Lên núi Phượng Hoàng hướng lòng về tiên tổ

Văn Long Thứ tư, ngày 21/04/2021 06:08 AM (GMT+7)
Đền thờ Âu Lạc trên núi Phượng Hoàng ở phường 3, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, là nơi địa phương tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm. Với người dân vùng đất cao nguyên, núi Phượng Hoàng với thế “voi quỳ, hổ phục, long trầu”, là nơi là nơi hội tụ linh khí của trời đất, tổ tông...
Bình luận 0

Nhớ ngày Giỗ Tổ

"Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba". Anh Nguyễn Thọ Phong – Giám đốc Khu du lịch Tea Prenn Waterfall (phường 3, TP.Đà Lạt) đã đọc những dòng này khi dẫn chúng tôi tham quan quần thể Đền thờ Âu Lạc trong khu du lịch. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe Jeep màu xanh nhạt leo lên đỉnh núi một cách chậm rãi trên con đường bê tông quanh co bên sườn núi.

Điểm đầu tiên mà chúng tôi được anh Phong giới thiệu là Công viên Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đây cũng là điểm đầu tiên mà du khách tham quan thường xuyên ghé thăm khi đến tìm hiểu về Đền thờ Âu Lạc. "Điều đặc biệt nhất khi du khách, người dân địa phương đến tham quan công viên là 100 viên đá tượng trưng cho 100 trứng trong truyền thuyết con Rồng cháu Tiên. 100 viên đá này được vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận về sắp xếp tại công viên. Từ công viên này, du khách có thể men theo con đường lát đá lên núi như một lần hành hương lên để chiêm bái đền Thượng" - anh Phong giới thiệu

Giám đốc Khu du lịch thác Prenn cũng cho hay, nhiều đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày hội tâm linh của người dân Việt Nam. Vì thế, cứ ngày 10/3 hàng năm, dù làm gì, ở đâu thì mọi người con đất Việt đều hướng về tổ tiên với lòng thành kính. Người dân Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung cũng vậy, đến ngày Giỗ Tổ cũng đến Đền thờ Âu Lạc thắp nén hương cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và tưởng nhớ 18 vị Vua Hùng đã có công dựng nước, giữ nước.

(gop) Lên núi Phượng Hoàng hướng lòng về tiên tổ  - Ảnh 1.

Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương qua Công viên Lạc Long Quân – Âu Cơ. Ảnh: Văn Long

Dịp 10/3 âm lịch năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức với chủ đề "Chung một cội nguồn" tại Đền thờ Âu Lạc trên núi Phượng Hoàng trong hai ngày (20-21/4/2021).

Quần thể Đền thờ Âu Lạc trên núi Phượng Hoàng gồm có 3 ngôi đền: Đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Đền Thượng là ngôi đền cao nhất với diện tích khoảng 70m2, có phần sân rộng 150m2, là nơi tổ chức phần Lễ Giỗ Tổ hàng năm. Sát mép đền, chếch về bên trái phía dưới ngôi đền là giếng nước Long mạch (giếng sữa mẹ Âu Cơ). Dù ở độ cao 1.250m so với mực nước biển mà giếng nước không bao giờ cạn. Bên trong đền được bài trí rất công phu. Tại gian tế có 3 bệ thờ đều có cửa vọng mô tả cảnh rồng tiên hội tụ với trang trí tinh xảo, sơn son thếp vàng. Phía hậu nội điện là chốn nghiêm cung linh thiêng, treo trên bức hoành phi tạc 3 chữ vàng "Thạch Việt Tổ", ý để nhắc nhở về cội nguồn xa xưa.

Sau khi thắp nén hương tưởng nhớ tổ tiên người Việt, chúng tôi xuống đền Trung theo con đường bê tông dốc đứng, giữa bạt ngàn thông xanh ẩn hiện mái đền cong vút. Công trình này được xây dựng mô phỏng theo ngôi đền thờ các Vua Hùng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ).

Tại khuôn viên của đền Trung, 18 cây đủng đỉnh cao hàng chục mét được trồng phía bên trái đền, tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Với sân đền rộng 300m2, hàng năm Lễ Giỗ Tổ sẽ được rước kiệu qua cầu của hồ Long Mạch, men theo triền đồi qua Công viên Lạc Long Quân – Âu Cơ để hướng lên đền Thượng.

Chung một cội nguồn

Là người chuyên nghiên cứu về văn hóa vùng Tây Nguyên, bà Đoàn Bích Ngọ - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Theo tôi được biết, hiện nay cả nước có khoảng 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử gắn với thời đại Hùng Vương. Tại Lâm Đồng, Đền thờ Âu Lạc là một địa điểm như thế, tuy được xây dựng chưa lâu nhưng có quy mô lớn, kiến trúc ấn tượng. Công trình này mô phỏng khá giống với Di tích Đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ. Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức lễ hội rất trọng thể, trang nghiêm, cũng là thời điểm người dân địa phương và du khách đến dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng".

Tại đền Hạ, du khách sẽ được tham quan, chiêm ngưỡng rất nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt, có 3 chiếc trống đồng Đông Sơn được trưng bày bên trong đền cùng hàng trăm hiện vật khác.

Ông Nguyễn Viết Vân – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho hay: "Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền thờ Âu Lạc được tổ chức hàng năm nhằm giáo dục truyền thống "uống nước nhờ nguồn", thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Ngoài ra, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm còn giới thiệu những tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc thông qua các nghi thức cúng tế, đám rước, văn nghệ dân gian, trò chơi, ẩm thực dân gian nhằm góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc". 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem