Lầu Năm góc đề xuất tuần tra Biển Đông nhiều tháng trước

Phương Đăng (theo Asia Times, Reuters) Thứ năm, ngày 29/10/2015 16:52 PM (GMT+7)
Việc điều khu trục hạm USS Lassen tuần tra Biển Đông thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đầu tuần này của Mỹ vốn được Lầu Năm góc đề xuất nhiều tháng trước. Tuy nhiên, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều lần trì hoãn phê duyệt, khiến Lầu Năm góc thất vọng.
Bình luận 0

img

Khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tham gia tập trận tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 12.3. Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.

Theo Reuters, ngay từ giữa tháng 5, Lầu Năm góc đã đề xuất việc triển khai máy bay quân sự, tàu chiến tới tuần tra xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm khẳng định và củng cố các nguyên tắc tự do hàng hải tại đây.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã đề nghị Mỹ phải có các hành động cụ thể nhằm đáp trả việc Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh tốc độ bồi đắp và xây dựng trái phép trong khu vực.

Đề nghị trên đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nội bộ gay gắt và quyết liệt tại Washington.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều muốn tránh bị hiểu lầm rằng, quyết định tuần tra là để đáp trả những vấn đề khác như cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công mạng, đánh cắp thông tin của 21 triệu quân nhân Mỹ. Bắc Kinh đã phủ nhận có liên quan trong vụ tấn công mạng này.

"Lầu Năm Góc và giới chức quân sự Mỹ sẵn sàng suốt nhiều tháng để triển khai tuần tra, song Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ "nhiều lần trì hoãn. Nhà Trắng quan ngại, việc tuần tra - nếu bị xem là đang phản ứng với một sự kiện nào đó liên quan đến Trung Quốc thì tuyên bố của chúng tôi rằng, đây là vấn đề luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại trên biển sẽ bị suy yếu", một quan chức Mỹ cho biết.

Trong khi đó, theo một quan chức Mỹ khác, lý do chính khiến các cuộc tranh luận nội bộ kéo dài là nhằm đảm bảo mọi biện pháp giúp tránh rủi ro, quân đội Mỹ - Trung Quốc đối đầu trên biển được hoàn tất.

Thái độ cân nhắc cẩn trọng đối với kế hoạch tuần tra Biển Đông của Tổng thống Barack Obama được cho là do ông muốn tránh những rủi ro từ động thái này, đặc biệt là khả năng xung đột quân sự Trung, Mỹ trong khu vực, cũng như tránh các hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế cũng như ngoại giao.

Tổng thống Barack Obama cùng một số quan chức Mỹ đã công khai thông báo về khả năng tuần tra ở Biển Đông là một phần trong chiến thuật "không gây bất ngờ" đối với Trung Quốc, vị quan chức Mỹ cho hay.

img

Chính quyền Obama đã cân nhắc nhiều tháng trước khi quyết định triển khai kế hoạch tuần tra Biển Đông.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama cho biết họ phải trải qua một "quy trình nghiêm ngặt với nhiều cơ quan" để đưa ra các lựa chọn cho tổng thống.

"Mục đích của chúng tôi là đảm bảo đưa ra những quyết định sáng suốt để đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả những vấn đề hàng hải", vị quan chức Mỹ tiết lộ.

Sự thận trọng của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ khiến giới quân sự ở Nhật Bản và Philippines quan ngại, bất an. Nhật Bản và Philippines là hai đồng minh thân cận của Mỹ vốn đang “mất ăn mất ngủ” vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Suốt nhiều tháng, trong khi Washington vẫn còn tranh cãi về kế hoạch tuần tra Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng cứng rắn trong việc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

img

Hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Rappler.

Áp lực phải triển khai kế hoạch tăng lên cao nhất vào một thời điểm nhạy cảm đối với quan hệ Trung – Mỹ: Khi Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị công du tới Washington trong một chuyến thăm chính thức, cấp nhà nước vào tháng 9 sau khi các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy các công trình Bắc Kinh xây dựng trái phép tại Biển Đông có quy mô lớn.

Đến cuối tháng 9, cuối cùng, Nhà Trắng mới phê chuẩn kế hoạch tuần tra, bất chấp tại Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này vừa xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chính quyền Mỹ vốn biết rằng, các cuộc tuần tra đơn độc sẽ không đủ mạnh để ngăn Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép. Tuy nhiên, việc tuần tra sẽ thách thức đáng kể các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.

Sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Lassen đi vào vùng lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một quan chức Mỹ khẳng định với hãng tin AFP rằng, Mỹ sẽ tiếp tục điều thêm tàu chiến tới tuần tra khu vực.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Chúng tôi sẽ di chuyển trên vùng biển quốc tế với thời gian và địa điểm do chúng tôi lựa chọn”, vị quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem