Làm gì khi bị đe doạ đòi nợ dù không vay tiền?

Bạch Dương Thứ ba, ngày 17/05/2022 19:08 PM (GMT+7)
Trong thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều trường hợp dù không vay nợ của tổ chức, cá nhân cho vay hoặc cũng không bảo lãnh cho người khác vay nợ, nhưng lại bị liên tục nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe doạ, gây áp lực để trả khoản nợ vay của người vay nào đó.
Bình luận 0
Làm gì khi bị đe doạ đòi nợ dù không vay tiền? - Ảnh 1.

Một tin nhắn đòi nợ, đe doạ dù không vay tiền. Ảnh: P.V

Chị H.L ở quận 4 bức xúc cho biết, những ngày qua, chị thường xuyên bị các đối tượng xưng danh là người của tổ chức tín dụng cho vay tiền qua app nhắn tin, gọi điện. Họ yêu cầu chị L phải có trách nhiệm với khoản vay của một người bạn. Mặc dù chị L đã giải thích việc vay mượn này không liên quan đến mình, nhưng bên đòi nợ liên tục gọi.

"Có ngày nhận cả trăm cuộc gọi lạ, các cuộc gọi không cố định thời gian, nhiều khi 12h đêm, 1h sáng họ cũng gọi. Quá phiền phức, toi đã chặn các số điện thoại gọi đến đòi nợ, nhưng cứ chặn số này thì có số khác quấy rối, nói mình lừa đảo", chị L bức xúc nói.

Tương tự, anh M.H cũng bị các đối tượng cho vay tiền qua app gọi điện, nhắn tin đòi nợ. 

"Họ nói rằng, đó là khoản nợ của người quen của tôi, nói tôi đồng lõa, chạy nợ… họ gọi bằng nhiều số chặn cũng không được. Tự nhiên bị đòi nợ, làm phiền suốt ngày đêm khiến tôi không có thời gian làm việc, nghỉ ngơi nữa. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để các đối tượng đòi nợ không quấy rối tôi nữa", anh H chia sẻ.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép người cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app).

Khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc thì người cho vay nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ, cho dù không liên quan đến các khoản vay nợ đó, gây phiền hà, quấy rối làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người không có nghĩa vụ trả nợ.

Làm gì khi bị đe doạ đòi nợ dù không vay tiền? - Ảnh 3.

Dù không vay nợ nhưng nhiều người kể cả trẻ emm cũng bị nhắn tin khủng bố tinh thần.

Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm… để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Để được cơ quan chức năng có thẩm quyền can thiệp, bảo vệ và xử lý đối với những trường hợp như trên, các cá nhân bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại về biện pháp nhắc nợ, đòi nợ đối với người không có nghĩa vụ trả nợ.

Đồng thời, các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn kèm chứng cứ tới Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan Công an; Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem