Lấp sông làm công viên trái cây: Xã cù lao như “ngồi trên đống lửa”

Trần Đáng Thứ năm, ngày 02/11/2017 07:00 AM (GMT+7)
Mặc dù chủ đầu tư dự án lấp sông làm công viên trái cây cho rằng việc triển khai dự án không tác động đến môi trường, nhưng lãnh đạo xã cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) - địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án cho rằng, cù lao Tân Phong như “ngồi trên đống lửa”.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Bình - Phó chủ tịch UBND xã Tân Phong - bức xúc, trong quá trình hình thành dự án, không đơn vị nào liên hệ với lãnh đạo xã để tham khảo ý kiến địa phương có nên triển khai dự án lấp sông hay không. 

img

Bến đò du lịch thị trấn Cái Bè - nơi sẽ triển khai lấp sông để xây dựng công viên trái cây. Ảnh: Trần Đáng

Việc ông Bình bức xúc là có lý do. Hiện, người dân cù lao Tân Phong, nhất là khu dân cư đối diện với khu vực lấp sông của thị trấn Cái Bé, đang rất hoang mang.

Bà Nguyễn Thị Quế Hân (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) lo lắng: “Đã có những dấu hiệu cho thấy dòng nước đang đạp thẳng vào cù lao Tân Phong, nhất là khu vực đối diện nơi lấp sông của huyện Cái Bè như: lục bình, xác súc vật… đổ thẳng qua bờ sông cù lao Tân Phong, việc này trước nay không có".

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - cán bộ tư pháp xã Tân Phong, không khéo xã phải di dời cả trăm hộ tại khu vực đối diện khu vực lấp sông trước sự uy hiếp của sạt lở.

Xã Tân Phong lâu nay hứng chịu tác động của dòng chảy. Một cù lao rộng hơn 1ha cạnh cù lao Tân Phong, từng tồn tại Công ty thủy sản Tiền Giang đang dần dần biến mất trước tình trạng sạt lở và nước dâng.

img

Cù lao từng có Công ty thủy sản Tiền Giang đóng trụ sở, giờ đang biến mất trước hiện tượng sạt lở và nước dâng.

Trước đó, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) từng lấp sông mở rộng diện tích cho 2 xã Bình Hòa Phước và Đồng Phú. Hậu quả, nước từ sông Tiền uốn dòng chảy đổ thẳng vào đầu cù lao Tân Phong khiến nhiều nơi đất đã sạt lở, một số hộ dân phải di dời.

Giờ thị trấn Cái Bè lấp sông làm công viên trái cây, dự án này khi hoàn thành sẽ tạo thành “cùi chỏ” ở ngã ba sông Cái Bè và sông Tiền. Nước từ sông Tiền đổ xuống và từ sông Cái Bè đâm ngang sẽ tạo thành lực chảy đổ thẳng vào cù lao Tân Phong. 

“Lý thuyết là vậy. Chúng tôi đang chờ kết luận của các nhà khoa học, Nhưng trước mắt có thể thấy cù lao sạt lở ngày càng nghiêm trọng”, ông Bình chia sẻ.

Hiện, xã Tân Phong rộng hơn 2.300ha, có hơn 13.000 dân.

Được biết, đây là dự án của huyện Cái Bè do Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gần 10ha tại khu vực tiếp giáp giữa sông Tiền và sông Cái Bè.

Ông Nguyễn Hoàng Thảo - Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Cái Bè - cho biết, khu vực dự án là vùng nước nông, độ sâu mực nước dao động từ 1,278 - 1,294m vào mùa khô, chế độ thủy văn qua vùng dự án khá hiền hòa và không có xoáy, vận tốc dòng chảy dao động từ 0,2 - 0,9m/s.

Kết luận nghiên cứu đánh giá cho thấy, khu vực lân cận công trình ít chịu ảnh hưởng của dòng chảy, mức dao động lớn nhất 0,15m mỗi giây, khu lân cận công trình bồi 0,5 - 0,9m mỗi năm, ở hai đầu công trình bồi 1,2m mỗi năm và hiện tượng xói lở sẽ giảm sau một thời gian.

Trước lo ngại sẽ xảy ra tác động môi trường khu vực lân cận, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT) đã có văn bản gửi Sở TNMT tỉnh Tiền Giang đề nghị kiểm tra, báo cáo trước thông tin có dự án lấn sông ở huyện Cái Bè.

Theo thông tin mới nhất, Bộ TNMT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang về nội dung liên quan đến thông tin phản ánh việc xây dựng công viên trái cây ở huyện Cái Bè. Nội dung công văn nêu rõ: “Để đảm bảo tính khách quan, khoa học và đảm bảo việc tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong việc đầu tư, xây dựng của dự án, Bộ TNMT đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư và các sở, ban, ngành có liên quan tạm dừng thực hiện việc thi công, xây dựng dự án nêu trên”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem