Làm thế nào để có 1 tỷ cây xanh?

Anh Thơ Thứ sáu, ngày 13/11/2020 09:33 AM (GMT+7)
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu trong 5 năm tới phải trồng thêm 1 tỷ cây xanh. Vậy làm thế nào để đạt mục tiêu này?
Bình luận 0

Các chuyên gia cho rằng ngoài việc phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp, mở rộng diện tích cây bản địa... còn cần quan tâm nâng chất lượng rừng.

Rừng trồng tăng, rừng tự nhiên giảm

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV cho thấy, trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm, cả nước trồng được khoảng 230.000ha rừng; góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng cả nước dự kiến đến cuối năm 2020 đạt khoảng 42%, đạt mục tiêu của chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 886/QĐ-TTg.

Làm thế nào để có 1 tỷ cây xanh? - Ảnh 1.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra chất lượng rừng. Ảnh: K.N

Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, độ che phủ gần 42%. Trong diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt.

Đáng chú ý, trong khoảng 230.000ha rừng được trồng mỗi năm, có tới 215.000ha là rừng sản xuất. Như vậy, trong 10 năm cả nước đã tăng thêm được khoảng 2,15 triệu ha rừng để tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Nhờ đó, sản lượng khai thác từ gỗ rừng trồng đã tăng từ 5,16 triệu m3 (năm 2011) lên khoảng 20,5 triệu m3 vào năm 2020. Giá trị xuất khẩu lâm sản cũng tăng gấp gần 3 lần, từ 4,2 tỷ USD năm 2011, ước năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD; đưa Việt Nam đứng thứ 6 thế giới, đứng thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên lại không tăng, thậm chí, ở một số khu vực, diện tích rừng sản xuất tăng mạnh, nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm sâu. Như khu vực Tây Nguyên, theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), năm 2019, diện tích rừng trồng ở Tây Nguyên tăng 18.387ha so với năm 2018, nhưng diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha.

Trong khi đó, trong 5 năm 2016 - 2020, số lượng cây phân tán ngành lâm nghiệp trồng được là 284 triệu cây, bình quân 57 triệu cây/năm.

Thạc sĩ Phạm Đăng Sâm - Trưởng Bộ môn nông lâm kết hợp, Viện nghiên cứu lâm sinh: Khôi phục diện tích các loài cây bản địa

Việc Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới theo tôi hoàn toàn khả thi nếu tính cả cây phân tán, rừng trồng, cây xanh đô thị, cảnh quan… Số lượng 1 tỷ cây này nếu chia bình quân cho 63 tỉnh, thành phố trong 5 năm thì có thể đạt được mục tiêu đề ra, bởi mỗi hecta rừng trồng có thể đạt 1.100 - 1.200 cây, chưa kể cây phân tán, cây xanh đô thị.

Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh số lượng, cần nâng cao chất lượng rừng. Hiện nay, người dân mới chú ý trồng các loại cây lâm nghiệp mọc nhanh như keo bởi thu hoạch nhanh mà chưa chú trọng khôi phục diện tích các loài cây bản địa, là những loài cây phân bố ở Việt Nam như đinh, lim, sến, táu, lát hoa.

Nếu mở rộng diện tích cây bản địa, quy hoạch diện tích trồng keo thì chất lượng rừng sẽ nâng lên. Tuy nhiên, để đảm bảo sinh kế cho người dân trong thời gian cây sinh trưởng, phát triển thì cần phát triển các mô hình nông, lâm kết hợp, quan tâm đến lâm sản ngoài gỗ.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng: Phải nâng chất lượng 35% diện tích rừng nghèo kiệt

V iệc Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới trồng thêm 1 tỷ cây xanh chứng tỏ Chính phủ đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay.

Tuy nhiên, theo tôi, nếu chỉ tiêu trồng rừng mà tính bằng cây thì không hiệu quả, phải tính bằng diện tích và chất lượng rừng. Diện tích rừng có thể không tăng nhưng chất lượng rừng phải tăng lên.

Chất lượng của mỗi loại rừng cũng khác nhau, chất lượng của rừng đặc dụng phải đảm bảo đa dạng sinh học, trong khi chất lượng rừng phòng hộ được đo bằng khả năng phòng hộ của rừng. Chất lượng rừng kinh tế lại được tính bằng khối lượng gỗ và chất lượng gỗ.

Việc Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu cho các ngành chức năng, địa phương nỗ lực phấn đấu rất tốt, nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là phải làm sao nâng cao chất lượng của 35% diện tích rừng nghèo kiệt.

K.N (ghi)

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép; cháy rừng, mất rừng vẫn tiềm ẩn rủi ro.

Công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chủ yếu là các loài cây nhập nội sinh trưởng nhanh, chưa quan tâm đúng mức đến các giống cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.

Quan trọng là nâng cao chất lượng rừng

Đánh giá cao mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là trồng thêm 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, việc trồng thêm 5 tỷ cây xanh rất tốt nhưng quan trọng hơn là làm sao có các giải pháp mạnh để nâng cao chất lượng rừng.

"Rừng tự nhiên giữ nước rất tốt, do hệ thống rễ chằng chịt, mưa bao nhiêu cũng thấm xuống đất, không có hiện tượng chảy tràn thì sẽ không có lũ ống lũ quét. Nếu lượng mưa quá lớn, thì lượng chảy tràn cũng chỉ 20 - 30%. Trong trường hợp không có rừng thì 90% lượng nước chảy tràn trên mặt. Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5-10ha rừng trồng vì, nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét" – ông Lung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, độ che phủ gần 42%. Độ che phủ tiếp tục tăng chủ yếu là do mở rộng diện tích rừng trồng. Tuy nhiên, chất lượng của rừng tự nhiên vẫn giảm. "Theo Bộ NNPTNT, trong diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt" - ông Lập nêu một thực tế.

Chính vì thế, trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu nâng cao chất lượng rừng được đề cao, khi quỹ đất dành cho mở rộng diện tích rừng không còn nhiều.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, vai trò của rừng trong bảo vệ môi trường ngày càng được coi trọng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu một thực tế, nếu như 15 năm trước việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng dễ thì nay được đánh giá rất kỹ, với phương châm thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ không đánh đổi môi trường bằng mọi giá cho phát triển.

Từ thực tế đó, trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị, quan tâm đến nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy triển khai thêm các loại dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn tài chính cho bảo vệ, phát triển rừng; đảm bảo sinh kế của người dân.

"Cần có giải pháp mang tính đột phá để cải thiện cơ sở hạ tầng cho phát triển lâm nghiệp, kể cả hạ tầng cho chế biến, trồng rừng, hướng đến phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Động lực là tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; phải giữ được rừng tự nhiên và làm giàu nó; với diện tích rừng trồng khi không còn dư địa tăng diện tích thì phải có giải pháp về giống, công nghệ để tăng năng suất, chất lượng" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem