu thuế mãi, đến bao giờ?
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét và dự kiến sẽ thông qua mức giảm trừ gia cảnh mới cho người nộp thuế. Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh dự kiến nâng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, giảm trừ cho người phụ thuộc nâng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng. Các nội dung khác chưa được xem xét sửa đổi.