LĐ đi Hàn Quốc ký quỹ 100 triệu: Biện pháp mạnh để chống bỏ trốn

Thứ tư, ngày 28/08/2013 08:50 AM (GMT+7)
Đây được coi là 1 trong 5 giải pháp mạnh nhằm giảm thiểu LĐ bỏ trốn, nối lại thị trường xuất khẩu LĐ Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Bình luận 0
Chính phủ vừa có Quyết định số 1465 về thực hiện thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng đối với người lao động (LĐ) đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo nội dung Quyết định 1465: Nếu LĐ về nước trước thời hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quỹ sẽ được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của LĐ gây ra; nếu còn thừa sẽ được trả lại. Nếu LĐ bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, tiền ký quỹ sẽ không được hoàn trả. Số tiền này sẽ chuyển vào quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố. LĐ nghèo sẽ được vay tiền ký quỹ từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Để có tiền ký quỹ, lao động đi Hàn Quốc làm việc có thể làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (ảnh minh họa).
Để có tiền ký quỹ, lao động đi Hàn Quốc làm việc có thể làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (ảnh minh họa).

Lao động lo lắng

Trước những giải pháp mạnh này, những LĐ có dự định đi làm việc tại Hàn Quốc khá bất ngờ và lo lắng. Trong khi đó, vấn đề được quan tâm nhất là giải pháp này liệu có hiệu quả “phòng bệnh” bỏ trốn cho LĐ? Anh Nguyễn Trung (25 tuổi) ở Đô Lương, Nghệ An đã qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn năm 2012. Hồ sơ của anh đã được đưa lên mạng việc làm của Hàn Quốc để chủ sử dụng LĐ Hàn Quốc lựa chọn. Anh cho biết: “Tháng 8.2012, Hàn Quốc đã dừng việc nhận lao động Việt Nam vì bỏ trốn quá nhiều. Chuyện này khiến tôi rất buồn, mất ăn, mất ngủ vì chi phí bỏ ra đi học, đi thi là khá lớn. Tôi cũng chờ đợi hoạt động này được nối lại để tôi có cơ hội đi XKLĐ”.

Nguyễn Trung cũng cho biết, anh có nghe về quyết định thí điểm ký quỹ 100 triệu đồng đối với người LĐ đi làm việc tại Hàn Quốc. “Theo tôi, quyết định này rất hay. Tôi hiểu khoản tiền ký quỹ nhằm ngăn ngừa tình trạng LĐ phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên, gia đình tôi không khá giả, việc lo được 100 triệu đồng để ký quỹ cũng rất khó khăn”- Trung nói.

Chị Hồ Thị Hiền ở xã Thạch Sơn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng đã có chứng chỉ tiếng Hàn năm 2012, băn khoăn: “Đối với gia đình tôi, số tiền 100 triệu đồng để ký quỹ là quá lớn, chưa kể tiền chi phí đi XKLĐ. Nếu tới đây thị trường LĐ được nối lại mà không kiếm đủ tiền để đi thì tiếc lắm. Tôi rất băn khoăn, không rõ Nhà nước có hỗ trợ cho vay vốn hay không và đối với những hộ cận nghèo như gia đình tôi có được hỗ trợ lãi suất không?”.

Ông Đặng Văn Dũng -Trưởng phòng Việc làm thuộc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho biết: “Giải pháp lao động phải ký quỹ là nỗ lực của phía Việt Nam trong việc tích cực nối lại thị trường XKLĐ sang Hàn Quốc. Một số LĐ lo ngại họ rủi ro mất việc làm, phải về nước trước hạn thì mất tiền ký quỹ, nhưng chúng tôi giải thích theo văn bản là chỉ khi LĐ bỏ trốn mới mất khoản tiền này”. Tuy nhiên, ông Dũng cũng băn khoăn: “Về quản lý tiền ký quỹ hiện vẫn chưa rõ, chẳng hạn tiền ký quỹ đóng cho ai, đối tượng nào thì được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, lãi suất thế nào... Chúng tôi mong có hướng dẫn để cung cấp cho bà con, tránh để người dân hoang mang”.

Quan trọng là hiệu quả

Từ góc độ chuyên gia, ông Vũ Minh Xuyên - Tổng Giám đốc Công ty XKLĐ thương mại và du lịch Sovilaco (thuộc Bộ LĐTBXH), nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (đơn vị chủ trì đưa LĐ đi theo Chương trình EPS) cho biết, trước đây nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã phải áp dụng giải pháp ký quỹ chống trốn. Tuy nhiên, biện pháp này không hẳn đã được các nước tiếp nhận LĐ đồng tình. Nhất là ở Nhật Bản. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải áp dụng để đảm bảo LĐ về nước đúng hạn. Chẳng hạn, LĐ phải đặt cọc sổ tiết kiệm dạng T3, hoặc phải “lách” bằng cách người bảo lãnh phải đứng ra đặt sổ đỏ nhà ở để ràng buộc người thân quay về. Đây là giải pháp cũng có tác dụng nhưng cực chẳng đã phải thực hiện thôi”- ông Xuyên nói.

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, tổng số LĐ Việt Nam đã xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) là 63.271 người. Tuy nhiên, tới cuối năm 2012, khi tỷ lệ LĐ bỏ trốn lên tới 54,7%, phía Hàn Quốc đã tạm dừng nhận LĐ Việt Nam và thông báo chỉ khi Việt Nam giảm tỷ lệ LĐ bỏ trốn xuống dưới 27% thì mới nối lại việc tuyển dụng.


Theo phân tích của ông Xuyên, đơn vị này đang đưa LĐ là kỹ sư trình độ cao ở TP.HCM sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình E7: “LĐ đi 1 năm đã đòi về dù thu nhập của họ lên tới 2,4 triệu won/tháng (2.000 USD/tháng). Chúng tôi vừa phải thanh lý hàng chục hợp đồng như vậy. Ở đây còn có tâm lý vùng miền. Người miền Nam họ không muốn xa nhà, trong khi người dân khu vực miền Trung, họ biết là quay về mà thất nghiệp thì họ không về, dù mất 100 triệu hay 200 triệu đồng. Vì thế, hạn chế LĐ một số tỉnh đi Hàn Quốc và tạo việc làm cho họ khi về nước là giải pháp bền vững hơn”.

Đại diện một số doanh nghiệp XKLĐ khác cũng đồng tình quan điểm của ông Xuyên khi cho rằng, những vùng có đông LĐ đi XKLĐ ở Hàn Quốc đã hình thành được những “cộng đồng nhỏ”, LĐ sang là lôi kéo nhau ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, việc hướng dẫn triển khai còn khá dè dặt. Ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý LĐ ngoài nước cho rằng, với tỷ lệ bỏ trốn còn 46,9%, nếu không có biện pháp mạnh “kéo” LĐ về nước và dự phòng LĐ mới sang bỏ trốn thì nguy cơ mất hẳn thị trường LĐ này là rất lớn. Và như vậy, 12.000 LĐ có chứng chỉ tiếng Hàn từ năm 2012, cũng như hàng trăm ngàn LĐ có nhu cầu sẽ không còn cơ hội xuất cảnh. Về vấn đề ký quỹ thế nào, đơn vị nào sẽ cầm quỹ, ông Hải cho biết liên Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH đang bàn để có giải pháp giữ quỹ hiệu quả: “1-2 tuần nữa mới có hướng dẫn”.

Từ 25.8 tới 28.8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn cán bộ cấp cao của Việt Nam có chuyến công tác tại Hàn Quốc. Một trong những nội dung hoạt động của đoàn là đàm phán với Chính phủ Hàn Quốc về xử lý LĐ Việt Nam hết hạn nhưng không trở về nước, từ đó có kế hoạch nối lại việc đưa LĐ Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội:Nghiệp vụ cho vay không đổi

Quyết định 1465/QĐ-TTg có điều khoản “Người lao động thuộc đối tượng được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để đi làm việc ở nước ngoài có nhu cầu được vay tối đa 100 triệu đồng tại Ngân hàng CSXH để ký quỹ” là chính sách ưu đãi của Nhà nước để giúp người nghèo thoát nghèo nhanh.

Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, việc cho vay đối với những đối tượng được vay vốn Ngân hàng CSXH theo Quyết định 1465 giống như cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đối tượng vay vốn là vợ (chồng), con liệt sĩ; thương binh; vợ (chồng), con thương binh; người hưởng chính sách như thương binh; con Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được hưởng huân, huy chương kháng chiến; con cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8.1945; người lao động thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.

Theo ông Lý, người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn (xóm), ấp, bản, buôn nơi hộ gia đình đang sinh sống; được tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng CSXH gửi UBND cấp xã xác nhận. Việc cho vay của Ngân hàng được thực hiện uỷ thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội theo cơ chế uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách hiện hành của Ngân hàng CSXH.

Anh Trang (ghi)


Lê Huyền - Hữu Anh - Tiến Dũng (Lê Huyền - Hữu Anh - Tiến Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem