Lập đỉnh hơn 1.350 F0/ngày: Hà Nội có phong tỏa diện rộng?

Hoàng Thành - Sông Bùi Thứ năm, ngày 16/12/2021 09:37 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 ở Hà Nội đang có diễn biến xấu, với số ca Covid-19 tăng mạnh mỗi ngày, thậm chí đã vượt mức 1.350 F0.
Bình luận 0

Theo công bố mới nhất của Hà Nội, tính từ 18 giờ ngày 14/12 đến 18 giờ ngày 15/12, Hà Nội ghi nhận kỷ lục 1.357 trường hợp mắc Covid-19 (bệnh nhân F0), trong đó, số F0 tại cộng đồng là 611 bệnh nhân, trong khu cách ly là 609 bệnh nhân, còn lại khu phong tỏa (137).

Lập đỉnh hơn 1.350 F0/ngày: Hà Nội có phong tỏa diện rộng? - Ảnh 1.

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng cao trong vòng hơn 1 tháng qua, đặc biệt là những ngày gần đây. Ảnh: Số liệu thống kê của CDC Hà Nội.

Tình hình dịch vẫn trong tầm kiểm soát, không phong tỏa diện rộng

Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (15/12), Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng số F0 mới phát sinh bình quân một tuần gần đây đã tăng lên hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày trong một tuần trước đó. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Ông Dũng nhấn mạnh, do tình hình dịch Covid-19 chuyển biến xấu, nên các địa phương chưa tổ chức đi học cho học sinh chưa được tiêm vaccine.

"Hiện tại, thành phố cũng chưa có phương án phong tỏa diện rộng vì tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát, đặc biệt là khi mức độ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 đủ 2 mũi đã khá cao", ông Dũng nói và yêu cầu các quận, huyện, thị xã sẽ thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể.

Lập đỉnh hơn 1.350 F0/ngày: Hà Nội có phong tỏa diện rộng? - Ảnh 2.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống Covid-19 tại địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Viết Thành.

Thành bại chống dịch ở y tế cơ sở và ý thức người dân...

Đáng chú ý, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội yêu cầu từng quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo đánh giá và xác định nhu cầu bố trí các trạm y tế lưu động theo số dân và từng cấp độ dịch.

"Ví dụ như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với số dân lên tới 90.000 người mà chỉ có 1 trạm y tế phường thì có thể phải tính toán sẵn sàng bố trí thêm nhiều trạm y tế lưu động khi cần thiết.

Ngành y tế phải có hướng dẫn về chuyên môn, nhất là trang thiết bị và con người cho các trạm y tế. Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh", ông Dũng nói.

Bí thư Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo toàn diện việc tổ chức phương án bố trí trạm y tế lưu động, tăng cường năng lực y tế cơ sở đáp ứng các cấp độ dịch, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Trao đổi thêm về vấn đề này với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục sẽ tăng số ca mắc Covid-19 nhưng đến thời điểm này Hà Nội vẫn đang kiểm soát được.

Lập đỉnh hơn 1.350 F0/ngày: Hà Nội có phong tỏa diện rộng? - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: NVCC.

Về vấn đề phong tỏa diện rộng, ông Phu cho rằng, hiện nay, chúng ta không thực hiện giãn cách diện rộng nữa, thay vào đó là phải phong toả ổ dịch, xem nguy cơ đến đâu thì phong toả đến đó.

"Phong toả có khi chỉ cần một vài nhà vì tôi vẫn nói rằng "virus không bay được từ nhà nọ sang nhà kia"", ông Phu nói và nhận định, hiện, chúng ta cũng đã có tỉ lệ tiêm vaccine cao và nới lỏng để phục hồi kinh tế thì không nên phong toả rộng mà nguy cơ đến đâu phong toả đến đó, hạn chế mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra.

Bày tỏ sự quan ngại nếu như Hà Nội không có các biện pháp nhằm hạn chế việc số ca Covid-19 tăng mỗi ngày, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích: Nếu số lượng bệnh nhân F0 tăng nhanh, số lượng lớn thì sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận với cơ sở y tế, hay với cán bộ y tế dẫn đến có thể bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn lúc đó sẽ phải đến bệnh viện và gây ra tình trạng quá tải gây nên tình trạng tử vong.

Bên cạnh đó, số lượng F0 tăng cao thì trong đó sẽ có những ca có triệu chứng, hay có những ca phức tạp nên Hà Nội không được để ca mắc cao quá mức, như thế y tế sẽ không kiểm soát được, đặc biệt là y tế cơ sở. 

Theo đó, để hệ thống y tế Hà Nội không rơi vào tình trạng quá tải, không phải chỉ có ngành y tế mà quan trọng là giải pháp phòng bệnh. Ông Phu nêu rõ: "Nới lỏng không phải thả lỏng", phải tuân thủ thực hiện 5K, thực hiện hoạt động thiết yếu nhưng phải có điều kiện kiểm soát, không tập trung đông người nhất là ở những nơi có nguy cơ như: Hội nghị, đám cưới, đám tang, ăn uống, siêu thị, chợ búa,tiếp xúc khi đi lại… người dân càng cần phải cẩn trọng hơn vì trong cộng đồng hiện có nhiều F0.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tăng cường truyền thông, kiểm tra giám sát, tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường về nhân viên, tập huấn cho họ và bố trí trang thiết bị như ô xy, xe cấp cứu…

Tất cả phải được trang bị sẵn sàng để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra như thể Delta đang bùng phát cũng như có thể là giờ đây biến chủng Omicron đang cho là có thể có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với biến thể Delta.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem