Làm việc xa quê - Giải pháp thoát nghèo cho nhiều lao động nông thôn ở Tuần Giáo

Thanh Tùng
19/02/2025 16:21 GMT +7
Những năm qua, nhiều lao động trẻ huyện Tuần Giáo (Điện Biên) rời quê hương để tìm kiếm cơ hội việc làm lương cao tại các khu công nghiệp (KCN) lớn trên cả nước. Đây không chỉ là giải pháp thoát nghèo nhanh chóng mà còn giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Anh Vừ A Páo (23 tuổi, xã Pú Nhung) chia sẻ: “Trước đây làm nương vất vả nhưng thu nhập không đáng kể. Giờ đi làm ở KCN Bắc Ninh, mỗi tháng tôi gửi về cho bố mẹ 8-10 triệu đồng, cuộc sống gia đình cải thiện rõ rệt”.

Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp các công ty trong Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyển dụng lao động tại 10 xã của huyện Tuần Giáo. Ảnh: Quang Hùng

Theo thống kê, lao động Tuần Giáo khi làm việc tại các KCN có mức thu nhập trung bình từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí công việc và tay nghề. Nếu so với việc trồng ngô, lúa trên nương với thu nhập bấp bênh, đây là sự thay đổi đáng kể. Không chỉ giúp cải thiện đời sống cá nhân, nhiều lao động còn có điều kiện sửa sang nhà cửa, đầu tư cho con cái học hành.

Chị Lò Thị Pàng (27 tuổi, xã Quài Cang) cho biết: “Hai vợ chồng tôi làm công nhân ở Bình Dương, mỗi tháng tiết kiệm được khoảng 15 triệu đồng. Nhờ đó, sau 5 năm làm việc, chúng tôi đã có tiền xây nhà và gửi về quê cho bố mẹ đầu tư chăn nuôi”.

Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, kiên cố được xây dựng với thiết kế hiện đại, anh Lường Văn Diên và chị Lò Thị Thân, bản Kép, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) không giấu được niềm vui. Anh Diên chia sẻ: Sau gần chục năm đi làm, người đi xây còn người đi phụ, vợ chồng tôi đã có tiền xây được ngôi nhà bao năm mơ ước. Trước đây gia đình khó khăn lắm, là hộ nghèo của bản. Gia đình 4 người, kinh tế chỉ phụ thuộc vào 500m2 ruộng và ngày công tôi đi làm thợ xây theo thời vụ, thu nhập thấp, bấp bênh. Trong suy nghĩ, khi mình không có đất sản xuất và vốn cũng không biết làm gì để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Năm 2009, vợ chồng tôi bàn nhau rồi quyết định đi làm thuê cho doanh nghiệp xây dựng ở TP. Hải Phòng.

Gia đình bà Lò Thị Thảo, bản Vánh III, xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) rất vui khi con gái đi làm công nhân đã gửi được tiền cùng gia đình làm được nhà và mở quán tạp hóa. Ảnh: Quang Hùng

Xa quê, anh Diên đi làm thợ xây, còn chị Thân đi làm phụ hồ. Hai vợ chồng làm cùng một chỗ nên cũng đỡ được phần đi lại và ăn uống hàng ngày. Vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, đến nay cuộc sống của gia đình anh chị đã ổn định hơn, trừ tiền gửi nuôi các con hàng tháng, anh chị cũng để ra được hơn 100 triệu đồng/năm. Theo anh Diên nếu còn ở nhà, đi làm theo thời vụ, có việc thì làm, hết việc thì nghỉ, có lẽ hết đời cũng không xây được nhà.

Chiềng Sinh là một trong những xã được huyện Tuần Giáo đánh giá làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong những năm qua. Đi làm tại các doanh nghiệp lẻ hay khu công nghiệp lớn trong nước hiện đang là hướng đi mới của nhiều thanh niên thuộc các xã vùng cao. Ông Lò Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh cho biết: Hiện nay, các cháu sau khi đã học xong THPT, không có nhu cầu học cao hơn đã xin gia đình đi theo anh, chị hay các cô chú trong bản xuống các công ty để tìm việc làm. Do vậy công tác tư vấn, giới thiệu người dân đi làm việc ở các doanh nghiệp, công ty uy tín đang là một trong những giải pháp được chính quyền xã đặc biệt quan tâm.

Bình quân mỗi năm trên địa bàn xã Chiềng Sinh có 1.800 người trong độ tuổi từ 18 - 35 đi làm công nhân tại các khu công nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng...Với mới thu nhập bình quân từ 8 – 15 triệu đồng/tháng. Từ những đồng lương tích góp gửi về cho gia đình, nhiều hộ xây được nhà, mua được xe, các đồ dùng trong nhà và nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống, góp phần thay đổi diện mạo của xã vùng cao.

Diện mạo nông thôn xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) thay đổi diện mạo với những ngôi nhà tầng hiện đại. Ảnh: Quang Hùng

Dù mang lại thu nhập cao, việc rời quê đi làm xa cũng đặt ra nhiều thách thức. Một số lao động chưa quen với môi trường làm việc công nghiệp, phải thích nghi với cường độ lao động cao. Ngoài ra, xa gia đình cũng là một rào cản tâm lý lớn với nhiều người, đặc biệt là các lao động nữ có con nhỏ.

Để hỗ trợ người lao động, huyện Tuần Giáo đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Điện Biên tổ chức các chương trình tư vấn nghề nghiệp, giúp bà con tiếp cận thông tin về việc làm tại các KCN. Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích người lao động học thêm các kỹ năng nghề để nâng cao thu nhập khi làm việc xa nhà.

Dù xu hướng lao động dịch chuyển ra ngoài tỉnh đang gia tăng, huyện Tuần Giáo vẫn định hướng phát triển các mô hình sản xuất tại chỗ, nhằm tạo công ăn việc làm tại địa phương. Một số lao động sau khi tích lũy vốn và kinh nghiệm từ các KCN đã quay trở về quê hương khởi nghiệp, mở cửa hàng, đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất.