Làm rõ 2 đối tượng lừa bán lan đột biến giả, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Chi Tuân Thứ năm, ngày 14/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 13/10, Công an huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) thông tin, đơn vị này đã điều tra, xác minh và làm rõ 2 đối tượng có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trên 1,7 tỷ đồng dưới hình thức mua bán lan phi điệp đột biến giả.
Bình luận 0

Theo đó, khoảng tháng 10/2020, anh Đinh Thanh Sang (SN 1984, trú tại khu 11, xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ) quen biết qua Facebook và trao đổi mua bán lan phi điệp với chủ tài khoản Facebook "Hà Giang orchid" giới thiệu tên là Giang, ở Tây Hồ, Hà Nội.

Từ đó đến nay, anh Sang đã nhiều lần giao dịch mua bán lan đột biến như: 5 cánh trắng Hiển Oanh (HO), hồng Yên Thủy, hồng Minh Châu, hồng Á Hậu, Bạch Tuyết với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, tất cả các số lan anh Sang mua đều sai hoa và không đúng như cam kết.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Thuỷ đã tổ chức xác minh, điều tra, làm rõ ổ nhóm trên gồm: Ngụy Thành Trung (SN 2003) và Đinh Thế Anh (SN 2001, đều trú tại thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình). 

Phú Thọ:  Làm rõ 2 đối tượng lừa bán lan đột biến bằng hình thức tinh vi, chiếm đoạt hàng tỷ đồng - Ảnh 1.

Đối tượng Trung và Anh đã khai nhận hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc lừa bán lan phi điệp đột biến. (Ảnh Chi Tuân)

Qua xác minh, CQĐT xác định, từ tháng 10/2020 đến nay, Ngụy Thành Trung tạo lập nhiều tài khoản Facebook ảo để lừa đảo mua bán hoa lan đột biến. Trong đó, có tài khoản "Hà Giang orchid" và số điện thoại sim rác 0386158430 để giao dịch mua bán hoa lan đột biến. 

Trung đã bàn bạc với Đinh Thế Anh, cùng nhau lừa đảo bán hoa lan đột biến.

Để khách hàng tin tưởng, Trung lấy các loại hoa lan phi điệp thường có đặc điểm giống các loại hoa lan đột biến như: 5 cánh trắng HO, hồng Yên Thuỷ, hồng Minh Châu, Á Hậu, Bạch Tuyết... trong vườn lan của nhà Đinh Thế Anh, rồi chụp ảnh, đăng bán trên Facebook, lập sàn giao dịch online để lừa bán cho khách có nhu cầu mua.

Khi khách hỏi về nguồn gốc cây, Trung cho tên các nhà vườn do Trung tự lập ra bằng các tài khoản Facebook ảo để lừa khách mua. 

Đồng thời, Trung tự giới thiệu mình là chủ các vườn lan ở Hà Nội, Lào Cai và không để lộ mặt khi trao đổi mua bán với khách.

Sau khi thỏa thuận giá bán, Trung yêu cầu khách chuyển khoản đặt cọc và tiền mua vào tài khoản của Ngụy Hà Giang (SN 1978, bố đẻ của Trung). 

Sau đó, Trung đến nhà Anh lấy cây, mang cây xuống Hà Nội, thuê lái xe taxi tên Hiếu và giao cho anh Sang.

Sau khi mua được cây, anh Sang lại bán cho người khác để kiếm lời. 

Khi phát hiện sai cây, anh Sang đã liên lạc với Trung. Lúc này, Trung lại đổi cây khác cho anh Sang, nhưng vẫn là loại lan phi điệp thường. Đồng thời, Trung yêu cầu phải trả thêm 5 - 20 triệu đồng mỗi lần vì cây đền sau này có kích thước lớn hơn.

Với thủ đoạn trên, Trung đã nhiều lần lừa đảo anh Sang và chiếm đoạt số tiền trên 1,7 tỷ đồng. 

Ngoài ra, các đối tượng còn thuê người tiêm dung dịch axít vào cây làm cây chết dần. Như vậy, sau khi mua cây, bị hại sẽ không phát hiện được cây giả. 

Tiền chiếm đoạt được của anh Sang, Trung và Anh đã tiêu xài cá nhân, đầu tư tiếp mua hoa lan đột biến để kinh doanh.

Theo đại úy Đỗ Quốc Tuấn - Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an huyện Thanh Thủy, một số chuyên gia cho biết, không thể phát hiện hay phân biệt lan đột biến với lan thường qua các kie (cây con). Mọi kie giống nhau, chỉ khi ra hoa mới biết đó có phải lan đột biến hay không. 

Những kẻ lừa đảo đã lợi dụng đặc điểm này để hứa hẹn với người mua, đồng thời chiếm lòng tin bằng việc xây dựng uy tín giả trên mạng xã hội. 

Hiện Công an huyện Thanh Thủy xác định, với thủ đoạn như trên, ổ nhóm này đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều bị hại trên cả nước. Đồng thời, chuyển vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ để tiến hành xác minh theo thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem