Liên Hợp Quốc trừng phạt Tổng thống Libya

Thứ hai, ngày 28/02/2011 06:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với Tổng thống nước này.
Bình luận 0

16 nhân vật bị phong tỏa tài sản

Nghị quyết 1970 được toàn bộ 15 nước thành viên HĐBA nhất trí thông qua trong phiên họp đêm 26.2 (rạng sáng 27.2 giờ Việt Nam).

img
Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Gaddafi tiếp tục nổ ra ở Libya.

Theo đó, cấm mọi hoạt động bán vũ khí cho Libya, đồng thời cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với 16 nhân vật, trong đó có ông Gaddafi cùng các con và các thành viên khác trong gia đình ông, các quan chức quốc phòng và tình báo hàng đầu của Libya.

Nghị quyết còn yêu cầu Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ở La Hay điều tra và có thể truy tố những người chịu trách nhiệm về việc người biểu tình thiệt mạng ở Libya. Theo báo cáo của LHQ, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong đợt bạo lực đang diễn ra tại quốc gia này.

Các thành viên HĐBA cũng nhất trí điều tra xem chế độ của Gadhafi có phạm tội ác chống nhân loại hay không. Tuy nhiên, HĐBA không xét đến đề nghị lập vùng cấm bay phía trên Libya, cũng không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố không có ý định can thiệp vào Libya.

Phong trào phản kháng vẫn bùng nổ

Lực lượng bảo vệ đặc biệt của ông Gaddafi với 9.000 người, với xe tăng và máy bay đã có những bộ phận rời bỏ nhiều khu vực ở thủ đô Tripoli trong bối cảnh cuộc nổi dậy của dân chúng tiếp tục lan tràn khắp đất nước Bắc Phi.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tư pháp Mustafa Mohamed Abud Al Jeleil, người đã từ chức để phản đối việc sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình chống chính phủ, nói với truyền thông địa phương tại thành phố Benghazi ở đông bắc Libya rằng, ông sẵn sàng lãnh đạo một chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, Saif al-Islam Gaddafi - con trai thứ hai của ông Gaddafi, đã bày tỏ quyết tâm bám giữ quyền lực và khẳng định không thể để mất khu vực phía Đông Libya.

Ngày 27.2, phong trào phản kháng tiếp tục bùng nổ tại nhiều thành phố và thị xã ven biển. Tại thành phố Musratha, thành phố lớn thứ ba của Libya nằm cách Tripoli 150km về phía Đông, lực lượng ủng hộ Gaddafi đã tháo chạy sau các vụ đụng độ quyết liệt tại đây.

Các cuộc đọ súng cũng nổ ra tại một sân bay gần đó. Tại thành phố Zawiyah, cách Tripoli 60km về phía tây, giao tranh giữa quân nổi dậy và binh lính trung thành với ông Gaddafi đã khiến trên 35 người thiệt mạng.

Lao động nước ngoài tiếp tục rời Libya

Trong khi đó, hàng nghìn người lao động nước ngoài tiếp tục rời khỏi Libya bằng đường bộ, đường thủy và đường không. Các quan chức cơ quan bảo vệ thường dân của Tunisia cho biết kể từ khi xảy ra biểu tình đến nay, đã có hơn 38.000 người sơ tán khỏi Libya qua biên giới nước này.

Ngày 26.2, các máy bay quân sự của Anh cũng đã bí mật tiến vào không phận Libya để sơ tán các công nhân trong ngành dầu lửa và những người khác từ các địa điểm trên sa mạc. Sứ mệnh giải cứu được thực hiện bí mật bởi rất ít máy bay được phép bay qua không phận Libya trong thời điểm hiện tại.

Ngày 27.2, khoảng 500 công nhân Ấn Độ cũng đã rời khỏi Libya, trở về Ấn Độ an toàn trên hai chiếc máy bay do Chính phủ Ấn Độ tổ chức giải cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem