Lao động Hàn Quốc về nước khó tìm việc làm

Nguyệt Tạ Thứ bảy, ngày 21/07/2018 06:20 AM (GMT+7)
Lương trong nước thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động về nước chưa tìm được việc.
Bình luận 0

Loay hoay tìm việc

Anh Nguyễn Văn Minh, 36 tuổi (Nam Định) từng làm việc tại Hàn Quốc là 6 năm, 8 tháng. Mặc dù chưa hết hợp đồng lao động, nhưng anh Minh vẫn xin về nước trước hạn vì suy nghĩ “tuổi cao, về sớm còn ổn định công việc và gia đình”. Tuy đã về nước được hơn 1 năm và thử tìm việc qua nhiều kênh nhưng tới nay anh Minh vẫn chưa tìm được việc làm như ý.

img

Lao động Hàn Quốc về nước đang tìm kiếm cơ hội việc làm trong phiên giao dịch.   Ảnh: M.N

"Trong 128 DN tuyển dụng trong phiên giao dịch có 17 DN Hàn Quốc và 9 DN Nhật Bản. Nhu cầu tuyển dụng lao động trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 40%); lao động cao đẳng, đại học là gần 30%, lao động phổ thông chiếm hơn 31%. Trong hơn 2.500 chỉ tiêu có 54% vị trí yêu cầu trong nhóm tuổi 26-35. Mức lương trung bình từ 7-20 triệu đồng/tháng”.

Báo cáo Trung tâm
Dịch vụ việc làm Hà Nội 

“Tôi mong muốn tìm kiếm một công việc phù hợp với khả năng của mình, có thể là phiên dịch, hoặc có thể làm chuyên ngành ôtô như trước đây tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm kiếm được” – anh Minh nói.

Theo anh Minh trước đây, công việc bên Hàn cho anh thu nhập rất cao, trung bình mỗi tháng cũng được 40-60 triệu đồng. Về Việt Nam, anh đã tham gia vài phiên giới thiệu việc làm cho lao động EPS (lao động giá rẻ đi làm việc ở Hàn Quốc) về nước nhưng tới nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp.

“Lương các công ty Việt Nam trả rất thấp chỉ từ 7-15 triệu, cộng thêm vào đó là công việc có tính áp lực cao lại làm ở xa trung tâm. Chế độ phúc lợi chưa tốt, thêm vào đó, công việc này không phù hợp lắm với chuyên môn hoặc mong muốn của cá nhân tôi nên tôi chưa đi làm” – anh Minh nói.

Không giống anh Minh, anh Lê Tuấn Anh (Nam Định) vừa mới trở về nước hôm 18.7 nhưng ngay khi nghe có thông tin trên mạng về việc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội tổ chức phiên giao dịch giới thiệu việc làm, anh đã tới ngay để tham gia. “Mình rất mong muốn có một công việc tại quê nhà, dù biết lương thấp, chế độ phúc lợi không cao bằng ở Hàn Quốc, nhưng ở đây mình có vợ con, có gia đình” – anh Tuấn Anh nói.

Trong phiên giao dịch này anh Tuấn Anh đã tìm được một công việc phiên dịch viên tại một công ty của Hàn Quốc ở thành phố Nam Định.

Tạo mọi điều kiện để lao động ứng tuyển

Nhằm hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động từ Hàn Quốc và Nhật Bản về nước tìm việc làm, ngày 19.7, Sở LĐTBXH Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước, đã tổ chức Hội chợ việc làm dành cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực tập sinh IM Japan về nước.

Hơn 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia tuyển dụng với hơn 1.000 vị trí công việc, ngành nghề đa dạng cùng mức lương hấp dẫn, phù hợp với đối lượng lao động đã từng làm việc tại hai quốc gia này. Theo lãnh đạo Sở LĐTBXH Hà Nội phiên giao dịch là cơ sở để giúp người lao động tìm được việc làm, thu nhập để ổn định sau khi về nước và cũng giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản tại Việt Nam tuyển dụng được nhân viên phù hợp. Đây cũng là cách để động viên, khuyến khích người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản yên tâm về nước đúng hạn của hợp đồng, góp phần làm giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, phiên giao dịch còn giúp kết nối với doanh nghiệp, người lao động của các trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hòa Bình và Bình Dương. Nhiều vị trí việc làm tốt cho người lao động như phiên dịch, quản lý sản xuất, nhân viên IT, nhân viên kỹ thuật, nhân viên quản lý chất lượng, quản lý CNC, công nhân sản xuất, điện-điện tử… với mức lương hấp dẫn.

Cũng theo ông Thành hiện nay việc khan hiếm lao động đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Điều này tạo cơ hội cho người lao động đặc biệt là lao động trở về từ Hàn Quốc, Nhật Bản có tay nghề sản xuất, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và có tính kỷ luật trong công việc cao, tìm kiếm được công việc phù hợp.

Bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, hiện nay, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu gia tăng trở lại với tỷ lệ 40%. Còn tại Nhật Bản, tỷ lệ lao động bỏ trốn là 4%. Hội chợ việc làm được tổ chức góp phần động viên khuyến khích người lao động yên tâm về nước đúng quy định khi hết hạn hợp đồng lao động, góp phần giảm tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Trước mắt chúng tôi thực hiện công tác tuyên truyền vận động. Ở ngoài nước thì trực tiếp với người đang làm việc, trong nước sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền tới thân nhân người lao động, động viên người lao động tuân thủ hợp đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp đã đưa ra như ký quỹ, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ để có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả xử phạt hành chính”- bà Lan nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem