Làng gốm Chăm ở Ninh Thuận bỗng đông bất ngờ sau 1 tháng, ai cũng tò mò xem cách làm gốm đi thụt lùi

Bùi Phụ Thứ tư, ngày 26/07/2023 19:00 PM (GMT+7)
Ngay sau khi tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp", du khách đã tìm về Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước ngày càng đông hơn tận mắt thấy quy trình làm gốm Chăm...
Bình luận 0

Nhộn nhịp làng gốm Bàu Trúc làm ra thứ gốm Chăm nổi tiếng

Một ngày trung tuần tháng 7/2023, PV Dân Việt theo chân đoàn doanh nhân từ TP.HCM đến làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. 

Tại đây, chúng tôi ghi nhận không khí, cuộc sống của bà con ở làng Chăm Bàu Trúc rất nhộn nhịp. Đặc biệt là những ngày cuối tuần có nhiều du khách, doanh nghiệp, tìm đến làng gốm cổ này để hiểu, chọn mẫu và đặt hàng.

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 1.

Đường vào làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Tình nguyện dẫn chúng tôi đi tham quan các hộ làm gốm trong làng Bàu Trúc, là anh Phú Anh Lân - Phó chủ tịch HĐND thị trấn Phước Dân huyện Ninh Phước. Anh Lân là người dân tộc Chăm và cũng am hiểu sâu về nghề làm gốm mỹ nghệ ở Bàu Trúc.

Theo lời anh Phú Anh Lân, kể từ ngày tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ đón bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" đến nay, bà con trong làng ai cũng vui.

Clip: Làng gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nơi làm ra thứ gốm Chăm độc đáo. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường

"Nhà nào cũng lo quét dọn sạch, sơn sửa lại ngôi nhà của mình mới hơn để đón khách từ phương xa đến thăm. Hộ nào làm gốm thì lo trưng bày các sản phẩm đẹp ra mặt tiền để khách lựa chọn. Còn những hộ không làm gốm thì mở quán nước, cà phê, chuẩn bị những món ăn đặc sản để phục vụ theo nhu cầu của du khách…", anh Phú Anh Lân nói.

Hơn 1 tháng trước, PV Dân Việt cũng đến đây và chỉ cách nhau một tháng thôi mà thị trấn Phước Dân đã thay đổi nhiều. Các tuyến đường chính dẫn vào làng gốm Bàu Trúc như khoác trên mình chiếc áo mới, đường phố sạch sẽ, nhiều hàng quán mọc lên. Cảnh buôn bán giữa khách và người bán nhộn nhịp hơn rất nhiều...  

Anh Trần Thanh Hồng, một du khách đến từ TP.HCM cho biết, trước đây anh có xem đài, báo nói nhiều nhưng đây lần đầu tiên anh đến làng gốm Bàu Trúc tham quan. Gia đình anh đã đặt mua một số sản phẩm độc đáo như bình hoa, tượng Phật để đưa về Sài Gòn chưng ở quán cà phê.

"Tôi rất ấn tượng với cách làm gốm đi thụt lùi của các chị người Chăm ở đây. Dụng cụ thô sơ, chủ yếu nặn bằng tay nhưng sản phẩm nào cũng mang đậm chất nghệ thuật...", anh Thanh Hồng cho biết.

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 2.

Chị Đàng Thị Chiều – chủ cơ sở Mỹ Tiên đang trưng bày những sản phẩm gốm Chăm do gia đình làm ra. Ảnh: Bùi Phụ

Một trong những gia đình làm gốm truyền thống nhiều đời là gia đình chị Đàng Thị Chiều – chủ cơ sở Mỹ Tiên. Khi chúng tôi đến, hai mẹ chị Đàng Thị Chiều đang bận rộn với công việc trưng bày những sản phẩm đẹp và mới nhất ra phía mặt tiền.

Dẫn chúng tôi đi giới thiệu những sản phẩm gốm mỹ nghệ do gia đình làm mới ra lò, chị Chiều cho biết, muốn khách hàng ghé thăm, chị phải trưng bày cái đẹp cho khách thấy.

"Con mình xem trên mạng, thấy các chuyên gia hướng dẫn những cách trưng bày sản phẩm sao cho đẹp, bắt mắt du khách nên mình cũng học theo. Nhờ đó mình biết cách trưng bày và thấy đẹp hơn so với lúc trước mình để bề bộn. Khách nhìn vào ấn tượng hơn, hàng bán được nhiều hơn trước đây…", chị Chiều chia sẻ.

Theo lời chị Chiều, du khách bây giờ rất cần những sản phẩm có mẫu mã mới, có tính nghệ thuật cao. Nắm bắt việc này, hai người con và người em trai thứ của chị đã bỏ công đi học điêu khắc mỹ thuật. Nhờ đó mà gia đình chị đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật, những bức tượng đẹp bằng nhiều chủ đề riêng, độc đáo hơn trước nên được du khách ưa chọn.

Riêng đứa con gái đầu lòng của chị Chiều, sau khi học mấy năm ở TP.HCM, hiện đã về nhà phụ giúp chị lên mạng bán và giao hàng cho khách phương xa…

"Sau khi trừ chi phí, tính bình quân, mỗi ngày, mỗi thành viên của gia đình tôi thu nhập trung bình khoảng 300.000đồng/ngày. Với mức này thì gia đình tôi sống được hơn trước đây...", chị Đàng Thị Chiều tâm sự.

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 3.

Chị Đàng Thị Chiều – chủ cơ sở Mỹ Tiên và sản phẩm gốm Chăm mới ra lò. Ảnh: Bùi Phụ

Người phụ nữ Chăm mang gốm Bàu Trúc sang Ma Rốc

Cách đó không xa là nhà nghệ nhân Đàng Thị Tám, một người nổi tiếng nhất làng bởi gia đình bà Tàm đã có hàng mấy trăm năm làm gốm.

Được biết, nghệ nhân Đàng Thị Tám là người phụ nữ dân tộc Chăm duy nhất của Đoàn công tác Việt Nam đã có mặt tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO diễn ra tại Rabat, thủ đô của Vương quốc Ma Rốc vào cuối năm 2022.

Tại đây, bà Đàng Thị Tám đã tận tay tặng món quà là gốm Bàu Trúc cho công chúa Ma Rốc và các vị khách quốc tế. Sau đó, bà Tám được vinh dự chứng kiến thời điểm UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp"…

Khi chúng tôi đến thăm nhà, cũng là lúc nghệ nhân Đàng Thị Tám sắp xếp, trưng bày lại các sản phẩm gốm do chính tay bà làm cho du khách tham quan, mua sắm…

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 4.

Nghệ nhân Đàng Thị Tám, người phụ nữ mang gốm Bàu Trúc, một loại gốm Chăm độc đáo sang Ma Rốc. Ảnh: Bùi Phụ

Bà Tám cho biết, năm nay mình đã hơn 70 tuổi và gần chừng ấy năm, cuộc sống của bà đã gắn với những cục đất sét lấy từ ruộng về, rồi nhồi nặn, đốt rơm… tạo thành sản phẩm gốm Bàu Trúc.  

"Mấy mươi năm qua, tôi chưa bao giờ có niềm vui trọn vẹn như bây giờ. Nhất là từ ngày tỉnh Ninh Thuận tổ chức đón bằng của UNESCO. Từ ngày từ Ma Rốc trở về làng Bàu Trúc đến giờ, tôi thường xuyên đi thăm, chia sẻ kinh nghiệm làm gốm mỹ nghệ với bà con trong làng. Lúc nào tôi cũng động viên các chị em nên mạnh dạn và hãy đặt tương lai, hy vọng vào sản phẩm gốm mỹ nghệ do chính tay mình làm ra từ làng Bàu Trúc này thì tương lai sẽ tốt đẹp…", nghệ nhân Đàng Thị Tám tâm sự.

Nghệ nhân Đàng Thị Tám tiết lộ, đất sét được lấy từ đồng ruộng cách làng khoảng 3 cây số. Từ thời con gái, bà Tám được mẹ ruột dạy nghề làm gốm với ước mong giữ nghề truyền thống ông bà, có thu nhập bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm. 

Bà Tám cho biết, sự độc đáo của gốm Bàu Trúc đều nặn bằng tay, xoay bằng chân nhưng mỗi người có một cách chế tác riêng nên mỗi sản phẩm đều mang nét đẹp khác biệt, không sản phẩm nào giống nhau. Bà Tám đã truyền dạy nghề làm gốm cho các con gái là Đàng Thị Như Ý, Đàng Thị Uyên Diễm, Đàng Thị Ngọc Ngà, Đàng Thị Như Bình.

Các con của bà hiện nay đều là những người thợ làm gốm giỏi của làng Bàu Trúc và có cuộc gia đình ấm no, hạnh phúc.

Điều mà nghệ nhân Đàng Thị Tám mơ ước nhất là mong các cơ quan chức năng, Nhà nước, đầu tư làm tuyến đường nhựa hoặc bê tông, để bà con vận chuyển đất sét từ ruộng về nhà cho dễ dàng. Bên cạnh đó là đầu tư, hướng dẫn cho bà con làm nghề gốm, mỗi gia đình có được cái lò nung gốm. 

"Việc này vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa đảm bảo chất lượng gốm nung thành phẩm. Bởi từ xưa nay, bà con trong làng Bàu Trúc nung gốm bằng rơm khô ngoài trời nên lửa, khói, bụi đã gây nguy hiểm cho bà con…", nghệ nhân Đàng Thị Tám tâm sự.

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 5.

Anh Đàng Công Diên bên một sản phẩm gốm Chăm là tác phẩm tượng nghệ thuật vừa hoàn thành bằng đất sét, chuẩn bị đưa đi nung. Ảnh: Bùi Phụ

Cùng người dân phát triển gốm Bàu Trúc

Chúng tôi đem tâm sự và mơ ước của nghệ nhân Đàng Thị Tám đến gặp ông Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, ông Bạch Văn Nguyên đã ghi nhận và hứa sẽ nghiên cứu phương để giúp bà con làng gốm Bàu Trúc phát triển để có cuộc sống tốt và hạnh phúc hơn.

Cũng theo ông Bạch Văn Nguyên, 1 tháng qua, sau khi Ninh Thuận tổ chức đón bằng của UNESCO… Du khách phương xa về thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đông hơn trước nhiều.

"Hiện tại chúng tôi chưa có thống kê chính thức, nhưng ước tính lượng du và nhiều đoàn doanh nghiệp phương xa tìm về Ninh Phước du lịch và tìm hiểu văn hóa Chăm, sản phẩm gốm Bàu Trúc cao gấp mấy lần so với năm trước. 

Nhằm phục vụ du khách tốt hơn, UBND huyện Ninh Phước đã mở những khóa tập huấn ngắn ngày cho bà con nắm vững kiến thức về an toàn thực phẩm, kỹ năng phục vụ du khách được tốt hơn, thân thiện hơn…", ông Bạch Văn Nguyên nói.

Làng gốm Bàu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận chuyển mình đón khách phương xa - Ảnh 6.

Du khách phương xa tìm đến làng gốm Bàu Trúc ngày càng đông... Ảnh: Thanh Sơn

Người đưa thương hiệu gốm Bàu Trúc-gốm Chăm đi xa

Anh Vạn Văn Phú Đoan là người Chăm, làm nghề giáo viên. Sau 8 năm dạy học, nhưng yêu nghề gốm, năm 2010, anh bỏ nghề giáo về mở cơ sở làm gốm.

Vừa qua, đoàn công tác của UBND tỉnh Ninh Thuận sang Ma Rốc họp, trong hành trang của đoàn còn mang theo có những sản phẩm gốm do chính tay anh Phú Đoan chế tác.

Đầu năm 2023, anh Vạn Quan Phú Đoan thành lập HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ gốm Bàu Trúc do anh làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.

Sau khi đi vào hoạt động, anh đã tăng cường công tác quảng bá sản phẩm đi nước ngoài chào hàng như Ấn Độ và một số nước ở châu Á. Tại quê nhà, anh Phú Đoan tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian của người Chăm để phục vụ khách du lịch...

img

Ảnh: Anh Vạn Quan Phú Đoan - 46 tuổi với 20 năm đi tiên phong trong công tác quảng bá, sản xuất, tìm đầu ra cho gốm Chăm-gốm Bàu Trúc. Ảnh: Thanh Sơn

Mới đây nhất, Diễn đàn "Giao lưu văn hóa và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ" và Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã gửi thư mời anh Vạn Quan Phú Đoan, đầu tháng 8/2023 tới thủ đô New Delhi Ấn Độ để dự lễ biểu dương - Vinh danh: Các Nhà trí thức, Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà hoạt động xã hội, Doanh nghiệp, Doanh nhân tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo anh Phú Đoan, hiện anh đã chuẩn bị đi Ấn Độ và hành trang mang theo chính là những sản phẩm độc đáo từ làng gốm Bàu Trúc.

Anh Phú Đoan tin tưởng và hy vọng những sản phẩm anh mang theo sẽ phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Chăm, nhất là sau khi được UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".

"Hy vọng, qua chuyến đi này, chúng tôi sẽ tạo được sự liên kết, tìm đầu ra rộng lớn cho sản phẩm gốm Bàu Trúc. Việc này sẽ tăng thu nhập cho người thợ, bà con trong làng gốm Bàu Trúc bền vững hơn…", anh Phú Đoan nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem