Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước trước làn sóng giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi thông tin về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng Đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là TCTD); lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo NHNN, từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thanh khoản của TCTD được đảm bảo và có dư thừa, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.
Cùng với các giải pháp, chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế quý III/2019 đạt 7,31%, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu 4% đề ra từ đầu năm (so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2019 tăng 2,24%, bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,48%).
Theo NHNN, với những điều kiện thuận lợi của kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 11 năm 2019. Động thái này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Trần lãi suất huy động ngắn hạn giảm 0,5%/năm
Về lãi suất huy động, NHNN ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Theo quan sát, sáng 18/11, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động tiền gửi. Trong đó, lãi suất giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Đơn cử như tại VietinBank, lãi suất cao nhất hiện nay chỉ còn 6,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất này áp dụng cho các kỳ hạn từ 24 tháng đến trên 36 tháng.
TPBank cũng thay đổi lãi suất huy động ngay trong sáng (18/11), mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của ngân hàng này từ 8,6%/năm xuống còn 7,6%/năm.
Cụ thể, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cao nhất hiện chỉ còn 7,6%/năm. Trong khi trước đó, ở kỳ hạn này, TPBank áp dụng lãi suất lên tới 8,6%/năm cho khách hàng gửi từ 100 tỷ trở lên. Các kỳ hạn khác cũng trong xu hướng giảm, mức điều chỉnh từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Trong khi đó, cuối tuần trước, VPBank cũng đã công bố biểu lãi suất mới, giảm mạnh ở hàng loạt kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy của nhà băng này chỉ còn 7,6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất cao nhất này áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng, 36 tháng, khi gửi từ 5 tỷ trở lên.
Ngoài ra, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 6,95%-7,15%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 7,1%/năm.
Thực tế cũng cho thấy, sau cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động và bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi", từ đầu tháng 11 cho đến nay, đã xuất hiện một vài ngân hàng chủ động giảm 0,1 – 0,2 điểm phần trăm lãi suất huy động.
Đặc biệt, không chỉ các ngân hàng tư nhân, hai ngân hàng thương mại Nhà nước là BIDV và Vietcombank cũng điều chỉnh giảm. Trong đó, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng của BIDV giảm từ 4,5%/năm xuống còn 4,3%/năm; lãi suất tại 2 kỳ hạn này ở Vietcombank đều giảm còn 4,5%/năm.
Giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm
Cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động, NHNN cũng ban hành Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.
Cũng trong ngày 18, trước thời điểm Quyết định giảm lãi suất cho vay của NHNN có hiệu lực, "ông lớn" Vietcombank đã "bắn phát súng" đầu tiên về việc giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm đối với các khoản vay hiện hữu bằng VND của doanh nghiệp.
Cụ thể: Đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên của các doanh nghiệp, lãi suất giảm xuống mức tối đa là 5,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn hiện hữu, đưa lãi suất về mức thấp hơn 1,5%/năm so với qui định của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đây là lần giảm thứ 3 trong năm 2019, Vietcombank giảm lãi suất đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Đối với các khoản vay thông thường của các doanh nghiệp, Vietcombank giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2019.
Còn MSB thì đã giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi… nông nghiệp.
Trước đó vào hồi đầu tháng 8/2019, Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cũng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ thị trường, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế... Theo đó, giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm.