Lãnh đạo các ngân hàng nói về động thái giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quyết định giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND kể từ ngày hôm nay 19/11.
Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Như vậy, tổng cộng, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh trần lãi suất huy động 10 lần từ cuối năm 2011 đến nay. Trong đó, 8 lần giảm lãi suất được thực hiện trong 4 năm đầu. Phải sau hơn 4 năm, từ 29/10/2014. Ngân hàng Nhà nước mới có lần giảm lãi suất tiếp theo vừa qua. Lãi suất tối đa áp dụng với kỳ hạn dưới 1 tháng sau 8 năm giảm 8 lần, còn 0,8%/năm.
Cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động, NHNN cũng ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Trước và sau quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1 - 0,5%/năm.
Song song với đó, Vietcombank và MSB là hai ngân hàng đi đầu công bố hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp trong những ngày cuối năm. Trong đó, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2019.
Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị Tài chính và Nguồn vốn SCB cho biết, xét ở góc độ vĩ mô, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho động thái hạ lãi suất.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018), chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%.
Về thanh khoản hệ thống ngân hàng, trạng thái dồi dào là điểm nổi bật trong tháng 10. Lãi suất liên ngân hàng có nhiều thời điểm thấp hơn lãi suất tín phiếu và giảm sâu dưới ngưỡng 2%/năm.
Lý giải thêm về việc thanh khoản có sự dư thừa trong thời gian qua, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết, thời gian qua Việt Nam có cán cân thanh toán thặng dư lớn (xuất siêu, vốn FDI giải ngân tăng, vốn góp mua cổ phần tăng). Cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm khiến nguồn tiền của Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thương mại vẫn duy trì số dư lớn.
"Giai đoạn cuối năm, SCB đã dự phòng thanh khoản đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nên việc giảm lãi suất sẽ được chấp hành thực hiện từng bước. Tôi cho rằng, quý I/2020 lãi suất sẽ còn giảm hơn nữa", vị lãnh đạo SCB thừa nhận.
Về lãi suất cho vay, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, khi báo cáo trước Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đến 2020 sẽ phấn đấu giảm 0,5% lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Tiếp nhận tinh thần này, sau khi báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng quản trị Vietcombank đã họp và quyết định giảm 0,5% lãi suất đối với tất cả doanh nghiệp có quan hệ tiền vay tại ngân hàng, bao gồm cả vay ngắn hạn đến trung dài hạn, mặc dù phải đến 2020 mới phải thực hiện chủ trương đó.
Đây là đợt giảm diện rộng nhất từ trước tới nay; bởi trước đó, Vietcombank chỉ ưu tiên giảm với doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ cao, các lĩnh vực ưu tiên khác theo định hướng của Chính phủ.
Ông Thành cho biết thêm, việc cắt giảm này ngân hàng sẽ bị thiệt 250 tỷ đồng trong 2 tháng và nếu tính cả năm 2019 xét với toàn bộ số doanh nghiệp vay trong diện ưu tiên, ngân hàng thiệt trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng không ảnh hưởng tới mục tiêu lợi nhuận của Vietcombank trong năm 2019.
Cũng theo Chủ tịch Vietcombank, nhà băng này hiện tại chỉ hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước và chưa có kế hoạch cắt giảm lãi suất cho vay với cá nhân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngay trong sáng nay OCB sẽ triển khai các chỉ đạo của NHNN về điều chỉnh giảm lãi suất. Theo ông Tùng, việc điều chỉnh giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay là rất phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong hơn một tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020.
Hay như tại 1 "ông lớn" khác là Vietinbank, lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định, VietinBank luôn nghiêm túc thực hiện trách nhiệm chia sẻ với nền kinh tế và doanh nghiệp nên luôn luôn duy trì mặt bằng lãi suất có thể nói là thấp nhất.
Theo đó, ngày từ đầu giờ chiều nay 19/11, Vietinbank thông báo điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đây là lần giảm lãi suất cho vay thứ 2 liên tiếp của VietinBank nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp nhất.
Theo đại diện ngân hàng này, để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, từ đầu năm 2019 đến nay, VietinBank đã chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, quản trị chi phí hoạt động, triển khai đồng loạt các chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay.
Cùng với việc giảm lãi suất, VietinBank khẳng định sẽ đáp ứng đầy đủ vốn cho các khách hàng có dự án khả thi, hiệu quả đối với kinh tế, xã hội đất nước.