Lên Bắc Kạn “mục sở thị” mặt nạ Kadong khiến người xem khóc thét

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 17/01/2020 11:03 AM (GMT+7)
Những mặt nạ quỷ quái, kì dị khiến không ít người yếu bóng vía phải khóc thét; càng kỳ dị, quỷ quái bao nhiêu thì lại càng được đánh giá cao về mặt thẩm mỹ và giá trị tâm linh bấy nhiêu, đó là những mặt nạ Kadong của người Sán Chỉ tại thôn Khau Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).
Bình luận 0

Clip: Những mặt Kadong khiến người yếu bóng vía phải khóc thét ở Bắc Kạn.

Là người có nhiều điều kiện trải nghiệm văn hóa các tộc người tại Bắc Kạn, họa sĩ Phùng Minh Hiệu vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước những mặt nạ Kadong của người Sán Chỉ tại thôn Khau Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Kạn). Sự kỳ quái của những mặt Kadong đã gây ấn tượng mạnh với anh.

img

img

Trích đoạn múa Cầu mùa của người Sán Chỉ tại thôn Khau Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn do họa sĩ Phùng Minh Hiệu chụp lại.

"Công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đã lâu năm, đi về thôn bản nhiều, gặp sự lạ cũng không ít, vậy nhưng tôi thực sự ngỡ ngàng khi chứng kiến một trích đoạn múa Cầu mùa của người Sán Chỉ thôn Khau Đấng, những mặt nạ kì dị trong trích đoạn múa này có sức lôi cuốn đến lạ lùng. Chính vì đó tôi đã tìm hiểu và dựng lại một số mặt Kadong này," anh Hiệu kể.

Theo anh Hiệu, mặt nạ Kadong hiện còn khá nhiều tại thôn Khau Đấng. Vì chưa có thời gian lấy thêm mẫu, trước mắt anh mới chỉ dựng lại 5 phiên bản để gửi cho TS. Bàn Tuấn Năng, phục vụ tại một lễ hội của người Dao sắp tới được tổ chức tại Ba Chẽ (Quảng Ninh).

img

Họa sĩ Phùng Minh Hiệu đang dùng Aclyric để lên màu cho các mặt Kadong.

img

Một mặt nạ đã được họa sĩ Phùng Minh Hiệu hoàn thiện.

Những khuôn mặt Kadong kỳ quái mới được họa sĩ Phùng Minh Hiệu hoàn thiện tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ khiến những người yếu bóng vía phải khóc thét. Những chiếc răng chìa ra xấu xí, những cái miệng ma quái, trạng thái biểu cảm trên các Kadong thực sự mang lại cảm giác hãi hùng. Anh Hiệu bảo, trong bản còn khoảng 21 mẫu nữa nhưng chưa có thời gian để thực hiện.

“Mặt nạ trên bản được người Sán Chỉ làm bằng chất liệu gỗ tốt, không co ngót, cong vênh, chạm khắc khá tinh tế, tuy nhiên về màu sắc, họ chủ yếu dùng giấy bản để dán lên nên nó ít nhiều hạn chế sự biểu cảm khuôn mặt Kadong. Tôi và họa sĩ Nguyễn Duy Nghĩa đã dùng sơn Aclyric để thay thế cho giấy bản nên biểu cảm tốt hơn. Theo người Sán Chỉ nơi đây, làm mặt nạ phải chọn giờ và mang ra sử dụng cũng phải xem giờ, vì nó mang yếu tố tâm linh”, họa sĩ Phùng Minh Hiệu chia sẻ.

img

img

Mặt nạ của người Sán Chỉ tại thôn Khau Đấng còn khá nhiều mẫu và rất cần được bảo tồn.

Tiến sĩ người Dao Bàn Tuấn Năng (Viện Nghiên cứu Văn hóa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), người nghiên cứu sâu về văn hóa Dao cho hay, người Sán Chỉ tự gọi mình là Sán Chỉ Mùn tức Sơn tử nhân – người ở trên núi. Năm 1979 được gọi là Dao Sán Chỉ, hiện nay đang bị gọi nhầm là Sán Chí, gọi Sán Chí là sai dân tộc vì Sán Chí là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (Cao Lan – Sán Chí), thực chất họ là Dao Áo dài.

"Mặt nạ Kadong là di sản độc đáo của nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn. Đặc điểm của mặt nạ này là sự kỳ quái, kinh dị và thường được đeo thực hành trong các nghi lễ như lễ cúng Bàn Vương, lễ Cấp sắc của nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn, thông qua các màn múa tái hiện sinh hoạt, lao động sản xuất từ cày, bừa, gặt hái đến giao hợp giả vờ với các cô gái rồi sinh con, chăm sóc, dạy săn bắn, hái lượm, dạy làm người… và cấp sắc cho đứa trẻ," ông Năng nói.

TS.Bàn Tuấn Năng lý giải, tổ tiên nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn di cư muộn do vậy dễ xảy ra xung đột với các tộc người cư trú trước đó nên họ phải hóa trang thành quỷ dữ, thiên thần… để đấu tranh bảo vệ dòng giống.

“Người thực hành Kadong luôn bận đồ rách rưới và mang theo địu để địu những vật dụng, phản ánh ký ức mang vác đồ gia dụng, lương thực, nhu yếu phẩm của người đàn ông trong quá trình di cư, săn bắt, hái lượm. Do dễ bị tranh cướp nên buộc họ phải mang theo mặt nạ quỷ dữ để dọa nạt và cũng là để tăng thêm sức mạnh”, TS. Bàn Tuấn Năng cho biết thêm.

Ngoài việc để hù dọa đối phương, đuổi tà ma… Kadong còn phản ánh sự tưởng tượng không giới hạn về thế giới hư ảo, thần linh, ma quỷ ở nhóm Dao thuộc phương ngữ Mùn. Theo ông Năng, tại Bắc Kạn, những mặt nạ này vẫn còn nhưng không nhiều, nên rất cần được quan tâm, sưu tầm, bảo tồn làm tư liệu phục vụ nghiên cứu nhằm khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa mà Kadong mang tải.

Ông Hoàng Văn Thanh, trưởng thôn Khau Đấng, nơi họa sĩ Phùng Minh Hiệu lấy mẫu Kadong cho biết, mặt nạ hiện trong thôn vẫn còn nhưng không rõ là bao nhiêu, mặt nạ này thường được sử dụng vào dịp đầy tháng cho trẻ, múa cầu mùa và lễ Cấp sắc… Theo tín niệm văn hóa của người Sán Chỉ ở Khau Đấng, mặt nạ này phải được làm trong 9 tháng mới được mang vào sử dụng. “Mỗi tháng làm một ít thôi, bây giờ người trẻ trong thôn cũng biết làm”, ông Thanh cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem