Lát cắt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đi đến đâu?

Phương Hà Thứ bảy, ngày 04/10/2014 07:00 AM (GMT+7)
Các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội thời gian gần đây liên tục đặt câu hỏi: Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là lát cắt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã đi đến đâu và cải tổ được những gì sau nhiều năm “ra ngõ gặp ngân hàng”?
Bình luận 0

Nhiều câu hỏi được đặt ra mà chưa có câu trả lời thỏa đáng hoặc có câu trả lời nhưng lại chưa làm yên lòng người hỏi. Trao đổi với một tờ báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên bình luận khái quát về kết quả của quá trình tái cơ cấu các ngân hàng vừa qua như là việc “ném chuột sợ vỡ bình, nên chỉ đuổi, chứ không diệt”.

Ông Kiên giải thích: “Tình trạng đó là do ta chưa có kinh nghiệm xử lý ngân hàng bị đóng cửa và cũng chưa lường được phản ứng của người gửi tiền với ngân hàng cũng như chưa có phân tích, nghiên cứu kỹ giữa cái giá phải can thiệp bằng biện pháp hành chính để một số tổ chức tín dụng không sụp đổ với cái giá phải trả khi cho nó sụp đổ”.

Vì những lý do đó mà theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, “trước mắt phải chọn cách xử lý đi theo hướng an toàn dù chưa hình dung được các tác động không mong muốn về sau của phương án đang làm”.

Tuy nhiên, nhìn lại kinh nghiệm xử lý khủng hoảng ngân hàng trên thế giới, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng đã đặt câu hỏi “Tại sao Việt Nam phải có 5, 6 ngân hàng quốc doanh? Bởi mỗi ngân hàng được thành lập là để thực hiện một phận sự của nó. Ví dụ như Agribank chỉ thực hiện phận sự cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, Ngân hàng Đầu tư và phát triển có chức năng cho vay trong lĩnh vực đầu tư phát triển… Việc không có tư duy rõ ràng, không có mục đích rõ ràng sẽ dẫn đến các chính sách mù mờ, không rõ cả điểm đi và điểm đến.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra ở Mỹ và nhiều quốc gia khác, phản ánh một thực tế là họ cho vay rất nhiều, rất nhanh và không thực sự có trách nhiệm với danh mục cho vay của mình. Ở Việt Nam, tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng” như lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét đã diễn ra phổ biến nhiều năm trước, cộng với việc quản lý rủi ro không tốt khiến giá trị tài sản của ngân hàng đi xuống.

Không ít ý kiến đã băn khoăn, không phải chỉ đến khi quá trình tái cơ cấu đi được một quãng đường, mà ngay trước đó rất lâu đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: Rằng hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu sẽ như thế nào, số lượng bao nhiêu, theo loại hình nào, đa năng hay chuyên doanh…? Những câu hỏi đó đến thời điểm này vẫn còn chưa thực sự rõ ràng.

Trong khi thực tế đang thể hiện sự mất cân bằng của hệ thống ngân hàng, rất cần “bàn tay” tái cơ cấu khi thành thị đang tập trung hơn 90% số lượng các ngân hàng, còn nông thôn, nơi người dân đang khao khát vốn để làm ăn lại quá khó để tiếp cận ngân hàng, nguồn vốn. Chủ yếu họ chỉ được tiếp cận tín dụng ở các tổ chức quỹ tín dụng địa phương. Rõ ràng đang tồn tại tình trạng có quá nhiều ngân hàng nhưng lại có quá ít các ngân hàng hoạt động hiệu quả, chuyên biệt để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Giai đoạn 1 của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá là cơ bản đã hoàn thành. Giai đoạn 2 sẽ được thông qua trong vài ngày tới. Nhiều người băn khoăn liệu con tàu tái cơ cấu sẽ đi đúng vào đường ray để đến đích - hiệu quả thiết thực cho sự phát triển không những chỉ của hệ thống ngân hàng mà còn của cả nền kinh tế - hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem