Liên kết “xanh hóa” ruộng đồng: Cơ hội cho các sản phẩm sinh học, hữu cơ (Bài 2)

Quốc Hải - Thiên Hương Thứ sáu, ngày 08/03/2024 13:24 PM (GMT+7)
Để thúc đẩy sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ đã và đang được nghiên cứu, ban hành.
Bình luận 0

Xu hướng sử dụng thuốc sinh học tăng

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), nhờ nỗ lực tuyên truyền của ngành chức năng, các đoàn thể, lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trung bình trên cả nước giảm dần, từ 3,81kg/ha năm 2020 xuống 3,19kg/ha năm 2022, trong đó, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học có xu hướng tăng, từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022, đây là một tín hiệu rất tích cực.

Tại một hội thảo về thúc đẩy sử dụng thuốc BVTV sinh học được tổ chức, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, cả nước hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc BVTV đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc BVTV sinh học. Công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học gồm: Công nghệ vi sinh (có 84 tên thương phẩm trong danh mục); công nghệ tách chiết từ thực vật (141 tên thương phẩm trong danh mục) và công nghệ sản xuất thuốc thành phẩm từ hoạt chất thuộc nhóm hóa sinh (có 585 tên thương phẩm thuộc danh mục).

Liên kết “xanh hóa” ruộng đồng: Cơ hội cho các sản phẩm sinh học, hữu cơ (Bài 2)- Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: K.N

Số lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu có xu hướng tăng

Theo báo cáo của Cục BVTV, số lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu cũng tăng dần. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 21.900 tấn, đạt 89,4 triệu USD; năm 2021 tăng lên 28.200 tấn, đạt 113,8 triệu USD; năm 2022 là 25.200 tấn, đạt 111,2 triệu USD. 9 tháng năm 2023 nhập khẩu 13.500 tấn, đạt 50,5 triệu USD. Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm chiếm khoảng 15-20% tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, chiếm khoảng 90%.

A.T

Theo ông Đạt, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam ngày càng tăng, số liệu cho thấy trong 3 năm 2020 - 2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần, từ 3,81kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. 

"Tuy nhiên, lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022"- ông Đạt cho biết.

Mặc dù xu hướng sử dụng thuốc BVTV sinh học đã tăng lên nhưng theo Cục BVTV, vẫn còn rất nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách như hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; kinh phí đầu tư và duy trì hệ thống trang thiết bị, nghiên cứu chất lượng thuốc còn hạn chế…

"Đặc biệt vấn đề nhân rộng sử dụng thuốc BVTV sinh học còn khó khăn, người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng"-ông Đạt thẳng thắn.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng-chuyên gia nghiên cứu về thuốc BVTV nhận định, Nhà nước chưa có chính sách phù hợp và "đủ mạnh" để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sinh học. Chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về thuốc BVTV sinh học… Thêm vào đó, kinh phí đầu tư và duy trì còn hạn chế.

Vì vậy, ông Hồng đề xuất Bộ NNPTNT rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, đặc biệt cần tạo điều kiện phát triển thuốc BVTV sinh học. "Cần sớm bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất thuốc BVTV sinh học, giảm lãi suất vay vốn đầu tư, hỗ trợ công nghệ… từ đó hạ giá thành để nông dân dễ tiếp cận"-ông Hồng nói.

Nâng tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ

Liên kết “xanh hóa” ruộng đồng: Cơ hội cho các sản phẩm sinh học, hữu cơ (Bài 2)- Ảnh 2.

Bên cạnh việc ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học, với đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ NNPTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương. 100% số tỉnh, thành phố có cán bộ kỹ thuật được tập huấn và tổ chức tập huấn cho các cơ sở buôn bán, người sử dụng về sử dụng phân bón cân đối, tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời lượng phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia (lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn). Nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón. Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 20 triệu tấn/năm.

Liên kết “xanh hóa” ruộng đồng: Cơ hội cho các sản phẩm sinh học, hữu cơ (Bài 2)- Ảnh 3.

Cán bộ các cấp Hội Nông dân kiểm tra mô hình ủ rác hữu cơ tại hộ ông Đinh Hữu Phước, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương). Ảnh: Báo Bình Dương.

Đặc biệt đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ cao trong khu vực, diện tích trồng trọt có sử dụng phân bón hữu cơ chiếm 50%; 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương; 100% nguồn nguyên liệu sẵn có từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, rác thải sinh hoạt…, được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong cả quy mô nông hộ và sản xuất công nghiệp.

Cũng theo Bộ NNPTNT, các nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi; trồng trọt; thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và chất hữu cơ tự nhiên (rong biển, tảo biển...) có thể khai thác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.

Tính đến năm 2020, cả nước có 265 cơ sở có sản xuất phân bón hữu cơ (tăng 1,5 lần so với năm 2017) đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, chiếm 31,5% so với tổng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Nhiều cơ sở đang chuyển dịch từ chỗ chỉ sản xuất phân bón vô cơ sang sản xuất cả phân bón vô cơ và hữu cơ. \

Công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 4,04 triệu tấn/năm, chiếm 13% so với tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước. Sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp trong nước tăng từ 1,07 triệu tấn năm 2017 lên 2,4 triệu tấn năm 2020.

Ưu tiên tận dụng phụ phẩm nông nghiệp

Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, cân đối dinh dưỡng vô cơ - hữu cơ để duy trì và nâng cao sức khỏe đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Bộ NNPTNT cho biết, phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên nền sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài để tiến đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tạo ra nông sản an toàn, có giá trị gia tăng cao.

P.V

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem