Làm điều dưỡng, hộ lý ở nước ngoài: Lương cao, áp lực cao

Tạ Nguyệt Thứ bảy, ngày 12/10/2019 05:16 AM (GMT+7)
Lương cao, công việc ổn định lại có cơ hội được định cư lâu dài ở nước sở tại là những gì ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý được tư vấn. Thế nhưng, tất cả công việc của họ không chỉ có màu hồng như giới thiệu.
Bình luận 0

Stress vì vất vả

Để được đi làm ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý ở Nhật, Đức hay bất cứ một quốc gia nào khác, ứng cử viên của Việt Nam phải trải qua những kỳ sát hạch rất khắt khe. Thêm vào đó, họ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà không phải lao động nào cũng biết trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

img

Lao động Việt Nam làm điều dưỡng tại Nhật Bản, lương cao nhưng công việc không dễ. Ảnh: Nguyệt Tạ

"Hiện tại đã có 48/69 ứng viên điều dưỡng, 89/95 ứng viên hộ lý Việt Nam thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật, chiếm tỷ lệ cao nhất trong 3 nước có lao động phái cử sang làm điều dưỡng, hộ lý (cao hơn cả Indonesia và Philippines)”.

Ông Nguyễn Gia Liêm

Nguyễn Thị B - một điều dưỡng viên 29 tuổi, quê tại Thái Bình đã đi làm việc tại Nhật Bản được 2 năm. Sau khi trúng tuyển khóa làm điều dưỡng tại Nhật Bản, cô được nhận vào đào tạo tiếng Nhật hơn 1 năm tại Việt Nam. B cho biết, với một học sinh có hoàn cảnh khó khăn như cô, việc trúng tuyển khóa tuyển điều dưỡng đi làm việc ở Nhật Bản là cơ hội “đổi đời” rất lớn.

Hiện tại B cùng 7 lao động khác người Việt Nam đang làm việc tại viện dưỡng lão ở Miyakonojo-shi (Miyazaki, Nhật Bản). Công việc của B là chăm sóc người già, hỗ trợ điều dưỡng chính chăm sóc, cho bệnh nhân uống thuốc. Đôi khi B còn phải phụ cả việc lau dọn vệ sinh, ăn uống của bệnh nhân ở viện dưỡng lão.

“Hoàn cảnh sống có sự khác biệt cộng với sự bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, lại thường xuyên làm việc trong một môi trường kín, với những người già có lúc đã khiến tôi bị stress. Một số bạn bè của tôi không chịu được áp lực muốn cắt ngang chương trình nhưng không được. Cũng may sau đó, tôi được sự hỗ trợ từ những lao động đi trước và người Việt sinh sống ở khu vực nên có động lực” - B nói.

Hiện B đang cố gắng nâng cao trình độ tiếng Nhật để tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản trong ngành điều dưỡng, hộ lý. Nếu đỗ, B có thể làm việc lâu dài tại Nhật và nhận mức lương lên tới 60-70 triệu đồng/tháng.

Đòi hỏi khắt khe chuyên môn và ngoại ngữ

Theo ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục Trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), lương cao và chế độ đãi ngộ tốt là đặc điểm của đơn hàng điều dưỡng. Với các đơn hàng đi Nhật Bản, làm việc thông thường mức lương rơi vào khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng, tuy nhiên mức lương thực nhận sau khi đã trừ các khoản chi phí chỉ còn khoảng 20 triệu đồng chưa bao gồm làm thêm. Rõ ràng mức lương này cao hơn hẳn với mức lương lao động được trả khi làm các công việc khác. Một điểm nổi bật so là thực tập sinh đơn hàng điều dưỡng nếu làm tốt có thể được ở lại Nhật tiếp tục làm việc sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh. Mặc dù lương cao và chế độ tốt, sau một khoảng thời gian, không ít lao động phàn nàn về công việc và không ít lao động đã bỏ trốn ra ngoài trở thành lao động bất hợp pháp. Nguyên nhân được chỉ ra là do công việc áp lực, môi trường làm việc khu biệt, thường xuyên tiếp xúc với người già, người bệnh…

Ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động LOD cho biết, cung ứng điều dưỡng hộ lý thực ra là lĩnh vực không mới với Việt Nam, thế nhưng, so với các đơn hàng trước đây, các đơn hàng cung ứng điều dưỡng đi làm việc ở Nhật hay Đức lại đòi hỏi rất khắt khe về cả trình độ, kỹ năng nghề và cả ngoại ngữ.

“Do nhu cầu già hóa của một số quốc gia như Nhật Bản, Đức… mà nhu cầu tuyển điều dưỡng đi làm việc ở các thị trường này cũng nhiều lên. Đây chính là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh XKLĐ có tay nghề, có kỹ năng” - ông Tân nói.

Tuy nhìn nhận thấy nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng nhiều, nhưng không phải lúc nào Việt Nam cũng đáp ứng được nhu cầu của đối tác. Nguyên nhân là bởi, lao động Việt Nam còn gặp hạn chế về chuyên môn, kỹ năng mềm, ngôn ngữ.

Bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, hầu hết lao động ứng cử viên điều dưỡng của Việt Nam dù đang học hay đã đi làm khi sang nước bạn làm việc đều được đào tạo lại từ đầu. “Đa phần đều sang làm công việc hỗ trợ điều dưỡng, hộ lý chính ở nước sở tại. Chỉ khi thi đạt chứng chỉ nghề của phía bạn thì các ứng cử viên mới được hành nghề như một điều dưỡng hộ lý chính và nhận mức lương, quyền lợi như lao động bản địa” - bà Hà nói.

Sau thời gian 7 năm triển khai, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý sang làm việc tại Nhật đã tuyển chọn được 1.440 ứng viên đưa vào đào tạo tiếng Nhật, trong đó có 1.109 ứng viên của 6 khóa đầu tiên đủ điều kiện đã được đưa sang Nhật Bản học tập và làm việc. Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam được đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ cũng như tinh thần làm việc tại  các cơ sở tiếp nhận.

“Mặc dù có khá nhiều thuận lợi, nhưng để thích nghi và thành công hơn nữa trong công việc, thì ngoài học tập, trau dồi về chuyên môn, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam cũng cần phải học thêm các kỹ năng mềm khác” - ông Liêm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem